Vai trò, trách nhiệm của Luật sư trong việc góp ý xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật

10/11/2023 10:13:30 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

(LSVN) - Trải qua 78 năm phát triển, nghề Luật sư tại Việt Nam đã có một chỗ đứng vững chắc, là điểm tựa cả về mặt pháp lý lẫn tinh thần của rất nhiều khách hàng và cả các cơ quan, tổ chức nhà nước. Cùng với thời gian, đội ngũ Luật sư Việt Nam đã và đang khẳng định rõ vị trí và vai trò của mình trong xã hội, tham gia tích cực vào bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ở Việt Nam. Một trong các vai trò và trách nhiệm quan trọng của người Luật sư, đó là xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật.

Ảnh minh họa.

Quá trình xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Trong quá trình đó, Luật sư đóng một vai trò to lớn, thể hiện qua một số yếu tố như sau:

Thứ nhất, Luật sư tạo ra phản biện xã hội trong quá trình vận dụng pháp luật đến nhà lập pháp về văn bản pháp luật.

Công việc cơ bản của Luật sư là nghiên cứu, vận dụng pháp luật một cách linh hoạt và phù hợp nhất để tư vấn và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng một cách tối đa. Trong quá trình nghiên cứu, Luật sư sẽ đồng thời so sánh, đánh giá các quy định pháp luật xem liệu những quy định này đã hoàn thiện hay chưa, có tính khả thi để áp dụng vào thực tế hay không. Những vấn đề này được phản ánh trong quá trình giải quyết từng vụ việc, phản biện ngược lại đến nhà làm luật về tính hợp pháp và hợp lý của văn bản pháp luật. Từ đó, buộc nhà làm luật phải xem xét, và hoàn thiện văn bản pháp luật còn thiếu sót. Chỉ có Luật sư là người hội đủ cả kiến thức lẫn kinh nghiệm lẫn để thực hiện nhiệm vụ này. 

Thứ hai, Luật sư đưa văn bản pháp luật vào đời sống để hoàn thiện tính thực tiễn của văn bản. 

Điều trọng yếu của văn bản pháp luật không phải là câu chữ, mà là tính thực tiễn. Một văn bản pháp luật chỉ thực sự hoàn thiện khi được thực thi hoàn chỉnh trong đời sống, buộc mọi người phải chấp hành. Quá trình này không chỉ có vai trò của cơ quan quản lý nhà nước mà còn có cả vai trò của người Luật sư. Trong bất kỳ vụ việc nào, Luật sư cũng phải phân tích, tư vấn cho khách hàng hiểu rõ bản chất sự việc, vận động khách hàng chấp hành quy định pháp luật, đấu tranh để pháp luật được thực thi một cách công bằng và chính xác. Văn bản pháp luật nào được thực thi, thì văn bản đó mới có cơ hội được đánh giá và hoàn thiện. Thực tiễn chính là môi trường để hoàn thiện văn bản pháp luật. 

Thứ ba, Luật sư trực tiếp tham gia góp ý và soạn thảo văn bản pháp luật.

Quá trình soạn thảo và xây dựng văn bản pháp luật tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các Luật sư, trong đó không ít ý kiến đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản. Hơn nữa, nhiều Luật sư là những chuyên gia pháp lý với trình độ chuyên môn cao, có nhiều năm kinh nghiệm đã được mời tham gia các ban soạn thảo xây dựng văn bản pháp luật. Đây là những người đóng vai trò then chốt trong quá trình thai nghén và cho ra đời các văn bản pháp luật. 

Vai trò và trách nhiệm của Luật sư trong việc góp ý xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật đã được ghi nhận và ngày càng nổi bật. Bất kể ở nhiệm vụ nào, Luật sư Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tích, góp phần xây dựng một nền tư pháp vững mạnh và hoạt động có hiệu quả.

Hi vọng trong tương lai, vị thế của người Luật sư sẽ ngày một được nâng cao, thể hiện được vai trò của người Luật sư trong sứ mệnh bảo vệ công lý và phát triển xã hội. 

NGUYỄN VIẾT HOÀNG SƠN

TAT Law Firm

 

Gửi bình luận: