11/19/2024 09:33:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Ba năm trước, giữa đại dịch COVID-19, hình ảnh dòng người vội vã rời TP.HCM đã khiến tôi suy nghĩ về tương lai của những người lao động nhập cư. Trong tâm trí, tôi hiện lên một viễn cảnh mới, nơi mà sự trở về cố hương là một xu hướng tất yếu, phản ánh sự thay đổi không chỉ trong tâm thức của người lao động mà còn trong cách thức phát triển đô thị tại Việt Nam. Với thực trạng số lượng người nhập cư vào TP.HCM giảm mạnh và "thủ phủ nhà trọ" nay thưa vắng người thuê, câu hỏi đặt ra là: Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi chiến lược phát triển, tạo ra sự cân bằng cho tất cả các vùng miền hay chưa?
Ba năm trước, đại dịch COVID-19 đã để lại dấu ấn chưa từng có với dòng người lao động nhập cư ồ ạt rời TP.HCM, trở về quê nhà để tìm kiếm sự an toàn giữa đại dịch và những tháng ngày phong tỏa. Đối với nhiều người, trở về quê là lựa chọn duy nhất khi thành phố đột ngột lâm vào khủng hoảng. Họ đã từng là nhân tố không thể thiếu trong giai đoạn phát triển ban đầu của TP.HCM – nơi cần đến một lực lượng lao động phổ thông dồi dào và giá rẻ để xây dựng hạ tầng, sản xuất, và phát triển các ngành công nghiệp cơ bản như dệt may, xây dựng, chế biến, sản xuất giày dép. Nhưng khi thành phố đã chuyển mình mạnh mẽ với GDP tăng cao và bước vào giai đoạn phát triển mới, các ngành sử dụng lao động phổ thông giá rẻ đã dần không còn phù hợp với hướng đi tương lai. Người lao động nhập cư, phần lớn là lao động phổ thông ít qua đào tạo, dần trở nên lạc lõng giữa một thành phố đã thay đổi.
Điều đáng buồn là khi các ngành này dịch chuyển dần sang các tỉnh thành khác hoặc nhường chỗ cho các ngành công nghệ cao và dịch vụ đòi hỏi lao động trình độ cao hơn, những người lao động nhập cư lại trở thành “người thừa” ngay tại thành phố mà họ đã góp phần xây dựng. Việc ở lại đôi khi chỉ làm “hưu hắt đời nhau”, khi người lao động không còn phù hợp với các cơ hội việc làm mới và tiếp tục chịu đựng chi phí sinh hoạt cao, điều kiện sống tạm bợ, không thể tích lũy để xây dựng tương lai bền vững.
Thực tế, tình trạng di cư ngược từ thành phố về các tỉnh không chỉ xảy ra trong đại dịch mà còn tiếp tục diễn ra sau khi đất nước mở cửa trở lại. Theo báo cáo của chính quyền TP.HCM, năm 2023, tỷ lệ người nhập cư vào thành phố đã giảm mạnh, chỉ tăng 0,67% – mức thấp chưa từng thấy, trong khi trước đây, mỗi năm có đến 200.000 - 250.000 người nhập cư mới. Không chỉ vậy, các khu trọ – nơi từng là "thủ phủ" của người lao động nhập cư, nay vắng bóng người thuê. Thực trạng này phản ánh sự thay đổi không thể đảo ngược trong dòng chảy di cư, một xu hướng quay trở về quê nhà khi thành phố đã không còn đáp ứng đủ nhu cầu an sinh và cơ hội nghề nghiệp cho những người lao động phổ thông.
Sự di cư ngược này đồng thời làm rõ thêm một vấn đề trong chiến lược phát triển đô thị tại Việt Nam: các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội trong nhiều năm đã “hớt váng” nhân lực từ khắp các tỉnh thành để duy trì nhịp độ tăng trưởng nhanh chóng. Khi người dân khắp nơi đổ xô lên các thành phố lớn để làm việc trong các ngành sử dụng nhiều lao động, nguồn lực tại các vùng miền bị thu hẹp, gây ra tình trạng mất cân bằng phát triển. Cùng với đó, dân cư tập trung quá mức vào một số đô thị khiến hạ tầng thành phố quá tải, các dịch vụ công khó đáp ứng được nhu cầu đông đảo, và chênh lệch phát triển giữa các khu vực trở nên rõ rệt. Điều này tạo nên một vòng luẩn quẩn khi các đô thị lớn ngày càng phình to và phải đối mặt với những thách thức về giao thông, ô nhiễm môi trường, an sinh xã hội, trong khi các địa phương khác lại thiếu hụt nguồn lực để phát triển.
