06/16/2017 22:27:59 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Theo đánh giá của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), hoạt động mua bán doanh nghiệp (M&A) sẽ tăng trưởng với tốc độ 30-40%/năm.
Ông Karl Derek John, Tổng giám đốc Tập đoàn TCK (TCK Group) vừa có cuộc trao đổi với chúng tôi về hoạt động này tại Việt Nam.
Theo ông, các nhà đầu tư nước ngoài nghĩ gì về thị trường M&A ở Việt Nam?
Người nước ngoài khi không ở Việt Nam thì sẽ không có một bức tranh toàn diện về những gì đang diễn ra ở đất nước này. Họ có thể tra thông tin trên Internet nhưng những thông tin mà họ tìm thấy là không cụ thể và thường là lạc hậu. TCK đã dành rất nhiều thời gian để tham vấn các nhà đầu tư nước ngoài về các vấn đề cập nhật và làm thế nào để hoạt động hiệu quả tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy M&A là một cách thức hiệu quả để bước vào thị trường. Họ không cần mất thời gian để tìm kiếm một dự án hay làm các thủ tục hành chính. Thay vào đó, họ chỉ cần thời gian để tìm kiếm đối tác mà không phải trải qua các bước chuẩn bị. Họ đã quen thuộc với các hoạt động M&A tại đất nước của họ và do đó họ cảm thấy thoải mái, tự tin khi tham gia các hoạt động tương tự tại đây.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng cần đến những mối liên hệ với các công ty như TigerInvest và TCK Group để tìm kiếm các danh mục M&A tiềm năng. Thành lập đối tác chiến lược giữa các tổ chức thường là một cách phổ biến để thúc đẩy kinh doanh mà không cần phải dính vào quan hệ ràng buộc lâu dài về mặt pháp lý.
Là một nhà đầu tư và tư vấn, dựa trên những kinh nghiệm của mình về thị trường M&A, theo ông, Việt Nam sẽ phải trải qua những khó khăn gì?
Khi Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường thì cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, một dạng của hoạt động M&A, là một mục tiêu quan trọng cần đạt được. Tuy nhiên, đó sẽ là một công việc hết sức khó khăn để thành công. Cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước hiện đang được cho là diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, gần đây Chính phủ lại công bố kế hoạch làm chậm lại quá trình này và khởi xướng việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu trên thị trường chứng khoán.
Dù Quốc hội đã thông qua rất nhiều đạo luật trong năm 2005 và 2006, rất nhiều người hoạt động trong lĩnh vực M&A vẫn than phiền rằng các quy định về nó vẫn còn chưa cụ thể và toàn diện.
Một trong những vấn đề đối với các hoạt động M&A ở Việt Nam là sự không rõ ràng. Nói chung là còn thiếu các thông tin tin cậy. Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư nước ngoài cần đến những dịch vụ như của TCK Group và TigerInvest để thực hiện việc kiểm tra và xác minh cho họ.
Tôi chắc chắn bạn hoặc một người bạn của bạn mà đã từng mua cổ phiếu đều nhận thấy rằng các thông tin cần thiết giúp đưa ra một quyết định là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Trong hoạt động của M&A, điều này không phải là một ngoại lệ.
Ông nghĩ thế nào về việc kinh doanh trong lĩnh vực M&A tại Việt Nam?
Tôi đến Việt Nam lần đầu cách đây 13 năm. Lúc đó tôi đã thấy tiềm năng mà hiện tại Việt Nam đang mở ra đối với thế giới, đó là cơ hội đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh về du lịch và khách sạn. Cũng như cơ hội mà tôi đã nhận ra cách đây 13 năm, tôi đang thấy những cơ hội mới, đó là các hoạt động về M&A khi mà Việt Nam đang bước vào thị trường thế giới.
Khi mà mọi người quen dần với khái niệm mới này, cũng như những đạo luật liên quan đến M&A, thì hoạt động của nó sẽ đạt tới đỉnh cao mới. Điều này được hỗ trợ bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và khi càng nhiều các hoạt động M&A diễn ra thì tốc độ tăng trưởng cũng càng mạnh mẽ. Do đó, đây là một vòng tuần hoàn.
