Vì sao 'giải cứu' hổ mà để hổ chết?

08/09/2021 00:47:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

8/17 con hổ trưởng thành nặng hàng trăm ký bị chết sau khi được cơ quan chức năng thu giữ, giải cứu khỏi nhà dân. Trách nhiệm thuộc về ai?

Ngày 4.8, Công an tỉnh Nghệ An huy động nhiều lực lượng phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra 2 nhà dân ở xã Đô Thành (H.Yên Thành, Nghệ An), phát hiện tại đây đang nuôi 17 con hổ trưởng thành, mỗi con nặng hàng trăm ký. Số hổ này sau khi được gây mê, kiểm tra và lấy mẫu giám định, được vận chuyển đến 2 khu du lịch sinh thái ở H.Diễn Châu (Nghệ An) để gửi, nhờ chăm sóc.

Tuy nhiên, ngày 6.8, cơ quan chức năng xác nhận có 8 con hổ trong số đó đã bị chết chưa rõ nguyên nhân.

Các bên liên quan nói gì?

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Bính, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế (Chi cục Kiểm lâm Nghệ An), cho biết vụ án này do Công an tỉnh Nghệ An chủ trì. Cơ quan kiểm lâm chỉ được gọi đến để chứng kiến, phối hợp và theo dõi khi có yêu cầu. Số hổ này là tang vật của vụ án do công an thụ lý điều tra, nên đang do công an kiểm soát, quản lý.


 

Hổ sau khi được gây mê để kiểm tra, lấy mẫu giám định


Thượng tá Trần Phúc Thịnh, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (Công an Nghệ An) - đơn vị chủ trì, cho biết có 8 con hổ bị chết sau quá trình gây mê và vận chuyển đến nơi chăm sóc. Đây là tang vật của vụ án nên đã được cấp đông để bảo quản nguyên vẹn, phục vụ công tác điều tra. Theo ông Thịnh, trong quá trình thực hiện phá án, cơ quan công an có huy động bác sĩ thú y đến gây mê hổ. Tuy nhiên, nguyên nhân hổ bị chết có liên quan kỹ thuật gây mê hay không, hiện chưa thể khẳng định được.


Hổ nuôi tại nhà dân bị phát hiện.

Đại tá Nguyễn Đức Hải, Phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho biết nguyên nhân dẫn đến hổ chết vẫn chưa thể xác định được chính xác ngay, mà cần có thời gian để điều tra. Tuy nhiên, theo nhận định ban đầu, hổ chết có thể do gây mê kéo dài, vận chuyển đường xa trong thời tiết nắng nóng, quá trình bắt giữ, đưa ra khỏi hầm nuôi gặp nhiều khó khăn vì hổ có trọng lượng lớn, chuồng hẹp đã ảnh hưởng đến sức khỏe của hổ, trong khi hổ bị nuôi nhốt nên sức khỏe yếu.


 

Hổ được cho vào lồng sau khi gây mê để vận chuyển đến nơi chăm sóc

Đối với 9 con còn sống đang được cơ quan chức năng gửi nhờ ở 2 khu du lịchsinh thái ở H.Diễn Châu (Nghệ An) chăm sóc, nuôi dưỡng (2 nơi này đã được cấp phép nuôi hổ và đang nuôi hàng chục con hổ), sau khi vụ án kết thúc, nếu 2 nơi này không nhận nuôi, cơ quan chức năng sẽ tìm các trung tâm nuôi hổ, sở thú... để bàn giao.

Làm rõ nguyên nhân để xem xét trách nhiệm

Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết hổ thuộc nhóm IB (lớp thú, bộ thú ăn thịt), căn cứ vào danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Nghị định 06/2019 của Chính phủ, người nuôi nhốt trái phép hổ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Hành vi nuôi nhốt hổ trái phép này có dấu hiệu của tội “vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điều 244, bộ luật Hình sự - BLHS 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Với số lượng hổ nuôi nhốt trái phép trên 12 con sẽ rơi vào khoản 3, điều 244, BLHS 2015, có mức phạt 10 - 15 năm tù.

Hơn nữa, trong vụ việc này, hổ được xác định là tang vật trong một chuyên án của Công an tỉnh Nghệ An. Vì vậy, theo luật sư Hoan, việc bảo quản vật chứng phải thực hiện theo quy định tại điều 90, bộ luật Tố tụng hình sự - BLTTHS 2015, với nguyên tắc “vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không mất mát, lẫn lộn, hư hỏng”. Đồng thời, nếu vật chứng là động vật hoang dã thì theo điểm d, khoản 3, điều 106, BLTTHS 2015, “ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”.

