Thuốc lá điện tử độc hại bán như 'rau': Cần chế tài mạnh tay

02/26/2021 11:18:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Hút thuốc lá điện tử có thể gây nghiện và gặp các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, như: bệnh tim mạch, ung thư... Do vậy, sử dụng thuốc lá điện tử, đặc biệt với thế hệ trẻ, sẽ gây nhiều hệ lụy về sau.

Tại khu vực phố Tây Bùi Viện (Q.1), địa chỉ bán TLĐT chính là các “cửa hàng thuốc lá di động” /// TRÁC RIN

Tại khu vực phố Tây Bùi Viện (Q.1), địa chỉ bán TLĐT chính là các “cửa hàng thuốc lá di động”

Trả lời Thanh Niên, bác sĩ (BS) Nguyễn Hồng Đức, giảng viên bộ môn nội hô hấp - Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết hiện nay nhiều người lầm tưởng hút thuốc lá điện tử (TLĐT) có thể cai nghiện được thuốc lá truyền thống.

“Thực tế, việc hút TLĐT ở người trẻ được xem như “cổng vào” cho tình trạng lệ thuộc nicotine, dẫn đến sử dụng các sản phẩm thuốc lá đốt về sau”, BS Đức nhận định.

Gây nghiện, ảnh hưởng sức khỏe

Theo BS Đức, TLĐT cấu tạo gồm buồng tạo hơi, bộ phận làm nóng, bầu chứa, pin. Thuốc lá thông thường khi đốt cháy lá thuốc sẽ sinh ra khói, còn TLĐT có bầu chứa đựng chất lỏng khi nung nóng tạo thành hơi cho người dùng hít vào. Quá trình này mô phỏng động tác hút thuốc, nhưng không đốt cháy thuốc lá. Ban đầu TLĐT được sản xuất giống điếu thuốc lá, hút hết bỏ đi. Nhưng hiện nay, các phiên bản mới nhìn không còn giống điếu thuốc lá do có thể sạc pin, cũng như bộ phận làm nóng, bầu chứa có thể cung cấp nicotine ở nồng độ cao hơn.

BS Đức thống kê hiện nay có hơn 7.000 hương vị tinh dầu khác nhau lưu hành trên thị trường từ kẹo, trái cây đến rượu… “Hương thơm từ tinh dầu có tác dụng làm tăng độ hấp dẫn của TLĐT đối với người trẻ, nhất là những ai chưa phải là người nghiện hút thuốc lá. Đôi khi các chất tetrahydrocannabinol hoặc cannabinoid tồn tại trong thành phần cây cần sa cũng được tìm thấy trong chất lỏng của TLĐT”, BS Đức nhấn mạnh.

“Trong TLĐT chứa nicotine và các thành phần khác như propylene glycol hoặc glycerol có thể gây nghiện, ung thư, viêm phổi cấp. Thói quen hút TLĐT khiến người dùng có thể bị ngộ độc nicotine cấp mà nguy cơ lớn nhất là trẻ em, với liều gây tử vong là 10 mg”, BS Đức nói.

Mới đây, tại cuộc hội thảo “Cung cấp thông tin về thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng”, do Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), khẳng định: “Với bản chất hóa hơi, TLĐT làm tăng nồng độ các hạt vật chất, nicotine và một số chất độc trong không khí; đồng thời làm tăng nguy cơ gây hại cho người hút và người tiếp xúc với khói thuốc, ngay cả khi hóa hơi này không nhìn thấy rõ. Thói quen hút thuốc lá mới đã làm giảm hoặc cản trở việc cai nghiện thuốc lá ở cấp độ quần thể thông qua việc sử dụng kép (xen kẽ giữa thuốc lá truyền thống và TLĐT). Đặc biệt, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết luận chưa có bằng chứng cho thấy TLĐT giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống”.

Thuốc lá điện tử độc hại bán như 'rau': Cần chế tài mạnh tay1

Nam khách hàng đến mua TLĐT tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Cư Trinh (Q.1, TP.HCM). ẢNH: BÍCH NGÂN

Cần cấm để bảo vệ trẻ em

Tại cuộc hội thảo nói trên, thạc sĩ Lê Thị Thu, Quản lý chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây thuộc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, cho biết: “Người trẻ tuổi (14 - 30 tuổi) đã sử dụng TLĐT thì có nguy cơ sử dụng thuốc lá điếu cao hơn 4 lần so với nhóm người không dùng TLĐT. 70% số người thử sẽ trở thành người hút thuốc hằng ngày do nghiện nicotine”.

Bà Thu phân tích ngành công nghiệp thuốc lá nhắm vào giới trẻ trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam bằng chiến lược quảng cáo, bán hàng thông qua mạng xã hội, trang thương mại điện tử, sự kiện âm nhạc, thể thao... Với thiết kế nhỏ gọn, bắt mắt, đóng gói như kẹo, nhiều hương vị, giá rẻ, cùng với việc sử dụng hình ảnh giới trẻ, người nổi tiếng, các “hashtag” (chuỗi ký tự liền sau dấu “#” dùng trên các mạng xã hội để nhóm nội dung hoặc tạo ra một chủ đề được quan tâm - PV) có ảnh hưởng, TLĐT đã thu hút giới trẻ sử dụng. “Các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền để giới trẻ, phụ huynh, thầy cô giáo nhận diện được bản chất gây bệnh tật của các sản phẩm TLĐT thế hệ mới. Đồng thời, cơ quan chức năng cần kiểm soát các hoạt động quảng cáo, buôn bán khi các sản phẩm này chưa được cấp phép lưu hành trên thị trường”, bà Thu đề xuất.

