11/11/2024 14:07:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Hiện nay, khi quan niệm “vô phúc đáo tụng đình” của người dân đã dần thay đổi, các vụ việc tranh chấp được giải quyết thông qua con đường Toà án ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên trong tranh chấp cũng trở nên phổ biến hơn. Đặc biệt, là trong các vụ án có tính chất pháp lý phức tạp, thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài.
Trong đó, các bên mà chủ yếu là nguyên đơn, thường xuyên đặt ra yêu cầu về việc Toà án phải tuyên bên thua kiện chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ chi phí luật sư. Đây không chỉ là một yêu cầu khởi kiện/phản tố thông thường mà là một vấn đề mang tính pháp lý.
Quy định của pháp luật Việt Nam
Hiện nay, chi phí thuê luật sư với điều kiện phải là khoản chi phí hợp lý là một trong các khoản mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Toà án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán (Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005) và đây là trường hợp duy nhất mà bên thua kiện phải chịu chi phí luật sư (trừ hợp các bên tranh chấp có thoả thuận).
Quy định chung về trách nhiệm chịu chi phí luật sư hiện nay được quy định tại Điều 168 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Theo đó, quy định này “chi phí luật sư do người có yêu cầu chịu, trừ trường hợp các bên đương sự có thỏa thuận khác”. Thực tiễn xét xử trong các vụ án tranh chấp thuộc lĩnh vực dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, Toà án căn cứ vào quy định trên của Bộ luật Tố tụng Dân sự để từ chối khi có đương sự yêu cầu khoản chi phí bồi thường này.
Thông lệ Quốc tế
Tìm hiểu thông lệ quốc tế cho thấy, tùy theo quốc gia và hệ thống pháp luật mà có những quy định khác nhau. Theo đó, nguyên tắc “Bên thua trả chi phí” (Loser Pays Rule) thường được áp dụng tại các nước phương Tây như Anh, Canada, Úc và một số quốc gia thuộc hệ thống Common Law. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng tự động mà thường phụ thuộc vào quyết định của Tòa án. Tòa có thể xem xét nhiều yếu tố để xác định phần chi phí bên thua phải chịu, chẳng hạn như dựa vào mức độ hợp lý của chi phí luật sư; có hay không hành vi của một bên cố tình kéo dài thời gian tố tụng hoặc không thiện chí trong quá trình xử lý vụ kiện, tòa có thể yêu cầu bên đó trả toàn bộ chi phí…
Ngược lại, nguyên tắc “Tự trả chi phí” (American Rule) thường được áp dụng tại Hoa Kỳ, nghĩa là mỗi bên tự chịu trách nhiệm thanh toán chi phí luật sư của mình, bất kể kết quả vụ kiện ra sao. Tuy nhiên, có những ngoại lệ cho phép bên thắng kiện yêu cầu chi phí từ bên thua kiện, đặc biệt trong các vụ kiện có quy định cụ thể như Luật Bảo vệ người tiêu dùng hoặc người lao động.
Tại một số nước châu Âu thuộc hệ thống pháp luật Civil Law (như Đức, Pháp và nhiều nước châu Âu khác) thường áp dụng nguyên tắc “bên thua trả chi phí” nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo công bằng cho cả hai bên. Ví dụ tại Đức, Luật tố tụng Đức quy định bên thua phải trả chi phí luật sư cho bên thắng, nhưng số tiền bồi hoàn được tính dựa trên một biểu phí nhất định, không vượt quá mức tòa cho là hợp lý. Tại Pháp áp dụng nguyên tắc tự chịu chi phí nhưng vẫn cho phép bên thắng yêu cầu một phần chi phí luật sư từ bên thua kiện, được gọi là “frais irrépétibles” (chi phí không được hoàn lại), để bù đắp một phần chi phí của bên thắng. Tòa án có quyền quyết định mức phí này dựa trên khả năng tài chính và tình huống cụ thể của bên thua kiện.
