09/16/2024 00:15:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
(ĐTCK) Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP có đề cập đến việc phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đây đang là nội dung thu hút sự chú ý của các thành viên thị trường.
Các địa phương đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hạ tầng và kinh tế.
Dự thảo Nghị định mới với nhiều thay đổi quan trọng trong việc phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng. Việc này là cần thiết để phù hợp với thực tiễn hiện nay, khi mà các địa phương đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hạ tầng và kinh tế.
Phân cấp giúp các địa phương chủ động hơn trong quản lý và thực hiện các dự án, giảm tải cho các cơ quan Trung ương, đồng thời đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và thực hiện dự án.
Không khó để nhận thấy rằng, lợi ích lớn nhất của việc phân cấp là tăng cường tính tự chủ cho các địa phương. Theo đó, các địa phương sẽ có thể thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thuộc thẩm quyền của mình mà không phải chờ đợi sự phê duyệt từ Trung ương.
Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, mà còn giảm thiểu các chi phí hành chính, từ đó tăng cường hiệu quả đầu tư công, ngoài ra còn giúp phát huy tối đa nguồn lực tại chỗ khi các địa phương có thể chủ động phân bổ nguồn lực nhân sự và tài chính theo đặc thù riêng.
Luật sư Trương Anh Tú Chủ tịch TAT Law Firm.
Dù có nhiều nét tiến bộ, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, việc phân cấp quản lý cũng không tránh khỏi những thách thức, đặc biệt là về chất lượng công trình. Có 3 điểm mấu chốt cần lưu ý trong quá trình triển khai để việc phân cấp được thực hiện hiệu quả.
Một trong những thách thức lớn nhất là năng lực của các cơ quan quản lý tại địa phương. Không phải địa phương nào cũng có đủ năng lực về chuyên môn và pháp lý để đảm bảo chất lượng của các công trình lớn.
Điều này có thể dẫn đến rủi ro về mặt kỹ thuật và chất lượng xây dựng. Hơn nữa, việc phân cấp cũng đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền để đảm bảo rằng, các dự án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết.
Để giải quyết những thách thức nói trên, trước hết, cần có các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý tại địa phương, đặc biệt là về chuyên môn kỹ thuật và pháp lý. Bên cạnh đó, cần có một cơ chế giám sát chặt chẽ từ Trung ương để đảm bảo các dự án được thực hiện đúng quy định và tiêu chuẩn.
Thứ hai, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý và giám sát dự án cũng là một giải pháp hiệu quả, giúp nâng cao tính minh bạch và giảm thiểu rủi ro về chất lượng công trình. Các công cụ quản lý dự án hiện đại như phần mềm quản lý tiến độ, hệ thống giám sát từ xa… sẽ giúp các địa phương theo dõi sát sao hơn các dự án trên địa bàn.
Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, mà còn tăng cường sự minh bạch trong quá trình triển khai, từ đó giảm thiểu rủi ro về chất lượng công trình và đảm bảo các dự án được thực hiện đúng tiến độ và chi phí.
Nếu được thực hiện đúng cách, dự thảo sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả Trung ương và địa phương, tạo ra một khung pháp lý rõ ràng và minh bạch hơn cho việc phân cấp quản lý, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương thông qua việc đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, để đạt được điều này, yêu cầu thứ ba là cần có sự cam kết mạnh mẽ từ cả 2 phía trong việc nâng cao năng lực quản lý và đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật.
Dự thảo mang đến nhiều kỳ vọng về việc cải thiện hiệu quả quản lý dự án đầu tư xây dựng thông qua phân cấp quản lý. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, năng lực quản lý và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ công nghệ thông tin. Đây là những điểm mấu chốt cần lưu ý trong quá trình triển khai nghị định mới này.
“Cởi trói” thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực
Ông Nguyễn Quốc Hiệp Chủ tịch GP-Invest
Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi lâu nay đều đổ dồn về Bộ Xây dựng. Một dự án bất động sản, chỉ riêng thủ tục này đã mất 6 tháng nếu tập trung tối đa nguồn lực để làm.
Pháp lý một dự án có đến mấy chục thủ tục, các bước đều phải tiến hành tuần tự, chỉ cần tắc ở một bước là cả dự án phải chờ. Trong khi đó, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi là bước đi đầu tiên để được cấp phép xây dựng, nếu bước này không xong thì các bước sau cũng tắc theo. Vì thế, “cởi trói” thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp.
Do đó, tôi cho rằng, phải cắt giảm, đơn giản hóa hơn nữa thủ tục, hồ sơ thiết kế, thẩm định dự án, đặc biệt cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền các khâu thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, kiểm tra nghiệm thu dự án.
