Tranh cãi 'đại sứ thương hiệu' trong vụ Bệnh viện thẩm mỹ Nam An kiện Sen Vàng

06/07/2024 15:56:05 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Bệnh viện thẩm mỹ Nam An đưa ra vi bằng ghi nhận tin nhắn giữa CEO Bệnh viện thẩm mỹ Nam An và Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty Sen Vàng, thể hiện giá thị trường mà Sen Vàng đưa ra đối với gói đại sứ thương hiệu là 3,5 tỉ/năm.

Chiều 6.6, trong vụ kiện "tranh chấp hợp đồng quảng bá thương hiệu" giữa nguyên đơn Công ty CP Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (gọi tắt Nam An) và bị đơn Công ty CP Quảng cáo thương mại Sen Vàng (gọi tắt Công ty Sen Vàng), khi tranh luận, các bên có những tranh cãi về định nghĩa “đại sứ thương hiệu”.

Tranh cãi 'đại sứ thương hiệu' trong vụ Bệnh viện thẩm mỹ Nam An kiện Sen Vàng- Ảnh 1.

 

Facebook "Lê Hoàng Phương" bình luận trên bài viết của tài khoản "Chiêm Quốc Thái"

CHỤP MÀN HÌNH

Cụ thể, luật sư của Bệnh viện thẩm mỹ Nam An yêu cầu chấm dứt hợp đồng 149 về quảng bá thương hiệu giữa các bên. Buộc Công ty Sen Vàng phải hoàn trả 8 tỉ đồng đối với phần nghĩa vụ không được thực hiện theo đúng quy định pháp luật và phạt vi phạm 640 triệu đồng.

Bệnh viện thẩm mỹ Nam An yêu cầu áp dụng pháp luật tương tự và thông lệ

Theo luật sư của Nam An, mục đích hướng tới của bệnh viện khi ký hợp đồng 149 là dịch vụ “thẩm mỹ và làm da” của bên Nam An sẽ được quảng bá trong cuộc thi, đính kèm quyền lợi quan trọng nhất là hoa hậu cuộc thi Miss Grand Việt Nam 2023 sẽ là đại sứ thương hiệu của Bệnh viện thẩm mỹ Nam An trong 2 năm.

Song đến nay, cả 2 việc chính trên vẫn chưa được Sen Vàng thực hiện, hơn nữa hoa hậu là bà Lê Hoàng Phương lại vi phạm khi bình luận trên Facebook của bác sĩ Chiêm Quốc Thái: "Dạ em cảm ơn bác sĩ đã giúp em có vẻ đẹp hoàn mỹ thêm phần tự tin hơn ạ”.

Tranh cãi 'đại sứ thương hiệu' trong vụ Bệnh viện thẩm mỹ Nam An kiện Sen Vàng- Ảnh 2.

 

Buổi ký kết đại sứ thương hiệu giữa CEO Bệnh viện thẩm mỹ Nam An (thứ 3, từ trái qua) và Hoa hậu Lê Hoàng Phương

FBNV

Luật sư của Bệnh viện thẩm mỹ Nam An phân tích “đại sứ” vốn là thuật ngữ sử dụng trong chính trị, ngoại giao. Do sự phát triển kinh tế thị trường, 2 từ “đại sứ” đã đi vào hoạt động kinh tế để đến nay có thuật ngữ “đại sứ thương hiệu”. Bản chất đại sứ là đại diện duy nhất, không có việc đại sứ của một quốc gia này lại là đại sứ cho một quốc gia khác. Trong hoạt động thương mại cũng vậy, vai trò của “đại sứ thương hiệu” là đại diện duy nhất cho thương hiệu doanh nghiệp.

Theo luật sư, hiện tại pháp luật Việt Nam chưa quy định về đại sứ thương hiệu nhưng quyết định của Bộ VH-TT-DL có quy định về đại sứ du lịch Việt Nam. 

