06/16/2017 22:36:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Hơn nửa năm qua anh không hề liên lạc về nhà, một mình tôi phải nuôi con, giờ tòa án đã gửi giấy mời về món nợ tôi đã ký bảo lãnh, tôi có phải trả nợ không? Vợ chồng tôi kết hôn năm 2007 và sinh được hai đứa con. Trước khi hết hôn, chồng tôi có tài sản riêng là một thửa đất do bố anh tặng cho, anh đã mang mảnh đất này đi thế chấp ngân hàng mà tôi không hề biết việc này. Chồng tôi là lái xe, lúc ở nhà lúc vắng. Vì thế tôi cũng không thể quản được công việc hay giao tiếp bên ngoài của anh. Vào tháng 03/2014 chồng tôi mang về một bản hợp đồng vay ngân hàng rồi bảo tôi ký bảo lãnh để đáo hạn. Tôi không đồng ý vì trước đây anh đã vay tiền ngân hàng mà đâu cần chữ ký của tôi và không biết anh vay dùng vào việc gì. Từ khi ký vào bản hợp đồng đó, tôi luôn hối thúc anh bán đất trả nợ vì tôi thừa biết mình không gánh nổi số tiền vay đó. Đến tháng 9/2014 anh bỏ nhà đi mà không nói lời nào, tôi gọi điện cũng không thể liên lạc được. Tôi chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì rất nhiều người đến tận nhà đòi nợ anh, tất cả những người ấy tôi đều không biết một ai. Một nách ôm hai con, tôi chỉ biết phân bua, khóc lóc với họ rằng tôi không hề biết chồng mình đi đâu, làm gì bên ngoài, những người chủ nợ thương tình nên họ không đến quấy phá nữa. Hơn nửa năm qua anh không hề liên lạc về nhà, một mình tôi phải nuôi con, giờ tòa án đã gửi giấy mời về món nợ tôi đã ký bảo lãnh, giờ tôi phải giải quyết thế nào trong trường hợp này, tôi có bị buộc phải trả nợ không?
Mặc dù ở với nhau đã lâu, nhưng vợ chồng tôi không có tài sản chung. Tôi bán hàng ở chợ đầu mối, đồng tiền kiếm được chẳng thấm vào đâu, bao nhiêu tiền tôi đều dốc vào học hành cho các con nên không dư dả đồng nào.
Nhưng anh năn nỉ bảo rằng anh đã vay nóng để góp vốn mua đất làm ăn với bạn, nhưng giờ mảnh đất ấy trục trặc giấy tờ nên không bán được, nếu tôi không ký bảo lãnh cho anh, ngân hàng sẽ không cho anh vay, lúc đó tôi rất rối bời, vì thế đã nhắm mắt đặt bút ký tên.
Tòa án đã gửi giấy mời về món nợ tôi đã ký bảo lãnh
Nếu phát mãi tài sản thì tôi có quyền định đoạt tài sản đó không? Nếu tài sản thế chấp đó không đủ trả nợ thì tôi phải làm sao? Tôi có thể tiến hành làm thủ tục ly hôn để không mắc vào khoản nợ này không?
Luật sư Trương Anh Tú
Trưởng văn phòng tại Văn phòng luật sư Trương Anh Tú - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội
Chào bạn, chúng tôi biết bạn đang rất rối bời khi vướng vào tình huống do chồng đặt ra cho mình. Chiểu theo các qui định của pháp luật, chúng tôi xin đưa ra một số tư vấn sau:
Căn cứ Điều 361 Bộ luật Dân sự 2005 qui định: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi tắt là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”
Tại Điều 27 Luật HNGĐ năm 2014 cũng qui định về trách nhiệm liên đới của vợ chồng: “Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch một bên thực hiện qui định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với qui định về đại diện tại các Điều 24,25 và 26 của Luật này”.
Điều 298 Bộ luật Dân sự 2005 cũng qui định: “1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ…”.
Như vậy, căn cứ các qui định trên, trường hợp chồng bạn vi phạm nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng (bỏ trốn) thì bạn với tư cách là người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay chồng (người được bảo lãnh) bạn với ngân hàng khi giải quyết quyền và nghĩa vụ đối với tài sản chung và nợ chung.
Trường hợp Tòa án phát mại tài sản thì bạn không có quyền định đoạt tài sản. Bởi vì: Lô đất là tài sản riêng của chồng bạn đã được chính bạn thừa nhận có trước khi kết hôn năm 2007 do bố chồng tặng riêng, do vậy bạn không có quyền định đoạt tài sản đó mà chỉ có quyền và nghĩa vụ phối hợp với ngân hàng trong việc phát mại tài sản trả nợ.
Trong trường hợp tài sản nói trên không đủ trả nợ thì ngân hàng có quyền yêu cầu bạn dùng tài sản riêng để thanh toán nghĩa vụ trả nợ theo Điều 369 Bộ luật Dân sự 2005 về việc xử lý tài sản của bên bảo lãnh:
“Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh.”
Như vậy, về quyền ly hôn, bạn có thể tiến hành thủ tục ly hôn theo thủ tục chung, còn về nghĩa vụ trả nợ ngân hàng của người bảo lãnh bạn không thể trốn tránh, ngay cả khi đã ly hôn./.
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50