Sự trở lại của Alibaba?

07/05/2021 10:42:57 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Trung Quốc có câu: “Đại nạn không chết, tất có hậu phúc”, có vẻ như câu nói này đang ứng với Alibaba, “gã khổng lồ” công nghệ của Trung Quốc, kẻ đã có một năm tồi tệ đến mức không thể tồi tệ hơn…

Có thể nói khoảng thời gian tồi tệ của “gã khổng lồ” thương mại điện tử phần lớn do chính phủ Trung Quốc thúc đẩy. Alibaba đã bị phạt tiền, chứng kiến lãnh đạo của mình bị đàn áp và công ty con hứa hẹn nhất bị “cắt bớt cánh”. Nhưng giờ đây, có thể “trời yên biển lặng” cùng những điều tồi tệ nhất đang đi qua với họ.

Đằng sau trụ sở chính của "Gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba tại Hàng Châu, Trung Quốc.

Thời gian thử thách với Alibaba

Có lẽ điểm khởi đầu của hành trình thăng trầm của Alibaba đã xảy ra vào tháng 10 năm ngoái, khi ông chủ của Alibaba đưa ra một số nhận xét tiêu cực về các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc.

Ngay sau đó, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã “rút phích cắm” một cách quyết đoán đối với đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group ở Thượng Hải và Hồng Kông, chỉ hai ngày trước khi sự kiện diễn ra.

Alibaba của Jack Ma bị chính quyền Bắc Kinh "sờ gáy" từ tháng 10 năm ngoái.

Điều tồi tệ tiếp tục xảy ra sau khi Ant Group IPO thất bại, họ đã bị buộc phải tái cấu trúc và thậm chí thu hẹp quy mô một số hoạt động kinh doanh của mình, trong đó có hoạt động cho vay, hoạt động cốt lõi và thúc đẩy tăng trưởng của họ. 

Các nhà quản lý Trung Quốc sau đó đã phê duyệt tái cấu trúc Ant Group để thành lập một công ty tài chính mới. Công ty này sẽ hấp thụ phần có lợi nhất của Ant - doanh nghiệp cho vay tiêu dùng. Ant sẽ đóng góp danh mục đầu tư khổng lồ trị giá 155 tỷ USD của mình trong các khoản cho vay chưa thanh toán. 

Nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất với Alibaba

Chính quyền Bắc Kinh sau đó đã gạt bỏ một phần dịch vụ kinh doanh sinh lợi nhất của Alibaba, Quỹ thị trường tiền tệ của Ant Group, một quỹ mà chỉ trong vòng 4 năm, đã trở thành “siêu thị tiền” lớn nhất thế giới, vượt qua những gã khổng lồ của Mỹ như Fidelity và JP Morgan. 

Một trong những dịch vụ phổ biến nhất của Ant Group là Yu'e Bao – tên tiếng Trung có nghĩa là "kho báu còn sót lại", một sản phẩm quản lý tài sản được ra mắt vào năm 2013, cho phép người dùng đầu tư một số tiền nhất định vào ví kỹ thuật số của họ. Số tiền tối thiểu để đầu tư chỉ là 1 nhân dân tệ.

Nhưng Bắc Kinh đã không để điều đó tồn tại, quỹ thị trường tiền tệ của Ant Group đã bị thu hẹp xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, họ được lệnh “tích cực cắt giảm”quy mô của quỹ như một phần của thỏa thuận tái cơ cấu đã xảy ra với chính quyền Trung Quốc.

Trước đó, vào tháng 4 một khoản tiền phạt “kỷ lục” 2,8 tỷ USD đã được áp dụng đối với Alibaba vì “vi phạm hành vi chống độc quyền”. 

Mặc dù, đây dường như là số tiền nhỏ hơn nhiều so với thiệt hại tài chính từ vụ IPO của Ant bị phá vỡ. Tuy nhiên, việc mô tả “tội lỗi” mới là điều quan trọng. Alibaba bị buộc tội "lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường" và một lần nữa, Bắc Kinh ra lệnh cho công ty “chấn chỉnh hành vi của mình cùng việc "thu hẹp hoạt động kinh doanh".

Kế hoạch Đại học Hupan của Jack Ma cũng bị hủy bỏ.

Chưa hết, chính phủ Trung Quốc còn ra lệnh đóng cửa Đại học Hupan, trường kinh doanh cực kỳ ưu tú mà Jack Ma thành lập và làm chủ tịch vào năm 2015. Đây có lẽ được coi là điều tâm huyết nhất của Jack Ma bị gạt bỏ, bởi kế hoạch cho đại học Hupan là đầy tham vọng, táo bạo và sáng tạo. Nó hứa hẹn một cách tiếp cận mới cho nền giáo dục kinh doanh, ở một số khía cạnh vượt xa bất cứ điều gì đã được làm ở nơi khác.

