Bàn về việc áp dụng tình tiết “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với người xúi giục chưa đủ 18 tuổi

10/21/2024 15:12:32 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

(Ảnh minh hoạ - ST)

Vừa qua, khi tham gia một phiên toà hình sự sơ thẩm để xét xử các bị cáo bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”. Điểm đáng chú ý là trong vụ án này, tất cả 07 bị cáo đều là người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, có 02 bị cáo được xác định là người chủ mưu, xúi giục và bị Viện kiểm sát đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại Điểm o Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Thậm chí, độ tuổi của một trong 02 bị cáo được xác định là xúi giục còn nhỏ hơn tuổi của bị cáo “bị xúi giục”. 

Vậy việc Viện kiểm sát đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” liệu có phù hợp? Dưới góc độ là luật sư, người tham gia tố tụng với vai trò là người bào chữa, tôi xin trình bày một số quan điểm để rộng đường luận bàn như sau:

Thứ nhất, mặc dù tình tiết tăng nặng quy định tại Điểm o Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự chỉ quy định về độ tuổi của người bị xúi giục là “dưới 18 tuổi” và không có quy định về độ tuổi của bị can, bị cáo, người thực hiện hành vi xúi giục. Tuy nhiên, điều đó không mặc nhiên được hiểu bất kỳ bị can, bị cáo nào cũng có thể áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự này. 

Ví dụ, Bộ luật Hình sự hiện hành có nhiều quy định, trong đó đơn cử như quy định về tội Hiếp dâm (Điều 141) phần giả định chỉ quy định “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân…” mặc dù nhà làm luật quy định là “Người nào” nhưng thực tế xét xử từ trước đến nay, căn cứ vào nhiều yếu tố, bao gồm cả khía cạnh khoa học thuộc lĩnh vực sinh học, tâm lý học… chủ thể của tội này phải là nam giới, nữ giới không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm với vai trò là người thực hành.

Do đó, việc quy định không đề cập đến chủ thể không đồng nghĩa với việc chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai mà không xem xét đến các yếu tố xung quanh.

Thứ hai, về nguyên tắc, Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định rõ “việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi”. Như vậy, nếu tình tiết tăng nặng được quy định tại Điểm o Khoản 1 Điều 52 cũng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là vi phạm nguyên tắc trên vì không đảm bảo được lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi phạm tội. 

Bên cạnh đó, theo Khoản 3 Điều 416 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, quy định một trong những vấn đề cần xác định khi tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi là “có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục”. Quy định này không quy định “có hay không có người khác xúi giục” mà quy định rõ, đối tượng thực hiện hành vi xúi giục phải là người “từ đủ 18 tuổi trở lên”. Từ đó, có thể thấy, tình tiết tăng nặng “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” chỉ có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo từ đủ 18 tuổi trở lên mà không phải bất kỳ chủ thể nào như cách hiểu và áp dụng của Viện kiểm sát.

Thậm chí, ngay cả khi việc hiểu “độ tuổi của người xúi giục phải đủ 18 tuổi trở lên” tồn tại hai quan điểm trái ngược nhau, thì theo “nguyên tắc áp dụng có lợi cho bị can, bị cáo”, quan điểm “người xúi giục phải đủ 18 tuổi trở lên” phải được áp dụng.

Thứ ba, thời gian vừa qua Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã trình và đang thảo luận về Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 và Điều 52 của Bộ luật Hình sự. Theo đó, trên cơ sở tiểu mục 10 Thông báo giải đáp vướng mắc nghiệp vụ Toà án quân sự tại Hội nghị tổng kết năm 2011 của Toà án quân sự Trung ương. Khoản 14 Điều 3 Dự thảo Nghị quyết đã hướng dẫn “Tình tiết xúi giục người chưa thành niên phạm tội” quy định tại Điểm o Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự chỉ áp dụng khi có hai điều kiện: a) Bị cáo là người đã thành niênb) Bị cáo biết rõ người bị xúi giục là người chưa thành niên”. 

Như vậy, mặc dù Nghị quyết này chưa có hiệu lực nhưng cũng đã cho chúng ta thấy được tinh thần của quy định, định hướng áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại Điểm o Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự chỉ áp dụng đối với người đã đủ 18 tuổi.

Từ các căn cứ trên, không nên áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” quy định tại Điểm o Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 đối với bị can, bị cáo chưa đủ 18 tuổi mới phù hợp. 
 

Luật sư Trương Ngọc Liêu - TAT Law Firm

hotline 0848009668