Doanh nhân Lê Thị Giàu kiện bà Phương Hằng: Cơ sở nào đòi 1.000 tỷ?

06/02/2021 09:53:43 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Luật sư  cho rằng, có 2 vấn đề mà nguyên đơn Lê Thị Giàu sẽ phải chứng minh khi khởi kiện nữ doanh nhân Phương Hằng và đòi bồi thường lên đến 1000 tỷ đồng đó chính là chứng minh hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra.

Mới đây, TAND Quận 1 (TPHCM) cho biết, cơ quan này đã thụ lý vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây kiện bà Nguyễn Phương Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam, vợ ông Dũng "Lò Vôi".

Theo đơn khởi kiện, bà Giàu cho biết, không có mối quan hệ thân thiết với bà Hằng. Cả 2 chỉ biết nhau khi đến viếng chùa Phước Sơn Thiền Viện tại Long Thành, Đồng Nai. “Thời gian này, bà Hằng thường nhắn tin cho bà Giàu những lời lẽ xúc phạm, mang tính đe dọa” - nội dung đơn thể hiện.

Nguyên đơn cho biết, đến ngày 14/5, bà Nguyễn Phương Hằng livestream xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của bà Giàu, vu khống nguyên đơn ép bức sư Bửu Chánh - trụ trì chùa Phước Sơn và nhiều vấn đề khác. Bà Giàu cho rằng bà Hằng còn xúc phạm đến uy tín nhãn hiệu “Mi Lá Bồ Đề", “Dầu Nhị Thiên Đưởng”, “Nước tương” do bà Giàu làm chủ.

Doanh nhan Le Thi Giau kien ba Phuong Hang: Co so nao doi 1.000 ty?

Bà Phương Hằng trong một buổi livestream.

Cho rằng bà Hằng vu không và bịa đặt không đúng sự thật, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của bản thân, bà Giàu đã khởi kiện buộc bà Hằng bồi thường số tiền 1.000 tỷ đồng tổn thất về vật chất và tinh thần. Ngoài ra, phía nguyên đơn còn yêu cầu bị đơn gỡ bỏ bài đăng trên mạng và chấm dứt hành vi xúc phạm danh dự, uy tín đối với bà Giàu.

Người kiện không phải chịu án phí sơ thẩm

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, việc nữ doanh nhân Lê Thị Giàu kiện nữ doanh nhân Phương Hằng yêu cầu bồi thường thiệt hại là quyền của bà Giàu. Bà Giàu có quyền khởi kiện bà Hằng khi có căn cứ xác định bà Hằng có các hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích của bà Giàu.

Theo quy định của pháp luật, bà Lê Thị Giàu là nguyên đơn nên bà có nghĩa vụ chứng minh về yêu cầu khởi kiện của mình. Cụ thể là hành vi xúc phạm của bà Hằng, thiệt hại từ hành vi xúc phạm này gây ra là bao nhiêu để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Khoản tiền bồi thường mà bà Giàu yêu cầu ngoài bồi thường thiệt hại về mặt tinh thần mà còn cả thiệt hại về mặt tài sản do hành vi của bà Phương Hằng gây nên.

Nói về án phí, luật sư Hoàng Tùng dẫn Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định các trường hợp được miễn nộp tiền án phí, tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án, tạm ứng lệ phí Tòa án và cho biết, theo điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326, người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.

Theo quy định, trường hợp khởi kiện liên quan đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, người kiện không phải chịu án phí sơ thẩm và không đóng tạm ứng án phí theo quy định về án phí có giá ngạch. Đồng thời, nguyên đơn có quyền đưa ra số tiền yêu cầu bồi thường mà không bị giới hạn. Do đó, vấn đề án phí trong trường hợp này gần như không đặt ra.

Hai vấn đề mà nguyên đơn trong vụ án này phải chứng minh

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, khi khởi kiện bà Phương Hằng, nguyên đơn Lê Thị Giàu có trách nhiệm cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi của bà Phương Hằng là đưa tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm và gây thiệt hại đến nguyên đơn.

Cụ thể, Bộ luật tố tụng dân sự quy định nguyên đơn có quyền khởi kiện và có nghĩa vụ phải chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Tòa án chỉ giải quyết khi đương sự có yêu cầu và trong phạm vi yêu cầu của các đương sự. Đương sự đưa ra yêu cầu sẽ phải có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình bằng các chứng cứ. Trong trường hợp đương sự không thể thu thập được chứng cứ tài liệu có thể đề nghị tòa án thu thập theo quy định pháp luật.

Luật sư Cường cho rằng, có 2 vấn đề mà nguyên đơn trong vụ án này phải chứng minh là hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra.

Trên cơ sở các hình ảnh, thông tin được công khai trên mạng xã hội, nguyên đơn có thể lưu giữ, lập vi bằng để chứng minh hành vi của bà Hằng là vu khống, bịa đặt hoặc có những hành vi có tính chất xúc phạm danh dự nhân phẩm của nguyên đơn.

Trong trường hợp tòa án xác định có hành vi vi phạm pháp luật, vấn đề bồi thường thiệt hại mới được xem xét. Việc kết luận hành vi của bị đơn có vi phạm pháp luật hay không sẽ phụ thuộc vào chứng cứ mà hai bên đường sự cung cấp và phụ thuộc vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa.

Tòa án sẽ căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai để kết luận bà Phương Hằng có vi phạm pháp luật hay không, có xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn hay không. Trên cơ sở đó, sẽ xem xét đến việc bồi thường thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại trên thực tế phát sinh.

Đòi bồi thường 1000 tỷ có cơ sở không?

Luật sư Cường cho rằng, khoản 1, điều 584, Bộ luật dân sự 2015 nêu rõ: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”.

Cách xác định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được quy định rõ tại điều 592, Bộ luật dân sự 2015.

Theo luật sư Cường, nếu tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, xác định bị đơn có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của nguyên đơn. Đồng thời, nguyên đơn chứng minh được có thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra thì tòa án sẽ chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trên cơ sở các tài liệu chứng cứ để chứng minh thiệt hại.

Luật sư Cường cho rằng, vụ án dân sự này không đáng lo ngại cho bà Phương Hằng.

Trường hợp tòa án kết luận hành vi của bà Hằng là sai phạm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đồng nghĩa với việc nguyên đơn sẽ được xin lỗi, cải chính và bồi thường thiệt hại trên cơ sở những thiệt hại thực tế xảy ra.

Thiệt hại có thể không đến 1.000 tỷ đồng như yêu cầu ban đầu của nguyên đơn. Về thiệt hại tinh thần nếu có, tòa án sẽ xem xét trong phạm vi không quá 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định theo Điều 592 bộ luật dân sự năm 2015 nêu trên.

Trường hợp toà xác định bị đơn có hành vi bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, hành vi này còn bị truy xử phạt hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông tần số vô tuyến điện.

Trường hợp đưa lên mạng xã hội những thông tin trái quy định pháp luật để thu lợi bất chính, gây thiệt hại hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, cá nhân, tổ chức; gây ảnh hưởng xấu an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác… sẽ tùy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc Tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015.

Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ xem xét đánh giá trên cơ sở các tài liệu chứng cứ mà cơ quan chức năng thu thập được trong quá trình giải quyết vụ việc, có kết luận và giải quyết trên cơ sở pháp luật.

Báo Kiến thức (- PV Tâm Đức).