Sau khi áp dụng pháp luật tương tự, luật sư cho rằng đại sứ thương hiệu phải được hiểu là có nghĩa vụ tham gia vào các hoạt động quảng bá thương hiệu của Nam An, có hành vi ứng xử mẫu mực…

Tuy nhiên, bà Lê Hoàng Phương khi làm đại sứ thương hiệu cho Nam An đã bình luận trên Facebook của ông Chiêm Quốc Thái dẫn đến gây hiểu lầm cho khách hàng, ảnh hưởng đến sản phẩm quảng cáo mà hoa hậu đang làm đại sứ thương hiệu.

Theo luật sư, do hợp đồng giữa 2 bên không thỏa thuận cụ thể về hoạt động quảng bá sản phẩm, luật Việt Nam chưa quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của đại sứ thương hiệu. Do đó cần áp dụng pháp luật tương tự để giải thích hợp đồng quảng cáo giữa các bên, theo quy định của bộ luật Dân sự 2015.

Đại sứ thương hiệu là độc quyền với nhãn hàng

Khi làm đại sứ thương hiệu, có được hiểu Lê Hoàng Phương quảng bá độc quyền cho Bệnh viện thẩm mỹ Nam An 2 năm hay không, theo luật sư của Nam An, nhiệm vụ chính của đại sứ thương hiệu là giúp doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá và tạo ra sự nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp, tạo lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu của doanh nghiệp. Điều này trở thành tập quán thương mại áp dụng chung cho hoạt động “đại sứ thương hiệu”, buộc người giữ vai trò, nhiệm vụ này phải tuân thủ tuyệt đối.

Như vậy, “đại sứ thương hiệu” đồng nghĩa với độc quyền, đây là thông lệ được phổ biến, chấp nhận rộng rãi tại Việt Nam và thế giới.

Tranh cãi 'đại sứ thương hiệu' trong vụ Bệnh viện thẩm mỹ Nam An kiện Sen Vàng- Ảnh 3.

Đại diện nguyên đơn tại tòa

Ngoài ra, luật sư nêu tại phụ lục 01, Sen Vàng đề cập một số nội dung không độc quyền đối với từng quyền lợi dành cho Nam An (cụ thể Hoa hậu Đoàn Thiên Ân là KOL không độc quyền 6 tháng, 4 Á hậu của Miss Grand Việt Nam 2023 là KOL không độc quyền 1 năm…). 

Điều này thể hiện, Sen Vàng hiểu rất rõ vấn đề độc quyền và không độc quyền nên đã gắn yếu tố “không độc quyền” đối với từng quyền lợi. Riêng quyền lợi về Hoa hậu Lê Hoàng Phương không gắn yếu tố này, khẳng định Hoa hậu Lê Hoàng Phương là đại sứ thương hiệu duy nhất, độc quyền của Nam An. Hoa hậu Lê Hoàng Phương không được phát ngôn, quảng bá về dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ cho các đơn vị khác ngoài Nam An.

Để xác định giá trị của đại sứ thương hiệu bao nhiêu, trong khi hợp đồng và phụ lục không quy định, phía Nam An nộp tòa vi bằng ghi nhận tin nhắn Zalo giữa CEO Bệnh viện thẩm mỹ Nam An - bà Nguyễn Thị Như Lan và bà Phạm Việt Mỹ (Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty Sen Vàng, ngày 10.7.2023), thể hiện giá thị trường mà Sen Vàng đưa ra đối với gói đại sứ thương hiệu là 3,5 tỉ/năm.

“Khoản tiền 8 tỉ đồng mà Nam An yêu cầu Sen Vàng hoàn trả là phù hợp bởi trong đó không chỉ bao gồm gói đại sứ thương hiệu mà còn phần quảng cáo về dịch vụ thẩm mỹ và làm da và các quyền lợi khác mà Sen Vàng chưa thực hiện”, luật sư nêu.

Công ty Sen Vàng đã hoàn thành nghĩa vụ sau khi Lê Hoàng Phương đăng quang?

