Nhận tiền đương sự: Thư ký tòa “dính chấu”, thẩm phán vô can

02/22/2017 14:08:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

(PL)-Thư ký tòa nói mình nhận tiền cho thẩm phán, người đưa tiền cũng nói vậy nhưng thẩm phán phủ nhận.

TIN LIÊN QUAN

Tòa xử thư ký tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thay vì tội nhận hối lộ như cáo trạng truy tố.

Bị án Trần Thị Diễm My, nguyên thư ký tòa án của TAND huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, vừa có đơn đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm xử mình. Bị án này cho rằng mình không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như đã bị kết án. Ngoài ra, cơ quan tố tụng xử lý sót người, lọt tội khi bản thân bị án chỉ là người nhận tiền giúp Thẩm phán HHTH, trong khi vị thẩm phán này chỉ được tòa xác định là người làm chứng trong vụ án.

“Luật sư không làm gì mà được 8-9 triệu…”

Theo kết luận điều tra của Cục Điều tra VKSND Tối cao, My là thư ký thực hiện một số hoạt động nghiệp vụ cho Thẩm phán H. tại TAND huyện Vĩnh Lợi. Đầu năm 2014, Thẩm phán H. giải quyết vụ kiện tranh chấp vay tài sản do bà Lê Thị Thu Ba là nguyên đơn. Sau vài lần tiếp xúc với bà Ba ngoài trụ sở tòa án và nghe bà Ba nói thuê luật sư nhưng chẳng giúp được gì, My ngỏ ý muốn giúp. Bà Ba hứa sẽ đền ơn.

Sáng 11-9-2014, bà Ba mang hai phong bì (một cái đựng 1 triệu đồng, một cái 2 triệu đồng) đặt trong ống lược nhà vệ sinh tại trụ sở tòa án huyện. Sau đó, bà Ba nhắn tin cho My với nội dung “bồi dưỡng cho My 1 triệu và cho Thẩm phán H. 2 triệu”. Đồng thời, bà Ba cũng nhắn tin vào máy Thẩm phán H.: “Chị Thu Ba nè H., chị muốn gửi quà cho em nhưng chị ngại, chị gửi qua nơi My”.

Vẫn theo kết luận điều tra, sau khi đọc tin nhắn, Thẩm phán H. hỏi My có đúng bà Ba gửi quà không, My rút túi quần lấy ra hai phong bì, đưa phong bì 2 triệu đồng cho Thẩm phán H. nhưng H. không nhận và nói: “Luật sư không làm được gì mà 8-9 triệu, còn tao là thẩm phán giải quyết, cho tao có 2 triệu, tao ghét tao xử cho thua luôn, đồ không biết điều”.

My gọi điện thoại cho bà Ba nói: “Chị H. kêu lên lấy lại tiền”. Bà Ba hỏi: “Bộ con H. nó chê ít hả?”. My đáp: “Bà H. nói mướn luật sư không làm được gì mà một vụ còn mất 8-9 triệu, còn bả là thẩm phán giải quyết mà cho có 2 triệu”. Bà Ba tiếp: “Bây giờ sao, chị đưa thêm nữa được không?”. My đáp: “Em không biết nữa, chị muốn gì trực tiếp gặp chị H.”.

Đến 11 giờ trưa, bà Ba trình báo sự việc với Công an tỉnh Bạc Liêu. Sau đó bà gọi điện thoại cho My nói: “Chị mượn được 5 triệu rồi, em thấy có được không?”. My đáp: “Chị muốn gì thì gặp chị H.”. Bà Ba tiếp: “Để sau khi xử xong chị sẽ để trong nhà vệ sinh như lúc sáng”. My đáp: “Dạ!”.

Phong bì ghi: “TBA gửi H.”

Theo kết luận điều tra, đến 14 giờ ngày 11-9-2014, vụ án mà bà Ba là nguyên đơn được đưa ra xét xử. Trước khi khai mạc phiên tòa, My nói với H. biết xử xong bà Ba sẽ đưa thêm cho 5 triệu đồng nữa. Kết quả phiên xử: Thẩm phán - chủ tọa H. tuyên án bà Ba thắng kiện, buộc bị đơn phải trả cho bà Ba 45 triệu đồng (bản án này sau đó bị VKSND cùng cấp kháng nghị với lý do chỉ có cơ sở chấp nhận 5 triệu đồng). Xử xong, Thẩm phán H. về phòng làm việc nói với My: “2 triệu bà Ba đưa, em giữ lấy mai chị em mình đi mua dầu thơm”.

Đến 19 giờ 20 cùng ngày, bà Ba gọi điện thoại cho My nói: “Có tiền rồi nè My ơi, gặp em ở đâu?”. My nói: “Em về nhà rồi, chị muốn gì thì ra quán nhà chị H. ở… TP Bạc Liêu gặp chị H.”. Dứt lời, My gọi điện thoại thông báo cho Thẩm phán H. biết.

Theo trình bày của bà Ba, do PC46 Công an tỉnh Bạc Liêu đề nghị nên bà đã kéo dài thời gian và chọn địa điểm khác. Vì vậy, bà Ba đã nhắn tin cho Thẩm phán H. với nội dung: “Chị H., em mới có tiền mà bây giờ đang đưa con đi học chung với chồng em, ghé chị không tiện, sáng mai ăn sáng nha chị”. Nhận được tin nhắn, Thẩm phán H. nhắn tin cho My qua Facebook: “Sáng mai em hẹn gặp bà Thu Ba lấy cho chị, chị làm biếng gặp bà quá đi”.

