Vụ cướp ngân hàng để được đi tù: Không thể nhân danh tuyệt vọng để hợp pháp hóa phạm tội

04/29/2025 16:14:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Theo luật sư Đặng Xuân Cường: "Bị can Vũ Văn Lịch khai nhận đang nợ nần, mất phương hướng trong cuộc sống và xem việc vào tù như một lối thoát khỏi bế tắc. Nhưng với người làm nghề luật, hành vi này không thể và không nên được hiểu một cách đơn giản hay cảm thông hóa quá mức. Bởi lằn ranh giữa tuyệt vọng và tội ác, nếu không được phân định rạch ròi, có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm trong xã hội".

Mới đây, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ thành công đối tượng Vũ Văn Lịch (SN 1985, quê Nam Định), để điều tra về hành vi cướp tài sản tại phòng giao dịch ngân hàng VietinBank chi nhánh Phú Mỹ (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

Bước đầu, tại cơ quan công an đối tượng khai đi cướp ngân hang vì chỉ “muốn đi tù” vì bế tắc tài chính, đã đặt ra những câu hỏi pháp lý và xã hội sâu sắc.

Dưới góc nhìn của luật sư Đặng Xuân Cường (Trưởng ban Hình sự, TAT Law Firm) người có nhiều kinh nghiệm bào chữa trong các vụ án xâm phạm quyền sở hữu, đây không chỉ là một vụ án hình sự thông thường, mà còn là một phép thử cho ranh giới giữa cảm xúc và pháp luật.

Nghi phạm Vũ Văn Lịch tại cơ quan công an (Ảnh: M.L.).

Nghi phạm Vũ Văn Lịch tại cơ quan công an (Ảnh: M.L.).

Không thể biện hộ cho hành vi nguy hiểm bằng cảm xúc

Theo luật sư Đặng Xuân Cường, khi một người đàn ông ngoài 40 tuổi bước vào ngân hàng, mang theo dao và xăng, đe dọa nhân viên để lấy tiền rồi rời khỏi hiện trường như không có chuyện gì xảy ra, ít ai nghĩ rằng mục đích của anh ta là… được đi tù.

Nhưng đó chính là lời khai của Vũ Văn Lịch – bị can trong vụ cướp ngân hàng VietinBank tại Chương Mỹ, Hà Nội vừa qua.

Lịch khai nhận đang nợ nần, mất phương hướng trong cuộc sống và xem việc vào tù như một lối thoát khỏi bế tắc.

Nhưng với người làm nghề luật, hành vi này không thể và không nên được hiểu một cách đơn giản hay cảm thông hóa quá mức.

Bởi lằn ranh giữa tuyệt vọng và tội ác, nếu không được phân định rạch ròi, có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm trong xã hội.

Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng ban Hình sự TAT Law Firm.

Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng ban Hình sự TAT Law Firm.

 

Cũng theo luật sư Đặng Xuân Cường, điều quan trọng nhất trong vụ án này là phải nhìn nhận hành vi một cách khách quan, tách bạch khỏi yếu tố cảm xúc cá nhân.

“Một người có thể tuyệt vọng, nhưng khi mang dao, mang xăng vào ngân hàng, uy hiếp nhân viên và lấy đi hàng trăm triệu đồng – thì không còn là biểu hiện tâm lý mà là hành vi tội phạm nghiêm trọng,” ông Cường nhấn mạnh.

Bị can không chỉ thực hiện hành vi uy hiếp ngay tức khắc – dấu hiệu điển hình của tội “Cướp tài sản” theo Điều 168 Bộ luật Hình sự – mà còn thực sự chiếm đoạt tài sản, bằng cách yêu cầu bỏ tiền vào ba lô, rút lui an toàn và chuyển một phần tiền vào tài khoản cá nhân.

Mọi lời khai sau đó về “ý định không sử dụng” đều không làm thay đổi bản chất hành vi.

“Pháp luật xử lý dựa trên hành vi đã xảy ra, không dựa vào những gì người ta nghĩ trước hoặc nói sau,” ông Cường nhấn mạnh.

“Nếu không giữ vững nguyên tắc đó, sẽ có không ít người coi việc phạm tội là một dạng ‘giải pháp khủng hoảng cá nhân’, từ đó dẫn đến sự đổ vỡ trong niềm tin pháp luật.”

Không thể xem nhà tù như một giải pháp tự cứu

Luật sư Đặng Xuân Cường cũng cho hay: Vụ án này không chỉ là một vụ cướp thông thường, mà là hành vi có mức độ đe dọa cao đối với tài sản, con người và hoạt động của hệ thống tài chính.

Ngân hàng là nơi đặc biệt nhạy cảm về an ninh. Một hành vi manh động tại đây không chỉ đe dọa tính mạng cán bộ nhân viên, mà còn làm lung lay niềm tin vào hệ thống bảo vệ tài sản công dân.

Dưới góc độ chuyên môn, luật sư Cường nhận định: “Đây là hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản một cách nguy hiểm, có tổ chức, có chuẩn bị hung khí, có yếu tố đe dọa trực tiếp.

Vì vậy, không thể xử lý nhẹ tay, cũng không thể nhìn nhận đây là ‘tội phạm vì hoàn cảnh’ như một số ý kiến cảm tính đang lan truyền trên mạng xã hội.”

Điểm đáng suy nghĩ trong vụ án là việc bị can khai “muốn đi tù để chấm dứt khổ sở”.

Nhưng theo luật sư Cường, tù không phải là chỗ để nương náu hay lối thoát nhân đạo.

“Đó là chế tài của nhà nước đối với hành vi vượt ranh giới pháp luật.

Nếu xã hội xem nhẹ động cơ phạm tội mang tính buông xuôi, thì chẳng khác nào chấp nhận cho người tuyệt vọng được quyền gây nguy hiểm cho người khác, miễn là họ… muốn bị bắt,” luật sư Cường cảnh báo.

Sự nguy hiểm của tư duy này nằm ở chỗ: Nếu lan rộng, nó có thể khiến những cá nhân đang rơi vào khủng hoảng tinh thần coi tội phạm là một hình thức “giải quyết vấn đề”.

Mà khi đó, nạn nhân sẽ không còn là người phạm tội nữa, mà là xã hội, là những người vô can bị đe dọa và xâm hại.

Theo luật sư Cường, từ góc độ chính sách, vụ án cũng cho thấy khoảng trống trong hệ thống hỗ trợ tâm lý và kiểm soát hành vi rối loạn trong cộng đồng.

Tuy nhiên, sự thiếu sót của chính sách xã hội không thể là lý do giảm nhẹ cho những hành vi vi phạm nghiêm trọng.

“Mọi nỗ lực cải cách đều đáng hoan nghênh, nhưng không thể đánh đổi bằng việc xử lý khoan dung với tội phạm đã hoàn tất hành vi nguy hiểm,” ông khẳng định.

“Công lý không phải để cảm thông, mà để giữ lại ranh giới cuối cùng cho một xã hội an toàn, văn minh", luật sư Đặng Xuân Cường nhấn mạnh.

Duy Khương

hotline 0848009668