Sau cơn mưa trời lại sáng?

Nhưng giờ đây, sau tất cả sóng gió Alibaba đã sẵn sàng thực hiện khoản đầu tư lớn đầu tiên khi tiến gần đến thỏa thuận mua cổ phần trong chi nhánh bán lẻ của tập đoàn Suning của tỷ phú Trung Quốc Zhang Jindong. Thỏa thuận này sẽ bổ sung vào 20% cổ phần mà Alibaba đã sở hữu tại Suning.com, một trong những nhà bán lẻ đồ gia dụng, điện tử và hàng tiêu dùng lớn nhất Trung Quốc có giá trị khoảng 8 tỷ USD.

Alibaba sắp đạt được thỏa thuận với Suning.com, một trong những nhà bán lẻ đồ gia dụng, điện tử và hàng tiêu dùng lớn nhất Trung Quốc.

Giới quan sát cho rằng, khoản đầu tư tiềm năng này có thể đánh dấu sự trở lại của Alibaba. Thỏa thuận này sẽ giúp công ty thương mại điện tử lấn sân sang thành trì truyền thống của đối thủ hàng đầu JD.com, đồng thời việc bắt tay với chính quyền địa phương cho thấy dường như những “va chạm đáng tiếc” đang đi qua với Alibaba.

Michael Norris, một nhà phân tích công nghệ của công ty nghiên cứu thị trường AgencyChina có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Nếu thỏa thuận được tiến hành, nó cho thấy việc Alibaba đang được nới lỏng quy định hạn chế tham vọng chiến lược hoặc các khoản đầu tư cơ hội của mình. Giá trị chiến lược tiềm năng của các cửa hàng, trung tâm phân phối và trạm giao hàng cuối cùng của Suning đối với một Alibaba ngày càng đa kênh là rất rõ ràng”.

Suning.com có trụ sở tại Nam Kinh, thành phố thủ phủ của tỉnh Giang Tô. Công ty này có sự hiện diện bán lẻ thực tế mạnh mẽ ở Trung Quốc, đặc biệt là ở phần phía đông của nó, bao gồm trung tâm tài chính Thượng Hải.

Trong số các đại siêu thị, Suning.com có thị phần lớn thứ năm trên toàn Trung Quốc với 4,4%, theo dữ liệu năm 2020 từ Euromonitor International. 

Thỏa thuận này của Alibaba sẽ đặt ra một thách thức cho các đối thủ khác, như hoạt động của Walmart tại Trung Quốc - hiện đang ở vị trí thứ tư với thị phần 9,3% và có mối quan hệ với JD.com trong các hoạt động trực tuyến của mình.

Đồng thời thỏa thuận với Suning.com có thể giúp Alibaba chống lại sự cạnh tranh ngày càng tăng từ JD.com, gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến được Tencent, đặc biệt mạnh về điện tử và thiết bị gia dụng hậu thuẫn.

Nhà phân tích cấp cao Catherine Lim của Bloomberg cho rằng: “Việc tăng cổ phần trong Suning.com có thể tạo điều kiện cho những hợp tác và nâng cao thị phần bán lẻ trực tuyến cho hàng điện tử tiêu dùng của Alibaba, hiện đang theo sau đối thủ JD.com”.

Đã từ lâu, Alibaba và Suning tạo ra một liên minh chặt chẽ, hình thành mối quan hệ đối tác trong các lĩnh vực từ hậu cần đến bán hàng trực tuyến. Vào năm 2015, Alibaba đã đầu tư 4,6 tỷ USD cho 20% cổ phần của mình trong Suning.com, sau đó trả tiếp 2,3 tỷ USD để mua 1,1% cổ phần của công ty.

Có thể thấy, quan hệ đối tác với Suning và các nhà bán lẻ truyền thống khác là một phần trong mục tiêu của Alibaba nhằm xây dựng một đế chế nơi mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến được tích hợp liền mạch - một chiến lược được gọi là “Bán lẻ mới”. 

Giám đốc điều hành Alibaba, Daniel Zhang, đã coi việc mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ thực phẩm và kinh doanh tạp hóa nói riêng là nền tảng trong chiến lược tăng trưởng của mình, một nỗ lực đã được đền đáp trong đại dịch COVID-19.

Cuối cùng, có lẽ “sau cơn mưa trời lại sáng”, mọi khó khăn với Alibaba còn chưa thể qua hết trong một sớm một chiều nhưng rõ ràng là họ đang trở lại!

Diễn đàn Doanh nghiệp/ - PV Nguyễn Chuẩn

hotline 0848009668