Luật sư Facebook – “Anh hùng mạng” hay bẫy lừa đảo?

03/14/2025 09:42:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Vụ án Nguyễn Hữu Thạnh – kẻ giả danh luật sư, lập văn phòng “ảo” lừa đảo hơn 14 tỷ đồng – một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiện tượng “luật sư Facebook” đang tràn lan. Những người tự xưng là luật sư nhưng không ai trong giới luật biết đến, không xuất hiện trên bất kỳ kênh thông tin chính thống nào, chỉ “nổi tiếng” trên mạng xã hội. Họ là ai, hoạt động ra sao và nguy hiểm thế nào?

Chiều ngày 13/3/2025, TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử Nguyễn Hữu Thạnh, 34 tuổi, trú tại Quảng Nam, với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Bằng chiêu trò tinh vi, Thạnh lập ra một văn phòng luật sư “ảo” với tên gọi Văn phòng luật sư di trú quốc tế SGM, chuyên tư vấn di trú, xuất khẩu lao động. Để tạo lòng tin, hắn đóng giả luật sư, làm giả giấy chứng minh Công an nhân dân, thẻ giáo viên, quảng cáo rầm rộ trên Facebook bằng tài khoản “Mr Thanh Lawyer”. Khách hàng tin tưởng chuyển tiền đặt cọc từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, mong mỏi được sang Canada làm việc. Nhưng sau khi nhận tiền, Thạnh viện lý do trì hoãn, cắt đứt liên lạc và biến mất. Tổng cộng, hắn thực hiện hơn 20 vụ lừa đảo, chiếm đoạt 14,4 tỷ đồng.

Đây không phải là vụ đầu tiên, cũng không phải là lần cuối cùng, khi những kẻ tự xưng “luật sư Facebook” dùng mạng xã hội để đánh lừa niềm tin của những người kém hiểu biết về pháp lý. Mạng xã hội phát triển mạnh, giúp việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng. Thế nhưng, điều này cũng mở đường cho một thế hệ “luật sư ảo”, chỉ xuất hiện trên Facebook, TikTok, YouTube nhưng không hề có tên tuổi trong giới luật.

Những dấu hiệu nhận diện “luật sư Facebook” đáng ngờ không khó để nhận ra. Họ không có tên trong danh sách Đoàn Luật sư hoặc bất kỳ tổ chức nghề nghiệp uy tín nào. Không có văn phòng luật hoặc địa chỉ cụ thể, chỉ tư vấn online, nhận tiền qua chuyển khoản. Hứa hẹn “giải quyết mọi vấn đề”, “chắc chắn thắng kiện”, thậm chí cam kết có “quan hệ ngầm” với cơ quan chức năng. Chỉ nổi tiếng trên mạng xã hội, không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chính thống, không có hồ sơ vụ việc cụ thể. Đặc biệt, họ thường xuyên đăng bài giật gân, gây tranh cãi, đánh vào tâm lý đám đông để thu hút sự chú ý.

Một số “luật sư Facebook” còn dùng công kích cá nhân, tung tin sai sự thật để tạo uy tín ảo. Họ biến mạng xã hội thành “tòa án nhân dân”, dẫn dắt dư luận bằng thông tin phiến diện, chưa kiểm chứng. Hệ quả của việc tin vào những “luật sư Facebook” không chỉ là mất tiền oan, mà còn có thể gây hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Nhiều nạn nhân không chỉ mất hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng mà còn bị vướng vào các vụ kiện tụng rắc rối, thậm chí bị liên đới trách nhiệm hình sự. Một số người bị xúi giục tham gia tranh chấp không cần thiết, làm gia tăng căng thẳng, mất đoàn kết trong nội bộ gia đình hoặc doanh nghiệp. Các thông tin pháp lý sai lệch trên mạng xã hội có thể khiến người dân hiểu sai về pháp luật, gây mất niềm tin vào hệ thống công lý. Không phải cứ nói chuyện pháp luật trên Facebook là luật sư. Một luật sư thực thụ phải có chứng chỉ hành nghề, có văn phòng hoặc công ty luật chính thức, có hồ sơ vụ việc rõ ràng.

Làm sao để tránh bẫy “luật sư Facebook”? Kiểm tra thông tin luật sư trên website của Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoặc Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố. Không vội tin vào những lời quảng cáo “chắc chắn thắng kiện”, “giải quyết nhanh chóng” – pháp lý luôn dựa trên quy định chứ không có “cửa sau”. Chỉ làm việc với luật sư có văn phòng, có danh tiếng trong giới chuyên môn, được truyền thông chính thống nhắc đến. Không chuyển tiền cho người tự xưng luật sư mà không có hợp đồng dịch vụ pháp lý rõ ràng.

Vụ án Nguyễn Hữu Thạnh chỉ là một trong rất nhiều trường hợp “luật sư Facebook” dùng mạng xã hội để trục lợi. Họ không có chuyên môn, không chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng lại tự cho mình quyền phán xét và hứa hẹn những điều không tưởng. Mạng xã hội có thể giúp phổ biến kiến thức pháp luật, nhưng cũng là mảnh đất màu mỡ cho kẻ lừa đảo. Đừng để công lý bị bóp méo bởi những “anh hùng bàn phím”. Hãy tỉnh táo, chọn luật sư có thực lực, có đạo đức, và có danh tiếng thực sự.

TAT Law Firm

hotline 0848009668