07/03/2021 09:54:16 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Đường chạy SVĐ Mỹ Đình vừa được sửa chữa sau gần 10 năm xuống cấp - Ảnh: NAM KHÁNH
Hàng loạt cá nhân của Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT và đặc biệt là lãnh đạo khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (khu liên hợp) sẽ bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm liên quan đến sai phạm 777 tỉ đồng trong việc sử dụng đất đai và tài sản công từ năm 2009-2018 tại khu liên hợp.
Trước đó vào ngày 23-6, Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại khu liên hợp trong 10 năm.
Nâng giá nhiều lần khi sửa chữa, mua sắm trang thiết bị
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn từ ngày 1-1-2009 đến 31-12-2018, khu liên hợp đã nộp hơn 67 tỉ đồng tiền thuế cho Nhà nước, chi 53 tỉ đồng cho duy tu, bảo dưỡng công trình.
Dù vậy, kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai tại khu liên hợp như: cho thuê đất không đưa vào sổ sách, cho thuê đất không thu tiền, cho thuê đất khi không được sự đồng ý của các cơ quan chức năng... với số tiền sai phạm lên tới 777 tỉ đồng.
Rất nhiều hạng mục cơ sở vật chất được sửa chữa, mua sắm tại khu liên hợp phục vụ cho việc tập luyện, thi đấu của VĐV đã bị nâng giá gấp nhiều lần so với giá trị thật.
Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dự án cải tạo nền đường chạy tại sân vận động Mỹ Đình đã lập dự toán sai, không đúng đơn giá, làm tăng số tiền phải thanh toán cho đơn vị thi công lên hơn 1,2 tỉ đồng.
Cũng tại dự án này, đến công đoạn thi công lớp phủ mặt đường chạy, giá vật liệu khu liên hợp ký hợp đồng thi công cao hơn giá trị vật liệu nhập khẩu sau thuế tới 2,4 lần.
Nghiêm trọng nhất là dự án lắp đặt hệ thống làm nóng nước bể bơi trong nhà của Cung thể thao dưới nước. Dù hệ thống làm nóng nước bể bơi bằng gas vẫn còn đang sử dụng được bình thường nhưng khu liên hợp thi công lắp đặt hệ thống làm nóng nước bằng điện.
Quá trình thực hiện dự án xảy ra nhiều sai phạm, thẩm định giá không chính xác dẫn đến giá thiết bị quyết toán cao hơn 7,5 lần giá trị nhập khẩu thiết bị sau thuế, gây thiệt hại nguồn vốn nhà nước.
Sai phạm chồng chất sai phạm diễn ra trong suốt 10 năm liền tại khu liên hợp từ 2009-2018 đã gây thất thoát rất lớn cho nguồn vốn nhà nước.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chuyển hồ sơ 2 vụ việc sang Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Viện KSND tối cao để thụ lý. Viện KSND tối cao cũng đã có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ đề nghị phối hợp, tiếp nhận tài liệu liên quan đến 2 vụ việc sai phạm tại khu liên hợp.
Liên quan đến nhiều đời lãnh đạo
Ngay sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận, ngày 28-6 Bộ VH-TT&DL đã ra văn bản thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ. Bộ VH-TT&DL yêu cầu Ban cán sự Đảng bộ chủ trì, tổ chức kiểm điểm làm rõ và xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan đến nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Công việc này phải được thực hiện trước ngày 30-11-2021. Những sai phạm của khu liên hợp diễn ra trong 10 năm đã trải qua hai đời bộ trưởng của Bộ VH-TT&DL là các ông Hoàng Tuấn Anh, Nguyễn Ngọc Thiện.
Về phía Tổng cục TDTT, đơn vị này cũng không "vô can" khi là đơn vị chủ quản của khu liên hợp trong giai đoạn từ năm 2009 đến ngày 1-5-2014 và từ ngày 7-5-2018 đến nay.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu Tổng cục TDTT phải xử lý trách nhiệm của người có liên quan đến các sai phạm. Bộ VH-TT&DL yêu cầu Tổng cục TDTT phải thực hiện kiểm điểm và xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan và phải triển khai trước ngày 30-11-2021.
Tổng cục TDTT cũng sẽ phải chỉ đạo khu liên hợp điểm kiểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể lãnh đạo. Xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với giám đốc, phó giám đốc khu liên hợp trong giai đoạn 2009-2018 liên quan đến các vi phạm.
Trong suốt giai đoạn xảy ra những sai phạm nghiêm trọng tại khu liên hợp, giám đốc của đơn vị này là ông Cấn Văn Nghĩa (đã nghỉ hưu từ 1-9-2018). Ngoài ra, các phó giám đốc của khu liên hợp hiện có người còn đang giữ vị trí tại đây, có người đã chuyển công tác.
Chấm dứt việc nhận tiền tết từ đơn vị sự nghiệp
Trong giai đoạn từ năm 2001-2018, khu liên hợp thực hiện nhiều nội dung chi tiền mặt từ quỹ phúc lợi nhưng không có trong quy chế chi tiêu nội bộ và các quy định hiện hành. Văn phòng Bộ VH-TT&DL, công đoàn Tổng cục TDTT đã nhận hỗ trợ tiền tết hơn 2 tỉ và 700 triệu đồng "chưa đúng đối tượng" từ quỹ phúc lợi của khu liên hợp.
Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu hai đơn vị này chấm dứt việc nhận hỗ trợ tiền tết từ các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Tuoitre.vn/ - PV Khương Xuân.
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50