04/29/2025 16:29:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Hàng loạt vụ việc thực phẩm giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc – từ dầu ăn, gia vị, sữa cho đến giá đỗ ngâm hóa chất được phanh phui đang gây bức xúc trong dư luận. Vấn đề không chỉ nằm ở hành vi vi phạm của doanh nghiệp đơn lẻ, mà còn chỉ ra những lỗ hổng hệ thống trong quản lý an toàn thực phẩm hiện nay.
Vì sao hàng hóa độc hại vẫn dễ dàng lọt qua hệ thống quản lý?
Thời gian gần đây, những vụ việc như hơn 600 tấn dầu ăn, gia vị không rõ nguồn gốc ở Phú Thọ, giá đỗ tẩm hóa chất ở Nghệ An, sữa giả bán tràn lan… liên tiếp được phanh phui, đặt ra câu hỏi: Vì sao hàng hóa độc hại vẫn dễ dàng lọt qua hệ thống quản lý?
Trong cuộc trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc TAT Law Firm, chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, phòng ngừa rủi ro hình sự cho doanh nghiệp, đã đưa ra phân tích sâu sắc và đề xuất giải pháp thực tiễn để bảo vệ người tiêu dùng và nâng cao năng lực quản lý nhà nước.
Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra khám xét khẩn cấp, thu thập chứng cứ vụ 600 tấn dầu ăn, gia vị giả. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ
Theo luật sư Mai Thảo, nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía: Ý thức pháp luật yếu kém của một bộ phận doanh nghiệp và kẽ hở trong công tác hậu kiểm, giám sát thực phẩm của cơ quan quản lý nhà nước.
“Hệ thống pháp luật hiện nay về an toàn thực phẩm không thiếu, nhưng tính thực thi còn rất hạn chế. Nhiều sản phẩm ra thị trường không được kiểm soát đầu vào chặt chẽ, quy trình truy xuất nguồn gốc còn hình thức, hồ sơ công bố sản phẩm sơ sài. Đây là những lỗ hổng nghiêm trọng cần sớm được bịt kín”, bà Thảo nhấn mạnh.
Luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc TAT Law Firm. Ảnh: NVCC
Luật sư Mai Thảo cho rằng, nếu ngay từ khâu xây dựng hệ thống nội bộ – kiểm soát nguyên liệu đầu vào, công bố tiêu chuẩn chất lượng, đến quảng cáo, ghi nhãn – doanh nghiệp tuân thủ nghiêm pháp luật, thì nguy cơ vướng vào các vụ án hình sự như sản xuất, buôn bán thực phẩm giả (theo Điều 193 Bộ luật Hình sự) sẽ giảm đáng kể.
“Doanh nghiệp cần nhìn nhận rằng, chi phí cho dịch vụ pháp lý bài bản rẻ hơn rất nhiều so với cái giá phải trả khi rơi vào vòng lao lý hoặc phá sản niềm tin của người tiêu dùng", bà Thảo phân tích.
Tuy nhiên, trách nhiệm không thể chỉ đổ lên vai doanh nghiệp. Hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay vẫn tồn tại 3 điểm yếu lớn:
Thứ nhất, thanh kiểm tra chồng chéo giữa nhiều cơ quan, dẫn đến “khoảng trống” quản lý, doanh nghiệp yếu kém dễ lọt lưới.
Thứ hai, thiếu công cụ giám sát hiện đại, đặc biệt trong kiểm tra truy xuất nguồn gốc. Thứ ba, chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với những hành vi cố ý gian dối, sản xuất hàng hóa gây hại.
Luật sư Mai Thảo đề xuất, cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thực phẩm, ứng dụng công nghệ blockchain để minh bạch chuỗi cung ứng, đồng thời thống nhất đầu mối thanh tra thay vì phân mảnh như hiện nay. Bên cạnh đó, các biện pháp chế tài cũng cần thay đổi theo hướng mạnh tay hơn.
“Đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không thể chỉ dừng ở phạt tiền hành chính mà cần khởi tố hình sự nhanh chóng, đưa ra xét xử công khai để răn đe toàn xã hội", bà Thảo nhấn mạnh.
Xưởng sản xuất mì chính giả của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ
Bà Mai Thảo cho hay, hệ thống dịch vụ pháp lý toàn diện cho doanh nghiệp thực phẩm gồm: Tư vấn công bố sản phẩm đúng quy chuẩn an toàn thực phẩm; soát xét hồ sơ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật; xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ phòng ngừa hành vi vi phạm hình sự; đại diện pháp lý trong tranh chấp hoặc vụ án hình sự liên quan đến an toàn thực phẩm.
