Chủ đầu tư khu đất 'vàng' muốn nộp 2.713 tỷ đồng cho TP HCM

05/24/2021 12:01:50 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Không liên quan đến sai phạm của cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và lãnh đạo TP HCM, Công ty Mê Linh - chủ đầu tư tại khu đất 6.000 m2, quận 1, đề xuất nộp 2.713 tỷ đồng.

Nguyện vọng này vừa được Công ty Cổ phần đầu tư Quảng trường Mê Linh (Công ty Mê Linh, 98,53% vốn nước ngoài) gửi đến Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, toà án và các cơ quan Trung ương. Số tiền doanh nghiệp muốn nộp là thiệt hại của Nhà nước, do ông Vũ Huy Hoàng và đồng phạm gây ra trong việc chuyển nhượng sai quy định khu đất "vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Liên quan đến việc xử lý khu đất, cơ quan công tố xác định sai phạm của ông Hoàng và các đồng phạm trong việc chuyển dịch khu đất từ nhà nước sang tư nhân và phê duyệt giá bán cổ phiếu thấp hơn giá thị trường vì chưa xem xét đến việc dự án đã được bổ sung thêm chức năng căn hộ nhà ở và đã được UBND TP HCM phê duyệt. Việc này gây thiệt hại cho nhà nước 2.713 tỷ đồng. Tuy nhiên, VKS không buộc các bị cáo nộp số tiền thiệt hại này do các bị cáo "đã về hưu không có khả năng tài chính".

Về việc này, TAND TP Hà Nội khi xét xử sơ thẩm (hôm 29/4) đã quyết định "giao khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cho UBND TP HCM để xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không gây thiệt hại cho Nhà nước cũng như đảm bảo quyền lợi của các bên" nên không buộc các bị cáo bồi thường số tiền thiệt hại.

Công ty Mê Linh là nhà đầu tư đã mua lại cổ phần của Công ty Sabeco Pearl, trở thành cổ đông và là người sở hữu khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng - tức Công ty Mê Linh đang là người sử dụng hợp pháp đối với khu đất. Do đó, công ty đề xuất nộp số tiền 2.713 tỷ đồng là muốn nhằm hoàn thiện nghĩa vụ tài chính tương đương với thiệt hại mà ông Hoàng và đồng phạm đã gây ra.

Quan điểm này từng được đại diện Công ty Mê Linh đưa ra tại toà vì mình là "bên thứ ba ngay tình" (không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản là không có căn cứ pháp luật). Đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét đề xuất của doanh nghiệp. "Vì thế trong mọi trường hợp, sồ tiền này không được hiểu là tiền khắc phục hậu quả cho hành vi phạm tội, mà phải xác định rõ đây là nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất đối với Nhà nước để bổ sung chức năng căn hộ cho dự án", ông Thái Bảo Anh, Tổng Giám đốc Công ty Mê Linh, nêu trong đơn.

khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng có 4 mặt tiền đang bị bỏ trống. Ảnh: Hữu Khoa.

Khu đất 4 mặt tiền (hình thang, màu xanh) tại địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, đang bỏ trống. Ảnh: Hữu Khoa.

Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định Công ty Mê Linh không liên quan đến hành vi sai phạm của các bị cáo. Bởi thời điểm các bị cáo hoàn thành tội phạm là tháng 10/2016 trở về trước, khi Sabeco (Bộ Công thương) thoái toàn bộ 26% cổ phần khỏi Công ty cổ phần Sabeco Pearl. Nhưng đến tháng 4/2017, Công ty Mê Linh mới mua lại cổ phần của Sabeco Pearl sau hai lần chuyển nhượng và thực sự trở thành cổ đông.

Theo đó, Công ty Mê Linh đề nghị được thực hiện dự án và được bảo hộ quyền lợi, theo đúng các cam kết của Chính phủ khi Việt Nam gia nhập WTO và Hiệp định bảo hộ với Liên minh châu Âu. Bởi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - là đối tượng được Nhà nước bảo hộ.

Hiện, lãnh đạo TP HCM chưa đưa ra ý kiến về đề xuất của Công ty Mê Linh bởi bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực. Hồ sơ vụ án sẽ được chuyển lên TAND Cấp cao để xét xử phúc thẩm do có kháng cáo của các bị cáo và người liên quan.

Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ra toà hồi tháng 1. Ảnh: Ngọc Thành.

Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ra toà hồi tháng 1. Ảnh: Ngọc Thành.

Theo bản án sơ thẩm, khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng do Tổng Công ty Sabeco quản lý. Bộ Công thương đại diện chủ sở hữu nhà nước với phần vốn góp tại Sabeco. Ông Vũ Huy Hoàng biết khu đất đã được sắp xếp giao cho Sabeco để xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại... nhưng năm 2014 vẫn chỉ đạo liên doanh, liên kết thành lập Công ty cổ phần Sabeco Pearl và góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất. Việc này là trái với quyết định của Thủ tướng.

UBND TP HCM sau đó chấp thuận cho Công ty Sabeco Pearl thực hiện nghĩa vụ tài chính, làm chủ đầu tư dự án và được cấp sổ đỏ đối với khu đất (6/2015), đồng thời xin bổ sung chức năng căn hộ ở. Đến tháng 2/2016, ông Vũ Huy Hoàng tiếp tục chỉ đạo Tổng công ty Sabeco thoái 26% vốn góp và bán lại cho các cổ đông khác.

Giá khởi điểm để đấu giá là 13.247 đồng một cổ phần - thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường (31.611 đồng). Do vậy, sai phạm của ông Hoàng cùng cấp dưới và những người liên quan gây thiệt hại hơn 2.713 tỷ đồng cho Nhà nước.

Ông Vũ Huy Hoàng bị TAND Hà Nội tuyên 11 năm tù; Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) bị phạt 9 năm tù cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

8 bị cáo nguyên là lãnh đạo UBND TP HCM và các sở ngành bị tuyên phạm tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Trong đó, ông Nguyễn Hữu Tín (cựu phó chủ tịch UBND TP HCM) bị phạt 6 năm 6 tháng tù; Lâm Nguyên Khôi (cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) 4 năm 6 tháng; Đào Anh Kiệt (cựu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) 5 năm... Tổng hợp với bản án trước đó, ông Tín phải chấp hành tổng cộng 13 năm 6 tháng tù, ông Kiệt 11 năm 6 tháng.

Hiện, ông Vũ Huy Hoàng đã kháng cáo đề nghị đổi tội danh và xin giảm nhẹ hình phạt. Ba bị cáo Dũng, Khôi, Minh xin được hưởng án treo.

Vnexpress (- PV Hải Duyên).