Tuyên án phúc thẩm vụ năm cựu công an đánh chết người

06/28/2017 15:49:44 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

8:25 SA - 13/09/2016

 (PL)- Theo tòa, không có căn cứ để xử các bị cáo tội giết người; việc bắt, giữ nghi can Ngô Thanh Kiều tuy có dấu hiệu tội bắt, giữ người trái pháp luật nhưng chưa đến mức xử hình sự.

TIN LIÊN QUAN




 

Sau ba ngày xét xử và nghị án kéo dài, ngày 12-9, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên án vụ năm công an tỉnh Phú Yên đánh chết người. Theo đó, tòa tuyên giảm án từ tám năm tù xuống còn năm năm tù cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành về tội dùng nhục hình (giảm ba năm so với án sơ thẩm); bị cáo Nguyễn Tấn Quang được chuyển từ hai năm tù sang hai năm tù treo.

Cùng tội dùng nhục hình, ba bị cáo còn lại tòa tuyên y án gồm: Bị cáo Nguyễn Minh Quyền hai năm sáu tháng tù, Phạm Ngọc Mẫn hai năm ba tháng tù và Đỗ Như Huy một năm tù treo. Bị cáo Lê Đức Hoàn, nguyên phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, tòa tuyên y án chín tháng tù treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ba bị cáo phải chịu trách nhiệm vết thương trên đầu nạn nhân

Tại tòa, bị cáo Thành giữ nguyên kháng cáo kêu oan. Từ giai đoạn điều tra đến phiên tòa này Thành đều không thừa nhận đánh nạn nhân Kiều. Tuy nhiên, từ lời khai của các nhân chứng và các bị cáo Mẫn, Quyền và Quang cùng các chứng cứ khác, tòa nhận định Thành có sử dụng gậy cao su đánh vào người nạn nhân Kiều. Tuy nhiên, theo tòa, lời khai cũng như các tình tiết có trong vụ án không thể hiện Thành đánh vào đầu nạn nhân. Tòa sơ thẩm đã dựa vào lời khai của các bị cáo trong vụ án (khai chỉ đánh vào chân, đùi nạn nhân) rồi sử dụng phương án loại trừ để kết tội Thành đánh vào đầu nạn nhân là không có căn cứ.

Các bị cáo đều được tuyên mức hình phạt dưới khung quy định. Ảnh: TẤN TÀI

Ngoài ra, tòa nhận định không có căn cứ để phủ nhận việc Mẫn và Quyền đánh vào đầu Kiều. Đây là hai bị cáo có thời gian tiếp xúc với Kiều lâu nhất, từ 8 giờ đến 12 giờ ngày 13-5-2013. Trong quá trình lấy lời khai của Kiều thì hai bị cáo này thay phiên nhau ra ngoài uống nước (mỗi lần năm phút). Khi bị cáo Mẫn ra ngoài thì trong phòng chỉ còn mình Quyền với nạn nhân Kiều và ngược lại. Như vậy, có đủ căn cứ để xác định Mẫn và Quyền phải chịu trách nhiệm chung với bị cáo Thành trong việc gây ra ba vết thương ở đầu nạn nhân Kiều dẫn đến chấn thương sọ não.

Còn hai bị cáo Quang và Huy thì tòa cho rằng thời gian tiếp xúc ít, lúc đánh thì có sự chứng kiến của Mẫn và Quyền nên không phải chịu trách nhiệm đối với vết thương ở đầu bị hại.

Với những căn cứ nói trên, tòa phúc thẩm đã bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt đối với Mẫn và Quyền nhưng chấp nhận chuyển từ án giam sang án treo cho bị cáo Quang. Đồng thời tòa giảm mức hình phạt cho Thành.

