02/20/2023 10:37:10 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Giữa năm 2022, nhiều hộ dân ở thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên, Bắc Giang) chưa bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị vì cho rằng giá đền bù thấp - Ảnh: QUANG THẾ
Tại dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đang được các bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến người dân, điều 78 quy định Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng bao gồm cả dự án, nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải đất ở. Theo đó, chỉ thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất…
Ngày 19-2, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Đăng Doanh - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho biết trong những năm qua, Nhà nước thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư triển khai dự án bên cạnh những tích cực như giúp cho bộ mặt đô thị được "khoác áo mới" thì đã nảy sinh không ít hệ lụy do bồi thường rẻ mạt.
"Thu hồi giá bèo nhưng khi triển khai dự án bất động sản thì giá trị tăng cả hàng trăm lần. Cần phải nghiên cứu kỹ để đưa ra giải pháp hài hòa đảm bảo quyền lợi nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Chúng ta cần tham khảo thêm kinh nghiệm từ các quốc gia khác, tránh thu hồi đất lại trở thành điểm nóng như những năm qua. Ở nhiều nước phát triển, trước khi trình dự án, nhà đầu tư phải thỏa thuận với người dân để mua lại những diện tích đất đó…", ông Doanh nói.
Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam - cho biết: "Theo tôi, cơ quan soạn thảo cần giải trình, đưa ra được những giải pháp khi thu hồi, tránh những mâu thuẫn, xung đột, không hài hòa về lợi ích. Cần phải phân loại rõ ràng các nhóm dự án để thu hồi, trưng dụng đất".
"Nếu trong trường hợp không đưa ra được những giải pháp phù hợp, thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người dân mà buộc thu hồi thì phải thông qua đấu thầu, đấu giá để bồi thường theo đúng giá thị trường, đảm bảo quyền lợi của người dân", ông Nghiêm nói.
Giữa năm 2022, người dân thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) chưa "mặn mà" giao đất nông nghiệp phục vụ dự án khu công nghiệp vì cho rằng giá đền bù còn thấp - Ảnh: QUANG THẾ
Luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư TP Hà Nội - cho hay: "Dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng" là một thuật ngữ trừu tượng nên chúng ta cần làm rõ hơn, dễ hiểu, để triển khai áp dụng sau khi luật được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành".
Ông Tú cho hay tại điều 78 cho phép thu hồi đất đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại và các dự án về kinh doanh khác như khu công nghiệp… thì cần phải xem xét thật kỹ.
"Tôi cho rằng những dự án này "sinh ra" phần lớn là để kinh doanh cho dù có thu hồi đất không phải là đất ở. Trong những năm qua đất được thu hồi giao cho nhà đầu tư phát triển dự án chủ yếu là đất phi nông nghiệp.
Chúng ta chỉ mới bỏ không thu hồi vào đất ở của người dân nhưng vẫn thu hồi đất lúa, ao, vườn… Nếu không điều chỉnh cho phù hợp sẽ rơi vào câu chuyện cũ thu hồi đất nông nghiệp rẻ mạt, xây dựng dự án bán giá cao", ông Tú nhấn mạnh.
"Hay trong những năm qua dù đã được nhà nước ưu đãi miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ nguồn vốn vay… nhưng giá bán nhà ở xã hội ngoài thị trường vẫn ở mức cao khiến người có thu nhập dưới trung bình cũng khó tiếp cận", luật sư Tú nhấn mạnh.
"Theo tôi, dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là những dự án đầu tư công do Nhà nước chi trả. Ví dụ như các dự án điện - đường - trường - trạm và nhiều dự án phục vụ dân sinh, phúc lợi khác…", ông Tú bày tỏ.
Báo Tuổi trẻ
- PV Quang Thế.
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50