Nam nữ yêu nhau có được phép sống chung một nhà?

06/16/2017 22:32:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

(PNGĐ) -- Có cần thiết phải "khai gian" là có quan hệ huyết thống để được đăng ký tạm trú cùng người yêu?

Câu hỏi: Em và bạn trai đều 24 tuổi và đã có nghề nghiệp ổn định. Mới đây chúng em quyết định chuyển về ở chung trong một căn hộ chung cư. Khi đăng ký tạm trú, vì sợ việc nam nữ không có quan hệ ruột thịt ở chung là phạm pháp nên chúng em khai trong phần quan hệ là anh em họ. Xin hỏi, nếu việc “khai gian” của chúng em bị phát giác thì hậu quả sẽ như thế nào?

(Phương Hiền – Quận 4, TP. HCM)

Trả lời:

Cư trú là quyền tự do của công dân đã được Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được cụ thể hóa thông qua các Điều luật “Cá nhân có quyền tự do đi lại, tự do cư trú” (Điều 48, Bộ luật dân sự) và chỉ bị hạn chế trong một số trường theo quy định tại Luật cư trú và cụ thể hóa tại Điều 4, thông tư số 52/2010/TT-BCA gồm:

1. Người dưới đây, trong thời gian bị hạn chế quyền tự do cư trú thì tạm thời chưa được giải quyết thủ tục thay đổi nơi cư trú, trừ trường hợp có sự đồng ý cho thay đổi nơi cư trú bằng văn bản của cơ quan đã áp dụng biện pháp đó:

a) Người đang bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú;

b) Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế;

c) Người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành.

2. Người đang bị áp dụng phạt cấm cư trú thì không giải quyết các thủ tục về đăng ký thường trú, tạm trú tại những địa phương mà Tòa án cấm người đó cư trú.

Luật Hôn nhân và gia đình đã nghiêm cấm người đang có vợ hoặc có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác, việc chung sống này có thể được thể hiện qua việc trực tiếp chung sống có đăng ký tạm trú, thường trú …

Ngoài những trường hợp bị hạn chế quyền tự do đăng ký tạm trú nêu trên, hiện nay, pháp luật không hạn chế các trường hợp khác trong đó có trường hợp hai người khác giới không có quan hệ huyết thống đăng ký tạm trú cùng nơi. Như vậy, dù hai bạn không có quan hệ huyết thống nhưng không thuộc trường hợp bị hạn chế hoặc không phải là những người đang có vợ có chồng thì pháp luật cũng không cấm hai bạn đăng ký tạm trú cùng một nơi để chung sống cùng nhau.

Hiện tại, hai bạn đã khai có quan hệ huyết thống để đăng ký tạm trú, điều này là sai với quan hệ thực tế của hai bạn và vi phạm về trách nhiệm của công dân về cư trú quy định tại Điều 11, Luật cư trú "Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, tài liệu đã cung cấp”. Bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Luật sư Trương Anh Tú

(Bài đăng tải chuyên mục góc tư vấn báo Phụ nữ& gia đình ngày 18/8/2014).

hotline 0848009668