Hiện các dự án hầu như phải qua cửa kiểm duyệt của bộ chuyên ngành nên tốn nhiều thời gian, công sức, khiến doanh nghiệp nản lòng. Ngoài ra, cũng cần có quy định rõ hơn về tiêu chí đối với các dự án đầu tư xây dựng, nhất là những tiêu chí về tầm quan trọng, quy mô vốn, độ phức tạp của dự án…
Cần phân cấp thẩm quyền nghiệm thu công trình cấp I cho địa phương
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw
Công tác thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng đang tiến hành rất chậm do nội dung thẩm định cần thực hiện là khối lượng công việc lớn và với lực lượng công chức chuyên ngành ở cấp Trung ương có hạn.
Trong khi đó, số lượng dự án ngày một nhiều dẫn đến sự quá tải cho cơ quan chuyên trách thẩm định. Việc chậm trễ trong các công tác trên làm chậm quá trình chuẩn bị đầu tư, gây ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư, cơ hội và việc giải ngân vốn, khiến cho các nhà đầu tư phải chịu thiệt hại nặng nề. Từ đó, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Ngoài ra, theo Luật Xây dựng hiện hành, thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của cơ quan chuyên môn là không quá 35 ngày đối với dự án nhóm A.
Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định còn cần sự phối hợp thẩm định của các cơ quan phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, đấu nối điện.... Những cơ quan này đều có các quy định về thời gian, thủ tục, trình tự, thành phần hồ sơ khác nhau… nên thời gian chờ đợi lâu, không đảm bảo thời gian xử lý hồ sơ, trả kết quả cho chủ thể yêu cầu thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng chủ trì thẩm định.
Do đó, sự thiếu phối hợp và đồng nhất của các văn bản pháp lý đã gây nên sự chậm trễ trong công tác thẩm định, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Nhiều dự án bị chậm tiến độ sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương và gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Thực tế, quá trình triển khai các dự án xây dựng đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề ùn tắc trong công tác thẩm định, nghiệm thu.
Tình trạng thiếu hụt nhân sự chuyên môn tại các bộ, ngành cùng với quy trình thủ tục hành chính còn nhiêu khê... đã khiến thời gian hoàn thành các thủ tục nghiệm thu kéo dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ của nhiều công trình, dự án.
Theo khảo sát, hiện nay, nhiều bộ, ngành đang phải đối mặt với tình trạng quá tải công việc, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng. Số lượng công trình cần thẩm định, nghiệm thu ngày càng tăng, trong khi nguồn nhân lực lại hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc cấp phép xây dựng, gây bức xúc trong doanh nghiệp và người dân.
Để giải quyết tình trạng trên, chúng ta cần có phương án phân cấp thẩm quyền nghiệm thu công trình cấp I cho các cơ quan chuyên môn xây dựng tại địa phương.
Theo đó, các địa phương sẽ có quyền quyết định cuối cùng đối với các công trình thuộc thẩm quyền của mình, giảm bớt gánh nặng cho Trung ương, giúp tập trung nguồn lực vào các công việc quản lý, điều hành cấp cao hơn, vào xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế, tránh tập trung nguồn lực vào các dự án cụ thể.
Việc phân cấp, phân quyền giúp nâng cao hiệu quả quản lý, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cũng như tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý xây dựng.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, sự phân cấp này sẽ đặt ra thách thức lớn về mặt pháp lý, đòi hỏi các địa phương phải có đủ năng lực và trình độ chuyên môn để thực hiện thẩm định một cách minh bạch, đúng quy định pháp luật.
Nếu không có cơ chế giám sát hiệu quả từ Trung ương và quy định rõ ràng về trách nhiệm giải trình của UBND cấp tỉnh, có thể dẫn đến rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, chẳng hạn dự án bị đình chỉ hoặc thay đổi do sai sót trong thẩm định. Để thực hiện mục tiêu này, chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp và đảm bảo nguồn lực cần thiết. Đồng thời, Chính phủ cũng cần thiết lập các quy định chặt chẽ để quá trình nghiệm thu đảm bảo chất lượng và tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn.
Bên cạnh đó, việc nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn cho các công chức cấp tỉnh cũng cần được ưu tiên. Việc tăng cường công tác thanh tra, giám sát để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật như tham nhũng, tiêu cực trong công tác thẩm định, nghiệm thu công trình.
Các công việc về phân định thẩm quyền cũng cần tiến hành đồng bộ ở nhiều khâu và có sự phối hợp nhịp nhàng, tránh trường hợp mạnh dạn phân quyền, nhưng khi xảy ra sai phạm lại rút thẩm quyền của địa phương.
Tác giả: Luật sư Trương Anh Tú
Theo Đầu Tư Chứng Khoán
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50