Trả lại 'đất vàng' sau vi phạm, được không?

06/18/2021 10:29:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Liên quan những vi phạm về quản lý đất đai, tài sản tại Bình Dương đã được Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận, hiện các doanh nghiệp đang có kiến nghị hoàn trả "đất vàng" về cho Nhà nước quản lý, nhưng cách thức thực hiện ra sao?

Trả lại đất vàng sau vi phạm, được không? - Ảnh 1.

Khu đất 145ha được đầu tư làm sân golf, sau khi bị phát hiện vi phạm đang được các cổ đông đề xuất trả lại cho Nhà nước - Ảnh: BÁ SƠN

Trong số các khu đất xảy ra sai phạm mà Ủy ban Kiểm tra trung ương chỉ ra, ngoài khu đất 43ha hiện đã được Bộ Công an thụ lý điều tra, việc hoàn trả được đề cập liên quan dự án sân golf 145ha, hiện có trị giá hàng ngàn tỉ đồng.

Chuyển nhượng vốn

Theo tìm hiểu, khu đất 145ha tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương hiện đã được đầu tư làm dự án "Harmonie Golf Park" với quy mô 18 lỗ golf, đã đi vào hoạt động. 

Sân golf này hiện do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tân Thành sở hữu. Vì vậy, đề xuất trả lại khu đất 145ha thực chất là chuyển nhượng phần vốn góp của các cổ đông tư nhân tại Công ty Tân Thành về cho công ty nhà nước.

Theo thông tin trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Tân Thành có vốn điều lệ 480 tỉ đồng (tương đương 30 triệu USD - theo thời điểm đăng ký kinh doanh), gồm ba cổ đông: Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (còn gọi là Tổng công ty 3-2) chiếm 30%, Công ty TNHH Phát triển chiếm 32% và Công ty cổ phần Hưng Vượng chiếm 38%.

Theo văn bản mà các cổ đông gửi cơ quan chức năng, họ đồng ý chuyển nhượng lại cổ phần tại Công ty Tân Thành theo giá trị đầu tư ban đầu theo sổ sách. 

Cụ thể, Công ty Hưng Vượng xác định giá trị vốn góp theo sổ sách trên 202 tỉ đồng, Công ty Phát triển là trên 158 tỉ đồng... Như vậy, nếu cộng cả 30% còn lại mà Tổng công ty 3-2 hứa bán thì tổng giá trị mà công ty nhà nước phải bỏ ra để mua lại 100% Công ty Tân Thành là trên 500 tỉ đồng.

Trong khi đó, với 145ha đất ở vị trí gần trung tâm của TP Thủ Dầu Một, có nhiều tuyến đường lớn mới được mở rộng gần khu đất như đường Phạm Ngọc Thạch, đường Trần Ngọc Lên thì giá trị của mỗi hecta phải tới hàng chục tỉ đồng (chưa kể giá trị đầu tư trên đất). Tính ra, khu đất 145ha có giá thị trường hiện tới hàng ngàn tỉ đồng.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, một luật sư cho biết không thể chỉ so sánh giá thị trường của khu đất cao hơn tổng chi phí mà các nhà đầu tư đề nghị để thực hiện việc "hoàn trả" khu đất 145ha về cho Nhà nước. 

Công ty TNHH MTV Đầu tư và dự án Bình Dương (IMPCO) thuộc Tỉnh ủy Bình Dương là doanh nghiệp được đề nghị mua lại 100% cổ phần tại dự án 145ha từ các cổ đông. Theo luật sư, do IMPCO là doanh nghiệp nhà nước nên muốn mua tài sản phải thực hiện các bước thẩm định chặt chẽ.

Hơn nữa, hiện khu đất đang liên quan một vụ việc được các cơ quan trung ương làm rõ và Bộ Công an điều tra vụ án, vì vậy việc chuyển nhượng vốn góp như một biện pháp để khắc phục hậu quả của vi phạm cần phải có ý kiến của cơ quan điều tra và các cơ quan có thẩm quyền khác. 

Được biết, tới nay văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương đã có biên bản làm việc với các cổ đông về việc thống nhất chủ trương doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy sẽ nhận mua lại cổ phần theo giá sổ sách ban đầu, nhưng vẫn phải chờ sự cho phép của các cơ quan chức năng.

Siết lại quản lý tài sản nhà nước

Cũng liên quan tới Tổng công ty 3-2, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty này chính thức chuyển sang công ty cổ phần. Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước phát hiện, kiến nghị xử lý một số sai phạm, trong đó kiến nghị xử lý tài chính lên tới trên 1.000 tỉ đồng.

Cụ thể, đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, Kiểm toán Nhà nước xác định giá trị tăng thêm là trên 494 tỉ đồng, kiến nghị Tổng công ty 3-2 phải nộp về quỹ dự trữ tài chính của Đảng để quản lý (hiện số tiền này đã được doanh nghiệp nộp về quỹ của văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương). 

Ngoài ra còn có trên 559 tỉ đồng là các khoản thuế được Kiểm toán Nhà nước tính toán lại và yêu cầu Tổng công ty 3-2 nộp vào ngân sách, nhưng số tiền này công ty đang có kiến nghị và chờ kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền.

Tổng công ty 3-2 trước đây là doanh nghiệp 100% vốn thuộc Tỉnh ủy Bình Dương, nhưng bắt đầu thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2015 - 2018. Vốn điều lệ của tổng công ty sau khi cổ phần là 3.000 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước chỉ còn chiếm trên 60%, còn lại là các nhà đầu tư mua đấu giá hoặc cổ đông chiến lược. 

Ngoài hai khu đất 43ha và 145ha, Tổng công ty 3-2 từng quản lý quỹ đất rất "khủng" tại Bình Dương. Nhưng để thực hiện cổ phần hóa nên phần lớn trong số quỹ đất này (trên 1.100ha) đã được chuyển giao sang IMPCO (100% vốn thuộc Tỉnh ủy) quản lý.

Chấp hành mọi hình thức kỷ luật

Ngày 17-6, trao đổi với Tuổi Trẻ sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận kiểm tra về dấu hiệu vi phạm liên quan Tổng công ty 3-2, một số cựu lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương (nhiệm kỳ 2015 - 2020) cho biết sẽ chấp hành nội dung kết luận.

Ông Phạm Văn Cành - nguyên phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương (người từng chỉ đạo trực tiếp đối với hoạt động của Tổng công ty 3-2) - cho biết vụ việc đã có kết luận chính thức của cơ quan chức năng, nên ông không có ý kiến.

Tại hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh Bình Dương liên quan các nội dung được Ủy ban Kiểm tra trung ương và Bộ Công an đang làm rõ, các lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã "xin nhận lỗi trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh", đồng thời "đã nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ vi phạm của mình, đã tự nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc và sẽ chấp hành mọi hình thức kỷ luật của cấp có thẩm quyền".

Tuổi trẻ online (-  PV Bá Sơn)