Lý giải về lý do mức án của Thành cao hơn so với Mẫn và Quyền (dù tòa đã xác định mức độ tham gia của các bị cáo là như nhau), HĐXX cho rằng tòa đã căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ cũng như đóng góp và khắc phục hậu quả thiệt hại. Trong đó, Thành chưa khắc phục hậu quả, không có nhiều tình tiết giảm nhẹ so với hai bị cáo kia.

Tòa kết tội người đã chết

Đối với yêu cầu khởi tố Lê Đức Hoàn và những người khác về tội bắt giữ người trái pháp luật, tòa phúc thẩm nhận định: Với chức vụ phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, trưởng ban chuyên án 312T, Hoàn đã chỉ đạo tiến hành kiểm tra, giám sát và mời Kiều về làm việc nhưng không có giấy mời cũng như không nói rõ thời gian. Việc một số cán bộ cấp dưới của Hoàn có hành vi còng tay đưa Kiều đi vào lúc 3 giờ sáng trong khi không có lệnh bắt giữ là sai quy định. Giữ Kiều tại trụ sở Công an TP Tuy Hòa từ 8 giờ đến 14 giờ 30 để làm việc nhưng cũng không có giấy tờ tạm giữ cũng là sai quy định. Hành vi này của các bị cáo đã có dấu hiệu cấu thành tội bắt giữ người trái pháp luật.

Tuy nhiên, tòa phúc thẩm cho rằng dựa vào lời khai của Sơn (khai cùng Kiều thực hiện bảy vụ trộm) cũng như bản báo cáo trinh sát của Công an TP Tuy Hòa thì có căn cứ xác định vào thời điểm 3 giờ sáng 13-5-2012 đã có căn cứ xác định Kiều là đồng phạm trong vụ trộm với Sơn và Cường. Kiều là người có tiền án, tiền sự, có biểu hiện bỏ trốn sau khi vụ việc bị phát hiện. Việc bắt giữ Kiều là cần thiết, chỉ có vi phạm về mặt thủ tục nên chỉ xử lý ở mức kiến nghị Công an tỉnh Phú Yên xem xét kỷ luật, khiển trách chứ chưa đến mức xử lý hình sự. Do đó, tòa không chấp nhận yêu cầu của phía gia đình bị hại.

Theo tòa, bản án của TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt Sơn 15 năm tù và Cường 12 năm tù cùng về tội trộm cắp tài sản, riêng Kiều đã chết nên không truy cứu. Trong bản án này cũng xác định Sơn, Cường cùng với Kiều thuê ô tô đi trộm cắp tài sản. Riêng Kiều tham gia bảy vụ và trộm cắp số tài sản hơn 700 triệu đồng. Từ đó TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng không có căn cứ để xác định Kiều bị oan.

Về kháng cáo chuyển đổi tội danh từ dùng nhục hình sang giết người của phía gia đình bị hại, tòa phúc thẩm cho rằng không có căn cứ. Việc năm bị cáo bị xử về tội dùng nhục hình là chính xác, còn hậu quả dẫn đến chết người chỉ là tình tiết tăng nặng, định khung chứ không cấu thành tội riêng là tội giết người.

Ngoài ra, bản án của tòa phúc thẩm cũng bác một loạt kháng cáo liên quan đến vấn đề: Yêu cầu khởi tố ông Lê Minh Chánh Viện trưởng VKSND TP Tuy Hòa, vì không khởi tố người phạm tội, tăng hình phạt đối với ông Hoàn, xác định lại cơ chế hình thành vết thương của nạn nhân Kiều...

 

Theo TẤN TÀI - Plo.vn

 
Các tin khác:
Quảng Nam: 11 cán bộ gây thất thoát gần 17 tỷ đồng lãnh án
Quan huyện ra tòa đổ lỗi cho nhau
Án oan ông Nén: Kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với Nguyễn Thọ
Mở lại phiên phúc thẩm vụ 5 công an Phú Yên đánh chết người
Oan án của hai cán bộ xã ở Đồng Nai

hotline 0848009668