Ngược lại, luật sư Công ty Sen Vàng cho rằng bình luận của bà Lê Hoàng Phương trên Facebook của ông Chiêm Quốc Thái, xác nhận có phẫu thuật thẩm mỹ ở chỗ bác sĩ Chiêm Quốc Thái, cũng không có nghĩa là quảng cáo cho bệnh viện của bác sĩ này.

Tranh cãi 'đại sứ thương hiệu' trong vụ Bệnh viện thẩm mỹ Nam An kiện Sen Vàng- Ảnh 4.

Luật sư của Công ty Sen Vàng (đứng)

Hợp đồng đại sứ thương hiệu cũng hoàn toàn không có quy định một người từng phẫu thuật tại bệnh viện khác thì không được là đại sứ thương hiệu. Bệnh viện thẩm mỹ Nam An chưa chứng minh được hành vi của bà Phương là gây ra thiệt hại, để chấm dứt hợp đồng 149 về quảng bá thương hiệu.

Bên cạnh đó, luật sư của Công ty Sen Vàng khẳng định công ty chỉ sở hữu về hình ảnh của Lê Hoàng Phương, đồng thời chỉ nhân danh, đại diện, thay mặt bà Phương ký kết các hợp đồng quảng bá thương hiệu, truyền thông kể từ thời điểm sau ngày 27.8.2023.

“Công ty Sen Vàng đã hoàn thành nghĩa vụ khi bà Phương chính thức là đại sứ thương hiệu cho nguyên đơn. Mọi hoạt động liên quan đến việc làm đại sứ thương hiệu sau này là mối quan hệ giữa Bệnh viện Nam An và bà Lê Hoàng Phương được quy định tại hợp đồng đại sứ thương hiệu”, luật sư của Công ty Sen Vàng lập luận và cho rằng quan hệ tranh chấp về đại sứ thương hiệu là giữa Hoa hậu Lê Hoàng Phương và bệnh viện, không liên quan tới Công ty Sen Vàng.

Ngoài ra, luật sư cho rằng Sen Vàng có làm một số công việc nhưng nguyên đơn chưa nghiệm thu nên nếu có vi phạm cũng không cấu thành vi phạm cơ bản theo quy định của luật Thương mại 2005.

Theo diễn biến phiên tòa ngày 6.6, đại diện Viện kiểm sát đề nghị tòa thu thập thêm chứng cứ chỗ bác sĩ Chiêm Quốc Thái để xem có hợp đồng nào liên quan giữa ông Chiêm Quốc Thái và bà Lê Hoàng Phương hay không.

Ngoài ra, chủ tọa nhiều lần bày tỏ mong muốn các bên nên hòa giải với nhau là cách tốt nhất. Đại diện nguyên đơn cho rằng, nếu phía bị đơn có thiện chí hòa giải thì cần phải có người có thẩm quyền cùng tham gia hòa giải.

Luật sư của Công ty Sen Vàng trình bày: "Bị đơn hợp tác hòa giải, nhưng nguyên đơn tạm ngừng, hoãn phiên tòa kéo dài, sẽ gây ảnh hưởng đến bị đơn và các sự kiện sắp tới của Sen Vàng, nên đề nghị HĐXX xem xét".

Sau khi vào hội ý, HĐXX ra thông báo tạm dừng phiên tòa, ngày 13.6 sẽ mở lại phiên tòa. Riêng đề nghị của kiểm sát viên, HĐXX sẽ xem xét.

Theo báo Thanh Niên

(- PV Phan Thương)

https://thanhnien.vn/tranh-cai-dai-su-thuong-hieu-trong-vu-benh-vien-tham-my-nam-an-kien-sen-vang-18524060623390541.htm?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTAAAR1c51KI8hYomMvvostT-viM-FSmYUnYTZdwluXZlomt0PhiDzNJO68DJGk_aem_AYUJK303TpwqTbYQmNjSpPGLQVbRixjACvAAvYLqKbJ_kbHtjvvzY5nbu_9TvtLpqkhlzqB0fV2VZeQVLMH-WRyb

 

 

hotline 0848009668