Ưu, nhược điểm của quy định hiện hành
Việc không yêu cầu bên thua kiện chi trả chi phí luật sư cho bên thắng kiện có những lợi ích nhất định, đặc biệt đối với sự công bằng trong tiếp cận công lý. Quy định này có thể giảm áp lực tài chính cho người tham gia tố tụng. Bởi vì không phải ai cũng có điều kiện tài chính để thuê luật sư chất lượng cao hoặc có đủ nguồn lực để tiến hành tố tụng kéo dài. Nếu quy định bên thua kiện phải thanh toán chi phí luật sư, điều này có thể tạo ra rào cản lớn đối với những người muốn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, đặc biệt là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Sự lo ngại về việc phải chịu chi phí luật sư cao có thể làm cho họ ngần ngại khi khởi kiện hoặc tham gia vào quá trình tố tụng, ngay cả khi có lý do chính đáng.
Bên cạnh đó, việc quy định bên thua kiện phải chịu chi phí luật sư của bên thắng kiện có thể tạo ra rủi ro cho quyền khởi kiện của người dân. Bất kỳ ai khi tham gia tố tụng cũng đều có thể gặp rủi ro thua kiện vì các nguyên nhân khách quan hoặc vì những lý do pháp lý phức tạp. Do đó, nếu họ buộc phải trả chi phí luật sư cho bên thắng kiện, quyền tiếp cận công lý của họ sẽ bị ảnh hưởng, khiến họ có thể do dự khi đòi hỏi quyền lợi của mình qua con đường pháp lý.
Tuy nhiên, nếu việc không yêu cầu bên thua kiện chịu chi phí luật sư cho bên thắng kiện cũng tồn tại những nhược điểm nhất định. Đầu tiên là vấn đề gây thiệt hại về tài chính cho bên thắng kiện. Bởi vì bên thắng kiện thường là bên có quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm, và họ buộc phải tham gia quá trình tố tụng để bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu họ không được yêu cầu bên thua kiện thanh toán chi phí luật sư, họ sẽ chịu thiệt hại tài chính đáng kể ngay cả khi thắng kiện. Điều này có thể làm cho các bên e ngại khi tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của mình, và thậm chí có thể dẫn đến tình trạng ngại kiện tụng, không dám đòi lại quyền lợi.
Thêm vào đó, khi bên thua kiện không phải trả chi phí luật sư cho bên thắng kiện, những người cố ý khởi kiện để gây khó khăn cho người khác có thể lợi dụng điều này. Họ có thể sử dụng việc kiện tụng như một phương tiện gây áp lực mà không lo ngại về hậu quả tài chính nếu thua kiện. Điều này gây lãng phí thời gian, công sức không chỉ cho bên bị kiện mà cho cả hệ thống thư pháp, tạo ra sự bất công cho bên thắng kiện.
Đề xuất
Trên cơ sở thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam hiện tại, thông lệ quốc tế, cũng như các ưu, nhược điểm của việc quy định bên thua kiện không phải chịu trách nhiệm thanh toán chi phí thuê luật sư (trừ trường hợp quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ như đã viện dẫn). Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải mở rộng phạm vi cho phép bên thua kiện phải chịu trách nhiệm thanh toán chi phí luật sư cho bên thắng kiện mà không chỉ giới hạn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Phạm vi mở rộng trước mắt có thể xem xét trong lĩnh vực lao động và bảo vệ người tiêu dùng. Trong các trường hợp đó, nếu người lao động, người tiêu dùng thắng kiện, thì người sử dụng lao động và doanh nghiệp bị người tiêu dùng khởi kiện phải thanh toán chi phí luật sư cho các đối tượng này. Tuy nhiên, về mức phí luật sư cụ thể cần phải có sự cân nhắc để đảm bảo tính hợp lý (có thể quy định mức tối đa) để tránh tình trạng lạm dụng quy định, đẩy chi phí bị lên quá cao, không phù hợp với thực tế.
Luật sư Trương Ngọc Liêu – TAT Law Firm
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50