Trong khi các tập đoàn lớn có đủ nguồn lực để thuê các tư vấn, thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại không có được điều này. Bởi vì, M&A vẫn còn khá mới mẻ đối với Việt Nam và bên mua và bán không có đủ những hướng dẫn rõ ràng về các thủ tục liên quan nên tỷ lệ thành công của hoạt động M&A là thấp.
Đồng thời, những người tham gia cũng không biết khi nào thì họ nên bán công ty và bán cho ai, trong khi những người khác thì lại sợ đưa ra những quyết định sai lầm khi mua lại doanh nghiệp. Đó chính là lý do tôi nhìn thấy tương lai dành cho TigerInvest và TCK Group là rất sáng sủa.
Đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì tác động mà thị trường M&A tạo ra đối với sự phát triển chung của nền kinh tế là gì, thưa ông?
Đã có những phát biểu rằng hơn 50% trong số 300.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể sát nhập với một đối tác khác trong vòng 6 năm tới do đòi hỏi cạnh tranh trên thị trường nội địa và quan trọng hơn là trên trường quốc tế.
Có rất nhiều lý do vì sao một doanh nghiệp lại muốn liên quan đến hoạt động M&A. Có thể vì doanh nghiệp đó đang liên tiếp thua lỗ, hoặc lợi thế cạnh tranh sau vài năm hoạt động bị giảm sút, thậm chí là do thiếu sự thích nghi đối với môi trường kinh doanh mới; có thể là các cơ hội kinh doanh xuất hiện và sự thay đổi hướng đầu tư là cần thiết; hay đơn giản là một đề nghị hấp dẫn từ phía người mua. Đơn giản hơn nữa là một sự mở rộng kinh doanh hoặc mong muốn giành được đối thủ.
Do vậy, hoạt động M&A sẽ có tác động sâu sắc tới cách thức kinh doanh và sẽ đem lại cấu trúc cho cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, góp phần làm thay đổi hệ thống nền tảng. Các công ty sẽ lớn mạnh nhờ các hoạt động mua bán - sáp nhập hơn là thông qua các dịch vụ và marketing.
Với sự gia nhập vào WTO, Việt Nam đang tiến xa ra thế giới và cách Việt Nam tiếp cận các khái niệm mới cũng như các cách thức kinh doanh nước ngoài sẽ rất được quan tâm để mắt tới không chỉ ở trong nước mà còn trên toàn thế giới.
Theo ông, để thị trường M&A phát triển, Việt Nam cần phải có những giải pháp gì?
Các quy định và hướng dẫn về hoạt động M&A ở Việt Nam là chưa đủ và các bộ luật lao động được xem là quá ưu đãi người lao động, do đó các công ty vẫn còn chưa thật sẵn sàng tham gia vào các hoạt động M&A. Khi mà Việt Nam ngày càng tiếp cận gần hơn với WTO, thì sự tư vấn từ các thành viên WTO hiện có sẽ gia tăng và những gì được mong đợi ở Việt Nam trở nên rõ ràng hơn. Như mong muốn của Chính phủ, các quyết định khó khăn cũng đã được đưa ra và sân chơi đầu tư cũng trở nên công bằng.
Để có được bất kỳ một quyết định đầu tư nào, cần phải có đủ thông tin được cung cấp chính xác và rõ ràng. Cũng cần phải có các hướng dẫn về việc làm thế nào để các công ty đưa những thông tin cần thiết ra công chúng. Để các cầu thủ chơi một trận đá bóng, họ phải biết luật chơi. Đối với hoạt động M&A cũng vậy, nếu các đối tác được khuyến khích tham gia, họ cần được biết các quy định.
Mặc dù đã có những bước phát triển nhất định nhưng Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với những khái niệm, quy tắc thủ tục và tài chính được chấp nhận trên trường quốc tế. Việt Nam đã đi được một quãng đường nhưng trước mắt vẫn sẽ là một chặng dài nữa trước khi được coi là một quốc gia phát triển.
( Theo Vneconomy)
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50