Sáng hôm sau bà Ba hẹn My uống cà phê ở một quán tại TP Bạc Liêu. Lúc này Thẩm phán H. gọi điện thoại cho My nhưng do máy hết pin nên My mượn điện thoại của bà Ba gọi điện thoại lại cho H. nói đang gặp bà Ba. Khi bà Ba đưa phong bì ghi “TBA gửi H.”, trong đó có chứa 5 triệu đồng cho My thì bị công an bắt quả tang.

Thẩm phán xóa Facebook

Sau đó, công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án nhận hối lộ và chuyển cho CQĐT VKSND Tối cao ra quyết định khởi tố bị can đối với My về tội nhận hối lộ. Sau khi có kết luận điều tra, VKSND Tối cao lại chuyển hồ sơ vụ án để VKSND TP Bạc Liêu ra cáo trạng truy tố cùng tội danh nhận hối lộ (do hành vi nhận tiền xảy ra tại TP Bạc Liêu).

Điều đáng nói là trong cáo trạng, một số tình tiết mô tả lời nói liên quan đến Thẩm phán H. mà kết luận điều tra viện dẫn như trên đã không được đưa vào. Thay vào đó, cáo trạng chỉ trích dẫn những câu nói liên quan đến bị cáo My.

Quá trình điều tra, bị án My thừa nhận mọi hành vi kể trên và nộp lại toàn bộ số tiền 8 triệu đồng. Còn Thẩm phán H. chỉ thừa nhận có đọc tin từ số máy của bà Ba với nội dung: “Chị gửi quà cho em ở nơi My”, không thừa nhận nội dung tin nhắn bà Ba gửi cho mình. Thẩm phán H. cũng không thừa nhận nhắn tin trên Facebook cho My với lý do nó là của người khác.

Theo kết luận điều tra của CQĐT VKSND Tối cao, do Thẩm phán H. không thừa nhận và đã xóa Facebook nên không đủ chứng cứ buộc tội về hành vi nhận hối lộ nên đã kiến nghị xử lý hành chính bà này. Còn theo cáo trạng của VKSND TP Bạc Liêu thì dù My khai chính H. là người chỉ dẫn và yêu cầu My nhận 8 triệu đồng nhưng không có chứng cứ nào khác để chứng minh nên sẽ tiếp tục làm rõ, xử lý sau.

Bị hại kiên trì kêu oan cho bị cáo

Vụ án được TAND TP Bạc Liêu xử sơ thẩm vào tháng 9-2015, Thẩm phán H. được xác định là nhân chứng.

Tại tòa, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo tội nhận hối lộ. Bị cáo thừa nhận việc nhận tiền nhưng cho rằng mình chỉ hưởng lợi 1 triệu đồng, còn 7 triệu đồng là nhận giúp H. Việc bị cáo nhận tiền đều có sự đồng ý và chỉ dẫn của H., bà Ba cũng thông báo việc bồi dưỡng cho H. và tin tưởng nên mới nhờ bị cáo chuyển tiền giúp. Theo bị cáo, mình không phạm tội nhận hối lộ vì chỉ là trung gian nhận tiền giúp và cũng không phạm tội lừa đảo vì không dùng thủ đoạn gian dối.

Cuối cùng, tòa đã tuyên phạt bị cáo My sáu tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo My làm đơn kháng cáo kêu oan. Bà Ba cũng kháng cáo, cho rằng My không dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tiền của bà vì cả hai lần đưa tiền bà đều gọi điện thoại, nhắn tin cho cả My và H. biết rõ. Khi bị bắt quả tang bà cũng khai rõ là số tiền 5 triệu đồng gửi H., bà chỉ nhờ My nhận thay, bản thân My không vòi vĩnh hay yêu cầu bà đưa thêm tiền. Do đó, bà yêu cầu tòa phúc thẩm tuyên bố My không phạm tội lừa đảo.

Tuy nhiên, những lời trình bày trên không được TAND tỉnh Bạc Liêu chấp nhận tại phiên xử phúc thẩm tháng 12-2015. Tòa này vẫn tuyên ý án sơ thẩm.

Sau đó, bị cáo My tiếp tục kêu oan, gửi đơn kháng nghị giám đốc thẩm. Mới đây, bà Ba cũng có đơn xin giám đốc thẩm để kêu oan cho bị cáo vì cho rằng My không lừa đảo, bà cũng không bị My lừa.

 

Lập luận của tòa sơ thẩm

Khi xử bị cáo Trần Thị Diễm My tội nhận hối lộ, TAND TP Bạc Liêu nhận định: My tiếp cận với bà Ba trước khi vụ án đưa ra xét xử và dùng thủ đoạn gian dối để dẫn dụ, làm cho bà Ba tin rằng cần thiết để thông qua bị cáo đưa tiền cho HĐXX mới thắng kiện. Việc đưa, nhận tiền không có thỏa thuận nào từ người có thẩm quyền quyết định đường lối giải quyết vụ án. Việc gặp gỡ giữa bị cáo và bà Ba là ngoài phạm vi công vụ và do chủ ý của bị cáo.

Theo tòa, việc bị cáo nói với bà Ba là Thẩm phán H. chê tiền nhằm làm cho bà Ba nghĩ rằng cần phải đưa thêm, đó là thủ đoạn gian dối của bị cáo. Khi giữ số tiền 3 triệu đồng, bị cáo còn nói là Thẩm phán H. chê ít để làm cho bà Ba nghĩ là phải đưa thêm cho bà H., đây cũng là thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt thêm 5 triệu đồng…

Tòa cho rằng bị cáo là thư ký tòa, người được giao nhiệm vụ tiến hành tố tụng nhưng không có vai trò quyết định kết quả xét xử của vụ án nên không phải là chủ thể của tội nhận hối lộ.

 

Theo SONG NGUYỄN - plo.vn

Gửi bình luận:

hotline 0848009668