Hiện tượng tập trung dân cư quá mức vào một vài đô thị lớn không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn là bài học từ nhiều quốc gia khác. Các thành phố như Manila, Bangkok hay Buenos Aires là những minh chứng điển hình cho thấy sự phụ thuộc vào một số đô thị lớn có thể gây ra tình trạng quá tải, mất cân bằng phát triển và làm suy yếu tiềm năng của các khu vực khác. Manila, vùng đô thị lớn nhất của Philippines, hiện chiếm tới khoảng một phần ba tổng GDP quốc gia, tạo ra sự tập trung kinh tế và dân số quá lớn, gây ra áp lực lớn về hạ tầng và dịch vụ xã hội. Tại Thái Lan, Bangkok là trung tâm kinh tế chính, còn Buenos Aires là trung tâm kinh tế và dân cư đông đúc nhất của Argentina. Các đô thị này, khi thu hút toàn bộ nguồn lực quốc gia, khiến các khu vực còn lại không có đủ cơ hội phát triển và kéo giãn khoảng cách giữa trung tâm và vùng ven.
Nếu sự phát triển quốc gia được ví như một “live show thành phố lớn và những người bạn,” thì rõ ràng, việc phụ thuộc quá nhiều vào các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM không chỉ khiến các thành phố này quá tải mà còn là đánh cược vận mệnh quốc gia vào một số ít đô thị. Đã đến lúc chúng ta cần một tầm nhìn phát triển bền vững, trong đó mọi vùng miền đều có cơ hội phát triển và phát huy thế mạnh riêng. Phụ thuộc vào một vài đô thị lớn không thể là hướng đi lâu dài, mà thay vào đó, cần phải đầu tư xây dựng các "thủ phủ vùng" trên khắp cả nước để đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững.
“Rước tình về với quê hương” là xu hướng tất yếu của sự phát triển hài hòa quốc gia khi mà mọi người lao động đều có thể sinh sống, làm việc và gắn bó ngay tại quê hương mình. Trong những năm gần đây, các đô thị tỉnh lỵ như Vinh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ … đang có sự phát triển vượt bậc, tạo nên những điểm đến mới với môi trường sống và làm việc đủ tốt, không kém các đô thị lớn. Đây là những nơi có đủ “đồ chơi” để đáp ứng nhu cầu sống của cư dân, từ cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống y tế, giáo dục cho đến các khu công nghiệp tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương. Việc phát triển mạnh mẽ các đô thị tỉnh lỵ là minh chứng cho hướng đi đúng đắn, giúp người lao động cảm thấy an tâm với cuộc sống tại quê hương, nơi mà họ vừa có thể làm việc, vừa gần gũi gia đình.
Thay vì tập trung vào một vài đô thị lớn, chiến lược phát triển đô thị bền vững nên hướng tới việc phát triển các “thủ phủ vùng” trên toàn quốc, tạo ra các trung tâm kinh tế - xã hội đa dạng, giúp cân bằng phát triển giữa các khu vực. Đầu tư vào các “thủ phủ vùng” này bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển khu công nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục, y tế và chính sách an sinh xã hội. Việc phát triển các “thủ phủ vùng” này không chỉ giúp người lao động có thể an cư lạc nghiệp tại quê hương mà còn giảm bớt áp lực di cư lên các đô thị lớn, tạo ra một dòng chảy lao động ổn định giữa các khu vực.
Dòng chảy di cư ngược từ thành phố lớn về quê hương là lời cảnh tỉnh rõ ràng để chúng ta nhìn lại cách phát triển đô thị của mình. Một tầm nhìn phát triển quốc gia bền vững cần đặt mục tiêu cân bằng lên hàng đầu, nơi mà mọi người lao động đều có cơ hội sống và làm việc ngay tại quê hương, không phải chịu cảnh sống tạm bợ nơi đô thị xa lạ. Xu hướng “rước tình về với quê hương” không chỉ là sự lựa chọn của cá nhân mà còn là xu thế tất yếu trong phát triển quốc gia, nơi mà mỗi người dân có thể tự hào sống và làm việc, góp phần vào sự thịnh vượng chung của đất nước.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50