Vì sao nhiều người lao như 'thiêu thân' vào sàn giao dịch tiền ảo?

07/02/2021 10:23:57 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Các chuyên gia, luật sư đã nhiều lần phân tích, cảnh báo về những rủi ro khi tham gia các sàn giao dịch tiền ảo, tuy nhiên, nhiều người vẫn tham gia và nhận về trái đắng. Vụ sàn giao dịch tiền ảo ở Hải Phòng mới bị lực lượng chức năng triệt phá là một vụ việc điển hình.

Ngày 22/6, Công an TP Hải Phòng thông tin về việc phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an triệt phá sàn giao dịch tiền ảo Hitoption có trụ sở tại Hà Nội.

Qua thu thập được tài liệu của sàn Hitoption, lực lượng công an xác định được 969 người tham gia, tổng số dư của người đầu tư tại thời điểm kiểm tra là hơn 629.000 đô la (khoảng gần 15 tỷ đồng).

Mở rộng chuyên án, khai thác được từ thiết bị điện tử của các đối tượng, lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng này còn quản trị hàng chục sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, các website có dấu hiệu tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp. Bước đầu, lực lượng chức năng xác định, 16 sàn giao dịch điện tử khác do các đối tượng quản trị có khoảng 115.726 tài khoản trên sàn. Tổng số dư hiện tại của các sàn là hơn 7.505 tỷ đồng, tổng số tiền đã rút ra là 611 tỷ đồng.

Vì sao nhiều người lao như 'thiêu thân' vào sàn giao dịch tiền ảo?

Văn phòng Công ty TNHH MTV ANT Group có trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội (Ảnh: Công an cung cấp).

Sau khi xác định rõ hành vi phạm tội, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thế Dương (SN 1996, trú tại tòa nhà Star Tower, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), Giám đốc Công ty TNHH MTV ANT Group và Nguyễn Văn Quyền (SN 1983, trú tại một khu đô thị ở Gia Lâm, Hà Nội) để điều tra, xử lý về hành vi phạm tội "Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

Thủ đoạn của các đối tượng trên là thiết lập sàn giao dịch ngoại hối Hitoption. Sau đó mời các nhà đầu tư tham gia đặt cược theo tỷ giá lên (xanh), xuống (đỏ) của các cặp tiền điện tử trong khoảng thời gian 30 giây. Nếu dự đoán đúng thì được hưởng 95% tiền đặt cược, nếu dự đoán sai sẽ mất toàn bộ số tiền (tương tự như trò chơi tài xỉu).

Ngoài ra, nhà đầu tư có thể tự chơi hoặc ủy thác cho robot của sàn cung cấp tự động chơi với lãi suất được các đối tượng cam kết từ 6-15%/tháng. Trong vòng 100 ngày người chơi có thể rút gốc và lãi. Khi người chơi giới thiệu thành viên mới tham gia thì được hưởng 1,5% tiền hoa hồng. Tuy nhiên, trên thực tế, các đối tượng hoàn toàn làm chủ hệ thống để điều chỉnh cho người chơi thắng, thua theo ý muốn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Nhiều người sau khi tham gia muốn rút tiền nhưng không rút được hoặc bị điều chỉnh chế độ tự động làm cho họ liên tục bị lỗ dẫn đến hết tiền trên tài khoản.

Trên thực tế, những rủi ro khi tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an và các cơ quan chức năng cảnh báo. Tuy nhiên, vì tin lời quảng cáo của các đối tượng về mức hoa hồng khi tham gia sàn giao dịch tiền ảo nên nhiều người vẫn tham gia.

Trao đổi với PV, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa công nhận tiền ảo nên đây không được coi là tài sản hay hàng hóa.

Vì sao nhiều người lao như 'thiêu thân' vào sàn giao dịch tiền ảo?

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật

Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; bao gồm cả bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Theo định nghĩa trên, tài sản chỉ tồn tại ở 1 trong 4 dạng. Thứ nhất, vật đó phải là bộ phận của thế giới vật chất, tồn tại dưới dạng chất rắn, lỏng, khí và con người có thể chiêm ngưỡng, kiểm soát được, như nhà cửa, ô tô, xe máy... Thứ hai, tiền - phương tiện thanh toán do Ngân hàng Nhà nước phát hành và được Nhà nước bảo hộ. Thứ ba, giấy tờ có giá trị, có thể chuyển giao được trong giao lưu dân sự. Thứ tư, quyền tài sản, tức quyền giá trị được thể hiện bằng tiền, bao gồm quyền đòi nợ, quyền sử dụng đất, quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ...

Đối chiếu các quy định trên, tiền ảo không được coi là tài sản vì nó không thuộc bất kỳ loại nào trong 4 dạng trên.

Luật sư Diệp Năng Bình cũng cho hay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã nhiều lần khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Ngày 21/7/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Công văn số 5747/NHNN-PC gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo, khẳng định: "Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.

Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung).

Theo Luật sư Trương Anh Tú, mặc dù các cơ quan có thẩm quyền, các kênh thông tấn báo chí đã đưa ra nhiều cảnh báo về sự rủi ro khi đầu tư tiền ảo nhưng nhiều người vẫn lao vào bởi mức lãi suất hứa hẹn lên tới 50-60%/tháng khiến họ “hoa mắt”. Qua tìm hiểu, tôi biết rằng, có những doanh nghiệp hứa hẹn mức lãi một tháng bằng 7-8 lần gửi tiền tiết kiệm. Điều này quả thực quá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và cũng là nguyên nhân thúc đẩy các nhà đầu tư “xuống tiền”.

Vì sao nhiều người lao như 'thiêu thân' vào sàn giao dịch tiền ảo?

Luật sư Trương Anh Tú

Khi tham gia vào các sàn giao dịch tiền ảo, các giao dịch này diễn ra trên mạng máy tính, người đầu tư không biết người nhận tiền là ai, dòng tiền chuyển dịch như thế nào... Chính vì lẽ đó khi xảy ra sự cố, người đầu tư không thể tìm được đối tượng để yêu cầu hoàn tiền, thậm chí việc xử lý các sàn giao dịch này còn liên quan đến luật pháp các nước trên thế giới, tư pháp quốc tế. Do vậy, sẽ rất khó để xử lý những sàn giao dịch này.

Luật sư Trương Anh Tú cũng khuyến cáo, doanh nghiệp và “nhà đầu tư” Việt Nam khi đã và đang có kế hoạch đầu tư vào đồng tiền ảo cần phải hết sức thận trọng. Việc thận trọng này không chỉ xuất phát từ những nguy cơ tiềm ẩn về việc bị mất tiền đầu tư do gặp phải những sàn giao dịch “ma” mà còn phải thận trọng với các quy định của pháp luật.

Petrotimes.vn (- PV Xuân Hinh)

http://petrotimes.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-lao-nhu-thieu-than-vao-san-giao-dich-tien-ao-616031.html?fbclid=IwAR2B10-mdijpx-lnMPiYaGVyOBr0DhIjuHXIFXdJIWvchasWFSgOz0ZsFA0

 

 

Gửi bình luận: