Siêu dự án 10.000 tỷ đồng bị bỏ hoang: Câu chuyện về sự lãng phí và bài học quản trị tài sản công

03/21/2025 14:21:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

VietinBank Tower – siêu dự án từng được kỳ vọng là biểu tượng tài chính hiện đại của Việt Nam, nay sau 15 năm vẫn chỉ là một khối bê tông dang dở giữa lòng Hà Nội. Hơn 10.000 tỷ đồng đã được rót vào công trình này, nhưng đến hiện tại, tòa tháp 68 tầng vẫn chỉ hoàn thành phần đế, trong khi phần còn lại hoang phế, cỏ mọc um tùm. 

Không còn là câu chuyện của một công trình, đây là minh chứng rõ nét cho vấn đề lãng phí tài nguyên và quản trị đầ u tư chưa hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước. Nếu không có giải pháp hợp lý, bài toán này có thể sẽ lặp lại những sai lầm đã khiến nhiều dự án lớn rơi vào vòng xoáy thất thoát, thậm chí dẫn đến các hệ lụy pháp lý nghiêm trọng.

Mỗi dự án đình trệ không chỉ đo đếm bằng con số tiền bạc bị chôn vùi mà còn là sự lãng phí về cơ hội kinh tế

Một khu đất vàng ngay cửa ngõ phía Tây Hà Nội lẽ ra đã có thể trở thành trung tâm thương mại – tài chính sầm uất, tạo công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách. Thay vào đó, hơn một thập kỷ trôi qua, dự án vẫn nằm im lìm, kéo theo những hệ lụy lớn về tài chính và quản trị. Với hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đã rót vào, nhà đầu tư có thể đã phải gánh thêm lãi suất và chi phí bảo trì khổng lồ, chưa kể đến giá trị tài sản bị giảm sút theo thời gian. Không chỉ vậy, lòng tin của cổ đông, của thị trường vào khả năng quản lý vốn của doanh nghiệp nhà nước cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một dự án bỏ hoang không đơn thuần chỉ là một công trình bị đình trệ mà còn đặt ra câu hỏi về năng lực điều hành, về trách nhiệm của những người ra quyết định.

Ảnh nguồn Intenet

Giờ đây, khi VietinBank đứng trước bài toán phải quyết định số phận của dự án này, điều quan trọng không chỉ là câu hỏi tiếp tục đầu tư hay thoái vốn, mà là cách thực hiện sao cho minh bạch, tránh đi vào vết xe đổ của những vụ án kinh tế – chức vụ trong quá khứ. Đã có quá nhiều bài học đắt giá từ những vụ chuyển nhượng đất công không qua đấu giá, từ những thương vụ thoái vốn thiếu minh bạch, nơi mà tài sản nhà nước bị bán với giá rẻ mạt, rồi sau đó thuộc về một nhóm lợi ích nào đó. Những vụ án như khu đất 8-12 Lê Duẩn, 2-4-6 Hai Bà Trưng hay vụ Sagri đã chứng minh rằng, chỉ một quyết định sai lầm trong quản lý tài sản công có thể gây ra thất thoát hàng nghìn tỷ đồng và kéo theo hệ lụy pháp lý khôn lường.

Bất kể VietinBank lựa chọn phương án nào, yếu tố quan trọng nhất vẫn phải là sự minh bạch và tuân thủ đúng quy định pháp luật. Nếu quyết định tiếp tục đầu tư để hoàn thành dự án, cần có một chiến lược tài chính rõ ràng, tính toán lại hiệu quả khai thác để đảm bảo đây không trở thành một khoản đầu tư tốn kém nhưng không mang lại giá trị thực sự. Nếu lựa chọn chuyển nhượng, thì nguyên tắc bắt buộc phải là đấu giá công khai, đảm bảo giá trị tài sản được xác định đúng với thị trường. Đây không thể là một cuộc chuyển nhượng khép kín, nơi mà một doanh nghiệp tư nhân nào đó có thể sở hữu công trình với mức giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực, rồi sau đó thu lợi lớn từ chính tài sản vốn dĩ thuộc về nhà nước.

Trách nhiệm của những người điều hành dự án cũng không thể bị bỏ qua

Một công trình bị đình trệ suốt 15 năm không thể chỉ do khách quan. Những vấn đề về quản lý, về ra quyết định đầu tư, về tiến độ triển khai đều phải được rà soát kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân thực sự. Không phải để truy cứu trách nhiệm theo hướng gay gắt, mà là để rút kinh nghiệm, tránh để những sai lầm tương tự tiếp tục diễn ra trong các dự án khác. Khi sử dụng vốn có nguồn gốc nhà nước, doanh nghiệp không chỉ chịu trách nhiệm trước cổ đông mà còn trước xã hội. Câu hỏi về lý do đình trệ, về hướng xử lý phải được giải đáp một cách minh bạch và thuyết phục.

Chúng ta đang bước vào giai đoạn mà yêu cầu về hiệu quả quản lý tài sản công ngày càng cao. Sự lãng phí trong đầu tư, sự chậm trễ trong xử lý các dự án đình trệ không chỉ là vấn đề tài chính, mà còn là vấn đề trách nhiệm và đạo đức quản trị. Không thể để thêm một VietinBank Tower khác xuất hiện, không thể để vốn nhà nước tiếp tục bị chôn vùi trong những công trình chưa hoàn thiện, không thể để những dự án bỏ hoang trở thành biểu tượng của sự trì trệ.

Bất cứ quyết định nào về số phận của VietinBank Tower cũng cần phải được thực hiện với sự cẩn trọng tối đa, bởi đây không chỉ là vấn đề riêng của một ngân hàng, mà còn là bài toán lớn hơn về quản trị tài sản công và trách nhiệm của những người điều hành. Nếu bài học từ những vụ án trước đây có thể giúp chúng ta làm tốt hơn, thì đây chính là lúc phải áp dụng những bài học đó, để đảm bảo rằng sẽ không có thêm một khoản vốn nhà nước nào bị lãng phí một cách đáng tiếc.

Luật sư Trương Anh Tú là người dày công nghiên cứu về tiến trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đồng thời là luật sư giàu kinh nghiệm trong các vụ án kinh tế – chức vụ, đặc biệt là những vụ án lớn do Trung ương chỉ đạo trong thời gian gần đây. Với góc nhìn sắc sảo và kinh nghiệm thực tế sâu rộng, ông đưa ra cảnh báo quan trọng về rủi ro tiềm ẩn khi thoái vốn VietinBank Tower, tránh lặp lại những sai lầm đã từng khiến nhiều quan chức và doanh nghiệp phải trả giá đắt.

Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm

hotline 0848009668