Đây là giải pháp giúp doanh nghiệp không chỉ “sống sót” trong môi trường pháp lý ngày càng chặt chẽ, mà còn xây dựng nền tảng kinh doanh bền vững, hướng tới chuẩn mực toàn cầu về an toàn thực phẩm.
Một điểm quan trọng khác được luật sư Mai Thảo nhấn mạnh, bảo vệ người tiêu dùng không chỉ là yêu cầu đạo đức, mà còn là điều kiện phát triển bền vững của chính doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật, đầu tư bài bản vào an toàn sản phẩm, thì không chỉ tránh được rủi ro pháp lý mà còn xây dựng được thương hiệu uy tín, chiếm được lòng tin của thị trường.
“Tôi mong muốn cả hệ thống, từ nhà nước đến doanh nghiệp, từ luật sư đến cơ quan báo chí cùng đồng lòng bịt kín các lỗ hổng hiện nay. Không để độc hại tiếp tục bủa vây bữa ăn người Việt. Bảo vệ thực phẩm chính là bảo vệ tương lai của đất nước,” bà Thảo nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, việc làm giả các thực phẩm tiêu dùng hàng ngày là một gian dối không thể chấp nhận được. Các mặt hàng được làm giả như dầu ăn, bột canh, hạt nêm ít nhiều ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân ở những mức độ nhất định.
Cơ quan Công an thu giữ hàng trăm tấn bột canh, hạt nêm, dầu ăn, mì chính… giả. Ảnh: Bộ Công an
Theo ông Thịnh, hiện nay, việc làm hàng giả không chỉ nhỏ lẻ mà thường theo quy mô lớn hàng trăm tấn và được vận chuyển đi khắp nơi. Đây là một việc gây nguy hại tới sức khoẻ, gây mất lòng tin của người tiêu dùng.
“Theo tôi, cơ quan chức năng cần công bố các sản phẩm có những chất gì. Điều lo ngại nhất là các đối tượng có thể sử dụng chất tạo ngọt cho mì chính, hạt nêm không có trong danh mục chất phụ gia được Bộ Y tế cho phép. Người tiêu dùng ăn phải hàng giả có thể bị dị ứng, choáng váng, nhức đầu,... về lâu dài dẫn đến suy gan, thận, ngộ độc nhưng chưa có biểu hiện cấp tính nên khó nhận biết”, ông Thịnh nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên cao cấp, Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho hay, người bệnh sử dụng thuốc giả có nguy cơ gặp nhiều hệ lụy. Nếu sản phẩm là thuốc giả hoàn toàn như bột mì không có công dụng chữa bệnh. Thuốc giả bán phần (hàm lượng không đủ, sai thành phần) vừa không có tác dụng chữa bệnh vừa có tác dụng phụ gây hại khác.
Điều PGS Nam lo ngại nhất là nhiều thuốc trị xương khớp, tân dược có thể bị trộn thành phần kháng viêm liều cao như Corticoid dưới dạng Dexamethasone, Cortisone. Người bệnh uống xong có thể giảm triệu chứng đau nhưng phải lệ thuộc vào thuốc.
"Sử dụng thuốc có thành phần Corticoid phải được bác sĩ kê đơn, chỉ định chặt chẽ. Nếu bệnh nhân mua thuốc trôi nổi dùng trong thời gian dài dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng như loãng xương, tăng huyết áp, gây huyết khối làm nghẽn mạch, gây loét dạ dày, giảm miễn dịch dễ bị nhiễm trùng.
Đặc biệt, dùng Corticoid trong thời gian dài có nguy cơ teo tuyến thượng thận do tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngưng hoạt động, không còn duy trì chức năng nội tiết. Thuốc kháng viêm liều cao còn dễ gây rối loạn chuyển hóa lipid và làm đọng mỡ trên mặt, cổ và lưng, dẫn tới hội chứng Cushing", PGS Nam nhấn mạnh.
Những ngày gần đây, hàng loạt vụ việc thuốc giả, thực phẩm chức năng, gia vị giả… bị phát hiện khiến dư luận xôn xao. Một đường dây sản xuất và tiêu thụ gần 600 loại sữa giả suốt 4 năm, lợi dụng sức khỏe cộng đồng để thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng. Những bức xúc về sữa giả chưa kịp lắng thì người dân lại ngỡ ngàng trước thông tin Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả quy mô lớn, thu giữ gần 10 tấn thuốc giả và nguyên liệu để sản xuất thuốc giả.
Hay gần đây nhất, tối 27/4, thông tin từ Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Famimoto Việt Nam. Người này bị tạm giữ để điều tra về hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm.
Trong hơn 4 năm qua, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam đã tiêu thụ ra thị trường khoảng 625 tấn dầu ăn, bột canh, hạt nêm giả.
Gia Khiêm
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50