Trả lời Thanh Niên, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cho biết tất cả những sản phẩm liên quan đến TLĐT là sản phẩm nhập lậu. Việc mua bán TLĐT là kinh doanh bất hợp pháp. TLĐT là mặt hàng không được phép nhập khẩu, mua bán, thì cũng không được phép sử dụng. Vì vậy, có thể xử phạt về hành vi mua bán TLĐT theo các quy định thương mại. Về hút TLĐT, cách đây nhiều năm, Việt Nam đã áp dụng Nghị định 176 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế để xử phạt về hành vi hút TLĐT nơi công cộng.

Bà Trang cho biết thêm Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng. Trong thời gian tới, các bộ ngành phải có ý kiến, cũng như báo cáo Thủ tướng, Chính phủ để quyết định hướng xử lý liên quan đến TLĐT. Về khía cạnh tham mưu thì Bộ Y tế đã có nhiều văn bản báo cáo cho Chính phủ, nội dung thể hiện TLĐT là sản phẩm độc hại tương đương với thuốc lá điếu thông thường. Có những loại TLĐT còn độc hại hơn cả thuốc lá điếu. Ví dụ như vấn đề liên quan đến cháy nổ, các bệnh viêm phổi cấp; nguy cơ về sử dụng ma túy, tăng tỷ lệ hút thuốc lá với trẻ em và phụ nữ.

“Từ trước đến nay, trong các văn bản gửi cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế luôn giữ quan điểm bảo vệ sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em”, bà Trang cho hay.

Thuốc lá điện tử độc hại bán như 'rau': Cần chế tài mạnh tay2

TLĐT được rao bán tràn lan trên mạng xã hội Facebook. ẢNH: TRÁC RIN

Có thể bị truy cứu hình sự ?

Luật sư (LS) Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn LS TP.HCM) cho biết gần đây TLĐT, shisha, thuốc lá làm nóng hay gọi chung là thuốc lá thế hệ mới đang được kinh doanh rầm rộ trên thị trường. Trong khi đó, các mặt hàng này chủ yếu là hàng xách tay, hàng nhập lậu vì chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

“Do đó, tất cả TLĐT có bán trên thị trường hay việc các cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội, internet để quảng cáo mặt hàng TLĐT là có dấu hiệu vi phạm pháp luật”, LS Thảo nhận định và cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ, tăng cường quản lý, ngăn chặn việc nhập lậu, tàng trữ, vận chuyển và kinh doanh trái phép TLĐT.

Còn theo LS Hà Hải (Đoàn LS TP.HCM), pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể về chế tài xử phạt đối với việc sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển TLĐT. Tuy nhiên, theo quy định khoản 1 điều 2 luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 thì “thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”.

“TLĐT có các thành phần chính như: nicotine, propylene glycol, nước, glycerin, chất tạo mùi... Trong đó nicotine đa phần có nguồn gốc từ cây thuốc lá mà cây thuốc là nguyên liệu thuốc lá. Như vậy, TLĐT có thể xem là dạng khác của thuốc lá. Vì vậy, cơ quan chức năng có thể áp dụng chế tài xử phạt thuốc lá đối với TLĐT tại Việt Nam”, LS Hải phân tích.

Cũng theo LS Hải, điều 190 bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về “tội buôn bán, sản xuất hàng cấm”, người có hành vi buôn bán hàng hóa nhập lậu tùy theo mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. “Do đó, pháp luật Việt Nam cần ban hành chế tài xử phạt áp dụng đối với mặt hàng TLĐT một cách rõ ràng, cụ thể hơn”, LS Hải đề xuất.

Trẻ em, phụ nữ dễ bị “dụ” sử dụng thuốc lá điện tử

Bà Trần Thị Trang cho rằng các sản phẩm liên quan TLĐT hướng tới trẻ em. Về mẫu mã thì đa dạng, mùi hương rất hấp dẫn, có thiết kế hình USB, hình thỏi son để cuốn hút phụ nữ. Do đó, trẻ em, phụ nữ rất dễ bị lôi cuốn sử dụng TLĐT. Đáng nói là lượng hóa chất độc hại cũng rất nhiều.

“Sắp tới, nước Mỹ sẽ cấm các sản phẩm TLĐT có hương vị. Điều đó càng củng cố cho việc TLĐT ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em và việc trẻ em sử dụng TLĐT đang ngày càng gia tăng”, bà Trang dẫn chứng.

Báo Thanh niên (- PV D.Tính)

http://thanhnien.vn/thoi-su/thuoc-la-dien-tu-doc-hai-ban-nhu-rau-can-che-tai-manh-tay-1345274.html?fbclid=IwAR3DXJvsltDmfEU5FT7CEGiy_fPdMsEiO0DKWKOeR3D7Loif2a6nPedHBY8

hotline 0848009668