Từ vụ Trịnh Văn Quyết: Khi hình phạt không còn là câu trả lời duy nhất

06/26/2025 09:28:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

(LSVN) - Những ngày qua, thông tin Viện Kiểm sát đề nghị giảm mạnh mức án cho ông Trịnh Văn Quyết, từ 21 năm tù xuống còn 07-08 năm, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Có người bất ngờ, có người hoài nghi, nhưng dưới góc nhìn của một luật sư gắn bó nhiều năm với các vụ án kinh tế lớn, tôi cho rằng đây không phải là sự “nương tay” bất thường, mà là dấu hiệu của một tư duy pháp luật tiến bộ: đặt con người, doanh nghiệp và khả năng khắc phục thiệt hại lên trên hình phạt thuần túy.

Nhiều năm qua, môi trường đầu tư tại Việt Nam không ít lần chao đảo vì những vụ án mà chỉ một chữ ký thiếu thận trọng, một hợp đồng chưa chặt chẽ, hay một khoản tiền chuyển chậm… đã đủ biến một doanh nhân thành bị cáo. Đáng lẽ những mâu thuẫn hợp đồng, nghĩa vụ thanh toán nên được giải quyết bằng cơ chế dân sự - thương mại, thì trong nhiều trường hợp, việc bị hình sự hóa đã trở thành “con đường tắt” để xử lý tranh chấp, để lại hệ lụy dài hạn: niềm tin thị trường bị bào mòn, doanh nghiệp lo ngại mở rộng đầu tư, hàng ngàn người lao động rơi vào vòng bất ổn.

Các bị cáo tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Vnexpress.net.

Các bị cáo tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Vnexpress.net.

Nhìn vào vụ Trịnh Văn Quyết, có thể thấy rõ một điều: thái độ hợp tác, thành khẩn, và đặc biệt là hành động khắc phục thiệt hại, bồi thường cho nhà đầu tư đã được xem là yếu tố quyết định trong đề nghị giảm án. Đây không phải là đặc ân, mà là cách áp dụng đúng quy định pháp luật: Điều 51, 54 Bộ luật Hình sự cho phép giảm nhẹ hình phạt, kể cả dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nếu bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ hoặc tình tiết mới chưa được xem xét ở cấp sơ thẩm. Cùng với đó, Điều 355 và Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự trao quyền cho Hội đồng xét xử phúc thẩm được sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo nếu phát hiện dấu hiệu này. Nói cách khác, giảm án trong vụ việc này có cơ sở pháp lý rõ ràng và không nằm ngoài thông lệ xét xử hiện đại.

Thực ra, câu chuyện “không hình sự hóa quan hệ kinh tế” không mới. Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 198/2024/QH15 của Quốc hội và hàng loạt chỉ đạo liên ngành đều xác định rõ nguyên tắc này: hình sự là biện pháp cuối cùng, phải được cân nhắc thận trọng, chỉ áp dụng khi không thể giải quyết bằng biện pháp dân sự, hành chính. Nhưng để nguyên tắc ấy thực sự đi vào cuộc sống, cần những vụ án cụ thể, như vụ Trịnh Văn Quyết, để cộng đồng doanh nghiệp thấy rằng: nếu mình làm ăn minh bạch, có thiện chí sửa sai, thì pháp luật sẽ đồng hành, không “dồn vào chân tường”.

Một số ý kiến lo ngại rằng, nếu các vụ án lớn được giảm án sâu, sẽ tạo tiền lệ xấu, khiến người khác “nhờn luật”. Quan điểm này không sai, nhưng thiếu tính phân tầng. Sự khoan hồng của pháp luật không phải là mặc định, mà là có điều kiện: chỉ đến với những người biết nhận lỗi, chủ động bồi thường, không che giấu hành vi. Còn với những đối tượng cố tình gian dối, tẩu tán tài sản, hoặc trốn tránh trách nhiệm, hệ thống tư pháp vẫn có đầy đủ công cụ pháp lý để xử lý ở mức nghiêm khắc nhất. Vấn đề là tính minh bạch: vì sao giảm? giảm trên cơ sở nào? thiệt hại đã thu hồi ra sao? Những điều ấy cần được công bố rõ ràng, để pháp luật giữ được sự nghiêm minh, còn xã hội thì không hiểu lầm rằng “giảm án là bao che”.

Dưới góc nhìn cải cách thể chế, vụ Trịnh Văn Quyết là minh chứng cho thấy pháp luật đang biết lắng nghe thực tiễn, chấp nhận điều chỉnh linh hoạt vì mục tiêu lớn hơn: bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, giữ dòng tiền cho nền kinh tế, và ổn định trật tự thị trường. Thay vì trừng phạt triệt để, thì việc mở ra cơ hội sửa sai, có điều kiện, có kiểm soát - vẫn luôn là giải pháp mang lại lợi ích lớn hơn cho cộng đồng, cho Nhà nước, và cho cả bản thân người phạm tội.

Quan điểm mà tôi kiên định nhiều năm qua - trong các hội thảo, báo cáo chuyên đề và hàng chục vụ án đã tham gia - là: không hình sự hóa các quan hệ kinh tế thuần túy. Nếu một hành vi xuất phát từ rủi ro thương mại, vi phạm nghĩa vụ dân sự mà không có yếu tố gian dối ngay từ đầu, thì không nên áp đặt chế tài hình sự. Bộ luật Hình sự cần được sửa đổi theo hướng minh định rõ hơn các ranh giới này, nhất là ở các tội danh như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm, trốn thuế, cố ý công bố thông tin sai lệch trên thị trường chứng khoán… Khi hành vi chỉ là tranh chấp dân sự, không nên vội vã khởi tố, vì hậu quả không chỉ là giam giữ một cá nhân mà còn là đóng băng toàn bộ hệ sinh thái kinh doanh xung quanh họ.

Tinh thần không hình sự hóa cần được chiếu soi vào tất cả các khâu: từ điều tra, truy tố, xét xử, đến truyền thông và định hướng dư luận. Đừng để xã hội hiểu sai rằng khoan dung là dễ dãi, mà phải thấy đó là biểu hiện của một nền tư pháp hiện đại, nhân văn và có trọng tâm quản trị. Khoan hồng không phải là buông lỏng kỷ cương, mà là lựa chọn đúng người để tạo cơ hội sửa sai và khôi phục giá trị đã mất.

Tôi tin rằng: vụ án Trịnh Văn Quyết sẽ không là ngoại lệ, nếu chúng ta kiên định nguyên tắc rằng sai phạm kinh tế cần được sửa bằng tài sản, bằng khắc phục hậu quả, chứ không phải chỉ bằng những năm tháng giam giữ. Khi pháp luật biết lắng nghe và đồng hành, doanh nhân mới dám mạo hiểm, đầu tư, tạo việc làm và đó mới là nền móng vững chắc cho một nền kinh tế minh bạch, mạnh mẽ và bền vững.

Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ

Chủ tịch TAT Law Firm

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm là Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam. Ông là chuyên gia pháp lý hình sự kinh tế, kiên định quan điểm: Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế thuần túy, đề cao khắc phục hậu quả và tư pháp nhân văn.

hotline 0848009668