Có thể xin tòa chuyển quyền nuôi con?

06/16/2017 22:33:06 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

(PNGĐ) -- "Do tôi từng gặp khó khăn về kinh tế nên tòa xử cho chồng cũ tôi nuôi con khi chúng tôi ly hôn. Giờ tôi đã chứng minh được khả năng tài chính của mình, có thể xin tòa chuyển quyền nuôi con không?..."

Câu hỏi: Tôi và chồng cũ đã ly hôn từ tháng 10/2010. Do tại thời điểm đó tôi đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế nên tòa đã xử cho chồng cũ nuôi hai con. Trong hơn ba năm qua, chồng cũ tôi thường mượn lý do công việc vắng mặt nhiều ngày và không chăm sóc chu đáo cho các cháu. Nay tôi đã giải quyết hết các vấn đề về tài chính cũng như cuộc sống của mình và không tái giá, muốn được đón hai con về để cho các cháu điều kiện sống tốt hơn, được yêu thương, chăm sóc chu đáo hơn. Xin hỏi thủ tục xin chuyển quyền nuôi con gồm những bước nào và xét những điều kiện của tôi thì khả năng thắng kiện có cao không

(Vương Linh - TP. HCM)

 

Chuyên gia trả lời:

Quyền nuôi con sau ly hôn là một trong những vấn đề thường xuyên dẫn đến tranh chấp của các cặp vợ chồng khi quyết định ly hôn. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án về quyền nuôi con không phải là bất định, sau khi có bản án, nếu một trong hai người có mong muốn và điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng con thì vẫn có cơ hội để yêu cầu chuyển quyền nuôi con.

Trường hợp của chị, vợ chồng chị đã ly hôn từ năm 2010. Theo bản án (hoặc quyết định) ly hôn đó, chồng chị là người trực tiếp nuôi dưỡng hai con, chị có nghĩa vụ cấp dưỡng. Hiện tại, do chồng cũ thường xuyên bỏ bê không chăm sóc con đồng thời tình hình tài chính của chị đã ổn định nên chị mong muốn thay đổi quyền nuôi con để trở thành người trực tiếp nuôi dưỡng. Để thực hiện được mong muốn này, chị có thể thương lượng, thỏa thuận với chồng cũ về việc chuyển quyền nuôi con. Nếu chồng cũ của chị đồng ý thì hai người làm Đơn yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và nộp cho Tòa án.

Tuy nhiên, nếu chồng cũ của chị không đồng ý với việc thay đổi quyền trực tiếp nuôi con và dẫn đến tranh chấp thì chị phải tiến hành khởi kiện ra Tòa án.

Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án là tòa án nơi bị đơn cư trú. Để được Tòa án thụ lý, chị phải thiết lập bộ hồ sơ khởi kiện trong đó có các giấy tờ chứng minh nhân thân của chị, chồng cũ và hai con, bản án (hoặc quyết định) ly hôn và các chứng cứ tài liệu chứng minh điều kiện vật chất, tinh thần để chăm sóc cho hai con của chị.

Các chứng cứ tài liệu chứng minh khả năng nuôi con của chị có ý nghĩa rất lớn trong việc Tòa án đưa ra phán quyết nên chị cần phải chứng minh cụ thể thông qua các tài liệu như: bảng lương, nơi cư trú ổn định, thời gian làm việc… Trường hợp, chị có chứng cứ chứng minh chồng cũ của chị không đủ điều kiện tài chính, thời gian hoặc không chăm lo chu đáo cho đời sống vật chất, tinh thần của hai con thì đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng để Tòa án xác định lại quyền nuôi con. 

Luật sư Trương Anh Tú

(Bài đăng tải chuyên mục Góc tư vấn báo Phụ nữ & gia đình đăng tải ngày 18/8/2014).