Bên cạnh đó, luật sư Hoan cho hay nếu người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát, hư hỏng, phá hủy niêm phong, tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại vật chứng của vụ án thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của luật.

Xử lý thế nào với 8 con hổ đã chết ?

Theo luật sư Trương Anh Tú, về xử lý tang vật là động vật hoang dã thuộc loài nguy cấp đã chết, bộ phận cơ thể, sản phẩm được nhập khẩu thuộc phụ lục của Công ước Cites mà Việt Nam là thành viên tham gia, được quy định tại Thông tư 29/2019 hướng dẫn xử lý động vật rừng là tang chứng, vật chứng hoặc do các tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp do Bộ NN-PTNT ban hành.

Theo đó, tang vật này sẽ được chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành để làm tiêu bản. Trong trường hợp tang vật mang bệnh thì phải tiêu hủy.

Hình thức tiêu hủy tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm của động vật rừng tiêu hủy, người có thẩm quyền quyết định một trong các hình thức tiêu hủy động vật rừng, như: biện pháp cơ học, thiêu đốt, chôn, sử dụng hóa chất hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật để hủy động vật rừng, bảo đảm động vật rừng đó không còn tồn tại hoặc không còn giá trị sử dụng và không ảnh hưởng đến môi trường.

“Cần làm rõ nguyên nhân hổ chết thì mới xét đến trách nhiệm được. Nếu 8 cá thể hổ chết không phải do yếu tố tự nhiên thì những người liên quan có thể bị xem xét về hành vi theo quy định tại điều 179, BLHS 2015 về tội “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”; còn nguyên nhân hổ chết do lỗi cố ý thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội “vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, luật sư Hoan phân tích.

Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), đành rằng sự việc di dời hổ để xảy ra sự cố trên là điều đáng tiếc, nhưng phải làm rõ nguyên nhân mới xem xét trách nhiệm được. “Nếu có bất kỳ sự cố ý nào gây ra cái chết cho các cá thể hổ, hoặc nhờ người hoặc sử dụng các loại thuốc không đủ tiêu chuẩn gây mê dẫn đến cái chết cho những con hổ này, thì mới có thể xem xét trách nhiệm của những người liên quan; còn không, sự cố này có thể được xem là sự kiện khách quan ngoài mong muốn của cơ quan chức năng”, luật sư Tú đánh giá.

Chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã nói gì?

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW), cho biết SVW không được Công an Nghệ An thông báo để cùng tham gia trong quá trình công an thực hiện việc kiểm tra, thu giữ hổ tại nhà dân vào ngày 4.8. “Tôi nghĩ do họ muốn giữ bí mật nên không thông báo cho chúng tôi”, ông Thái nói.

Ông Thái cũng cho biết công an có thông báo cho lãnh đạo Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) và vườn có cử 2 cán bộ đến tham gia vòng ngoài. Về việc 8 con hổ bị chết sau khi được giải cứu, ông Thái cho rằng đó là sự việc ngoài mong muốn của cơ quan chức năng. “Điều quan trọng trong việc bảo tồn động vật hoang dã lâu dài là cần phải phá án, bắt giữ được các đối tượng mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã để răn đe, giáo dục”, ông Thái nói.

Những con hổ nuôi nhốt đã được giải cứu, ông Thái cũng cho biết không thể tái thả về môi trường tự nhiên mà chỉ có thể đưa vào các khu bảo tồn chăm sóc, bởi hổ đã được nuôi nhốt từ lâu, mất khả năng săn mồi, mất khả năng sinh tồn trong tự nhiên. “Trong thực tế, không có nhiều đơn vị đồng ý thu nhận các cá thể này. Đa số các đơn vị vườn thú và safari lớn ở Việt Nam đã nhận đủ số lượng hổ trong giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, chi phí thức ăn, chăm sóc và đảm bảo môi trường sống phù hợp cho hổ rất cao. Đây là gánh nặng lớn, thách thức công tác chuyển giao và tiếp nhận các cá thể hổ được tịch thu”, ông Thái nói.

Báo Thanh niên

(- PV Khánh Hoan - Phan Thương)

http://thanhnien.vn/thoi-su/vi-sao-giai-cuu-ho-ma-de-ho-chet-1426651.html

 

 

 

 

Gửi bình luận: