Chống bức cung, nhục hình: Từ đề xuất đến quy định chính thức

06/28/2017 15:49:02 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

8:29 SA - 13/09/2016

 (PL)- Góp tiếng nói để hoàn thiện pháp luật hình sự, thời gian quaPháp Luật TP.HCM đã đề xuất nhiều vấn đề như giải pháp chống bức cung, nhục hình, hướng tới phiên tòa tranh tụng bình đẳng nhằm chống oan sai...

TIN LIÊN QUAN

Các đề xuất này đều đã được ghi nhận trong BLTTHS 2015.

“Có ai khổ như tôi không? Chắc không có và tôi cũng không muốn có… Bằng đòn roi của điều tra viên (ĐTV) tôi đã phải nhận tội và phải trải qua hơn 17 năm ngồi tù oan.... Tôi là người đã đi tù hơn 17 năm vì sự sai sót có chủ đích của những người làm việc trong cơ quan tố tụng… Tôi tha thiết mong rằng bằng những đòn roi tôi đã nhận, bằng những oan ức tôi đã trải qua…, các ĐTV, kiểm sát viên (KSV), thẩm phán hãy suy nghĩ kỹ khi phán quyết để không còn làm oan ai nữa”...

Những lời tâm sự uất nghẹn nói trên của “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén tại buổi TAND tỉnh Bình Thuận tổ chức xin lỗi công khai ông hồi tháng 11-2015 đã nói lên tất cả hạn chế của việc hỏi cung, lấy lời khai nghi can mà không có cơ chế giám sát.

Ghi âm, ghi hình việc hỏi cung

Ông Huỳnh Văn Nén, cũng như các ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Trần Văn Thêm (Bắc Ninh), bảy thanh niên bị oan ở Sóc Trăng... đều bị bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra để ép nhận tội. Bức cung, dùng nhục hình là một trong những nguyên nhân dẫn đến oan sai. Có tình trạng này bởi quy định của pháp luật tố tụng hình sự về giai đoạn điều tra thiếu hẳn cơ chế giám sát hoạt động lấy cung nghi can, đồng thời việc luật sư (LS) có mặt ngay từ đầu chưa được cơ quan điều tra (CQĐT) thực hiện nghiêm túc, thậm chí còn gây khó dễ. Luật cũng chưa quy định chính thức về quyền im lặng của nghi can...

Trong quá trình góp ý sửa đổi BLTTHS, Pháp Luật TP.HCM đã có nhiều bài báo phản ánh thực trạng, lấy ý kiến của các chuyên gia phân tích các bất cập của quy định hiện hành, chỉ ra kẽ hở khiến người tiến hành tố tụng có thể lạm dụng khi hỏi cung nghi can. Các bài báo cũng đề xuất nhiều giải pháp chống bức cung, dùng nhục hình, trong đó đáng chú ý là ghi âm, ghi hình việc hỏi cung, quy định về quyền im lặng của nghi can...

Tháng 12-2015, Quốc hội đã thông qua BLTTHS 2015 với hàng loạt quy định mới rất tiến bộ trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự. Để chống bức cung, dùng nhục hình, chống oan sai, BLTTHS 2015 quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình việc hỏi cung. Một số nội hàm về quyền im lặng của nghi can cũng được luật mới thể hiện trong nhiều điều luật cụ thể: Nghi can được trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội...

Ông Huỳnh Văn Nén, người từng bị ép cung, dùng nhục hình để buộc nhận tội giết người và cướp tài sản. Ảnh: T.TÙNG

Chuyện về giấy chứng nhận người bào chữa

Một lần, gia đình một bị can bị CQĐT Công an TP.HCM khởi tố về hành vi đánh bạc đã nhờ LS Đinh Văn Lương (Đoàn LS TP.HCM) bảo vệ bị can. LS Lương làm thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa thì bị ĐTV từ chối, nói bị can có đơn xin từ chối LS. LS Lương đề nghị cho xem văn bản từ chối, ĐTV không đáp ứng. Sau khi bị can từ trại giam viết đơn mời đích danh LS, ĐTV lại từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa vì cho rằng giữa LS và gia đình bị can có mối quan hệ bà con thân thích.

Pháp Luật TP.HCM đã tìm hiểu vụ việc, phân tích rằng lý do từ chối LS như trên là hoàn toàn sai luật. Một ngày sau khi báo đăng bài, CQĐT thừa nhận ĐTV làm sai, mời LS Lương đến xin lỗi và cấp giấy chứng nhận người bào chữa.

Một câu chuyện cười ra nước mắt khác là LS Nguyễn Khả Thành (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Phú Yên) phải gửi đơn đề nghị VKSND huyện Đông Hòa kiểm sát xem việc bị can P. viết đơn từ chối LS là thật hay giả. Trước đó, P. bị khởi tố, bắt tạm giam về tội mua bán trái phép chất ma túy. Mẹ của P. kể vào thăm con thấy anh này khóc nức nở, nói: “Mẹ ơi, nhờ bác Thành LS cứu con!”. Bà đến nhờ và LS Thành đã nhận lời bảo vệ miễn phí cho P. Nhưng khi ông nộp hồ sơ đề nghị Công an huyện Đông Hòa cấp giấy chứng nhận người bào chữa thì bị từ chối với lý do bị can tự nguyện viết đơn không nhờ LS. Đây chính là điều bất thường mà LS Thành muốn làm rõ.

Đó chỉ là vài câu chuyện cho thấy thực trạng LS vẫn bị CQĐT, ĐTV làm khó trong việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa - một loại “giấy phép con” trong tố tụng hình sự. Không có LS bảo vệ, quyền được bào chữa ngay từ đầu của nghi can cũng như quyền bào chữa và tham gia tố tụng của giới LS - vốn đã được luật hóa trong BLTTHS 2003 - đã bị vô hiệu hóa. Không có LS bảo vệ ngay từ đầu cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến bức cung, dùng nhục hình, oan sai.

Pháp Luật TP.HCM đã kiên trì phản ánh về tồn tại này, đồng thời ghi nhận ý kiến của các chuyên gia đề xuất sửa đổi quy định để bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Cuối cùng BLTTHS 2015 đã bỏ hẳn thủ tục này, thay bằng thủ tục đăng ký bào chữa đơn giản, rút ngắn thời gian hơn nhằm chấm dứt tình trạng “giấy phép con” hành LS. Đặc biệt LS chỉ cần đăng ký bào chữa một lần là được tham gia xuyên suốt các giai đoạn tố tụng...

Vì một phiên tòa tranh tụng

“Cần luật hóa nguyên tắc tranh tụng”, đó là chủ đề của nhiều bài báo trên Pháp Luật TP.HCM nhằm góp ý cho nhà làm luật trước thực trạng tại rất nhiều phiên tòa hình sự, LS phải “độc diễn” vì KSV không chịu tranh luận, chỉ “bảo lưu quan điểm”. Trong khi đó, các nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã nhấn mạnh đến việc bản án phải dựa trên kết quả tranh tụng tại tòa.

Quy định mới tại Điều 26 BLTTHS 2015 đã làm nức lòng dư luận và giới LS. Theo đó, mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của BLHS để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Bản án, quyết định của tòa phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa…

Luật sư ngồi ngang hàng kiểm sát viên

Trước đây, phòng xử án hình sự của các tòa sắp xếp vị trí ngồi của HĐXX, KSV, thư ký tòa ở phía trên, LS, bị cáo, người bị hại… ở phía dưới. Việc LS phải ngồi dưới KSV đã không thể hiện được sự bình đẳng giữa bên gỡ tội và bên buộc tội. Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh về bất hợp lý này, đồng thời ghi nhận cải cách thí điểm của TAND tỉnh Bình Dương, TAND TP Đà Nẵng theo hướng LS ngồi ngang hàng KSV.

Theo quy định mới của BLTTHS 2015, phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và LS, người bào chữa khác.

Tháng 4-2016, TAND Tối cao đã yêu cầu các tòa cấp dưới triển khai thực hiện mô hình phòng xử án mới như trên. Dư luận và giới LS rất ủng hộ việc này vì chỗ ngồi bình đẳng giữa LS với KSV tại phiên tòa sẽ phục vụ tranh tụng tốt hơn.

Theo THANH TÙNG - Plo.vn

 
Các tin khác:
Tuyên án phúc thẩm vụ năm cựu công an đánh chết người
Quảng Nam: 11 cán bộ gây thất thoát gần 17 tỷ đồng lãnh án
Quan huyện ra tòa đổ lỗi cho nhau
Án oan ông Nén: Kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với Nguyễn Thọ
Mở lại phiên phúc thẩm vụ 5 công an Phú Yên đánh chết người