12/16/2022 11:36:19 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) vừa công khai thêm 98 trang web có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đây là những trang web mà các đơn vị không được hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo.
Các trang web này tập trung vào cá cược thể thao, casino trực tuyến, game bài, xổ số, đá gà, bắn cá, đua ngựa, lô đề… và chủ yếu sử dụng tên miền quốc tế. Trước đó, vào tháng 5 và tháng 9.2022, Bộ TT-TT cũng đã lần lượt công bố danh sách 25 và 48 website có dấu hiệu vi phạm pháp luật để người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (QC), người phát hành QC và người QC nắm được.
Danh sách các website vi phạm pháp luật được Bộ TT-TT công bố
Theo Bộ TT-TT, QC trên môi trường mạng đang trở thành xu thế tất yếu được các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước lựa chọn do có nhiều lợi thế như: khả năng tiếp cận khách hàng lớn, chi phí linh hoạt, hiệu quả cao. Bên cạnh những ưu thế trên, QC trên môi trường mạng, nhất là QC các nền tảng xuyên biên giới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi các DN và nhãn hàng chưa thể đảm bảo quản lý tốt vị trí hiển thị QC. Đây thực sự là một nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu.
Với trách nhiệm cơ quan quản lý, Bộ TT-TT đã nhiều lần có công văn đề nghị tổ chức, DN trong nước khi hợp tác với các mạng lưới QC xuyên biên giới phải rà soát, chấn chỉnh, không để xảy ra các hành vi như: QC sản phẩm, dịch vụ bị cấm (cờ bạc, cá độ bóng đá…); QC sản phẩm, dịch vụ tài chính bất hợp pháp (tín dụng đen, mua bán tiền điện tử bất hợp pháp)…
Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định (NĐ) số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 181/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật QC, có hiệu lực từ ngày 15.9.2021. Điểm mới của NĐ 70/2021/NĐ-CP là quy định rõ khái niệm và phạm vi hoạt động QC xuyên biên giới; quyền và nghĩa vụ chủ thể có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ QC xuyên biên giới tại VN; trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương; chế tài xử lý vi phạm, quy trình xử lý vi phạm QC…
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT), cho hay: “Sau khi NĐ 70 ban hành, trong năm 2022, Bộ TT-TT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý cơ bản vi phạm trong QC xuyên biên giới. Theo đó, Bộ tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn NĐ; thanh, kiểm tra nhiều DN cung cấp dịch vụ QC trong nước có hợp tác DN nước ngoài; tổ chức làm việc với gần 45 DN, nhãn hàng có vi phạm và đã xử phạt 15 DN với tổng số tiền phạt 210 triệu đồng. Ngoài ra, Bộ TT-TT đã 3 lần công bố 171 trang thông tin điện tử vi phạm quy định pháp luật... Trong đó, mới đây nhất ngày 7.12, 98 website có dấu hiệu vi phạm pháp luật được công bố. Đây là những trang web mà các đơn vị không được hợp tác phát hành sản phẩm QC”.
Theo Bộ TT-TT, trong thời gian tới sẽ tiếp tục công bố các tài khoản, kênh vi phạm. Cơ quan này cũng sẽ xử phạt nghiêm các đại lý, nhãn hàng QC hợp tác với các nền tảng QC không thực hiện thông báo với Bộ TT-TT theo quy định; đồng thời xây dựng danh sách nội dung “sạch” trên mạng VN (White List) để các nhãn hàng, đại lý ưu tiên QC.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: “Bộ TT-TT tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động QC trên mạng. Bộ sẽ đối xử bình đẳng với các DN trong và ngoài nước, đặc biệt trong vấn đề xử lý các vi phạm. Các DN QC xuyên biên giới nếu không tuân thủ luật pháp VN sẽ không được tạo điều kiện hoạt động tại VN”.
Về xử lý các vi phạm hành chính về QC xuyên biên giới, theo đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, NĐ 129/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực QC. Cụ thể, phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: không thông báo hoặc thông báo không đúng thông tin liên hệ đến Bộ TT-TT về những nội dung theo quy định của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ QC xuyên biên giới tại VN; không báo cáo theo quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ QC xuyên biên giới tại VN cho Bộ TT-TT.
Về quy trình xử lý vi phạm, Bộ TT-TT là cơ quan tiếp nhận các thông báo về QC xuyên biên giới vi phạm pháp luật từ các bộ, ngành, địa phương; đồng thời là đầu mối liên hệ, gửi yêu cầu xử lý QC vi phạm pháp luật cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ QC xuyên biên giới. Bộ TT-TT cũng có trách nhiệm công bố trang thông tin điện tử có hoạt động QC xuyên biên giới vi phạm pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT-TT.
Về việc QC trên website vi phạm pháp luật, luật sư Mai Thảo (Phó giám đốc TAT LAW FIRM) cho biết NĐ 70/2021/NĐ-CP quy định rất rõ, cấm hành vi QC trên trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật. Do vậy, nếu vi phạm, có thể bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng theo NĐ 129/2021/NĐ-CP đối với tổ chức có hành vi đặt sản phẩm QC vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1, điều 8 luật An ninh mạng, điều 28 luật Sở hữu trí tuệ (như: tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống nhà nước; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người, đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng…).
Về thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực QC, luật sư Mai Thảo cho hay NĐ 38/2021/NĐ-CP và NĐ 129/2021/NĐ-CP cũng quy định tùy số tiền bị xử phạt, thì Chủ tịch UBND các cấp có thể xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực QC. “Cơ quan chức năng liên quan cần tổ chức, phối hợp xử lý các website vi phạm cũng như việc QC trên website vi phạm pháp luật”, luật sư Mai Thảo nhấn mạnh.
Trách nhiệm quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới
Sau khi tiếp nhận bằng chứng QC xuyên biên giới vi phạm pháp luật, trong thời hạn 5 ngày, Bộ TT-TT có trách nhiệm rà soát, kiểm tra nội dung vi phạm và gửi yêu cầu xử lý bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ QC xuyên biên giới. Thông tin về các QC vi phạm đã được gửi cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ QC xuyên biên giới để xử lý sẽ được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT-TT.
Sau khi nhận được yêu cầu từ Bộ TT-TT, trong thời gian 24 giờ, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ QC xuyên biên giới thực hiện việc xử lý QC vi phạm theo yêu cầu.
Sau thời hạn trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý QC vi phạm theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, Bộ TT-TT sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn QC vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp phát hiện QC xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia VN, cơ quan chức năng có thẩm quyền của VN thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn QC vi phạm pháp luật. Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các QC vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ TT-TT.
(Khoản 2, điều 13 NĐ 70/2021/NĐ-CP)
Theo Thanh Niên
- PV Phan Thương.
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50