05/26/2021 09:26:58 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM) nhìn nhận hiện đối tượng trộm chó không còn lén lút như trước mà chúng ngày càng manh động, sử dụng các phương tiện nguy hiểm...
Chủ cơ sở đang giết chó tại nơi không được cho phép
Trả lời PV Báo Thanh Niên về tình trạng trộm chó ở vùng ven TP.HCM, đại diện Công an TP.HCM cho biết đã tiếp nhận thông tin báo chí phản ánh và yêu cầu công an các địa phương báo cáo tình hình và đề xuất biện pháp xử lý. Đối với hành vi trộm chó, công an khi bắt được đối tượng thì tùy theo mức độ sẽ có biện pháp xử lý tương xứng.
Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND H.Củ Chi, sau khi đọc các bài viết trên Báo Thanh Niên, cũng đã giao một phó chủ tịch UBND phối hợp với công an để chấn chỉnh.
Trước tình trạng “cẩu tặc” lộng hành như Báo Thanh Niên phản ánh, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM) nhìn nhận hiện đối tượng trộm chó không còn lén lút như trước mà chúng ngày càng manh động, sử dụng các phương tiện nguy hiểm như bả chó, thuốc mê, súng kích điện bắn chó, và ngang nhiên lộng hành từ khu vực này đến khu vực khác. Tuy nhiên, tài sản trộm cắp phải từ 2 triệu đồng trở lên mới cấu thành tội trộm cắp tài sản nên hành vi trộm chó rất ít khi bị xử lý hình sự khiến người dân bức xúc, dẫn đến các đối tượng trộm chó ngày càng manh động, táo tợn hơn. Có những đối tượng trộm chó khi bị phát hiện cũng chống trả rất hung hãn, quyết liệt, có những vụ việc xảy ra rất thương tâm, hậu quả nghiêm trọng. Hành vi trộm chó cần xử phạt hành chính nghiêm khắc hơn nữa để làm căn cứ xử lý hình sự nếu còn tái phạm.
Trong khi đó, theo luật sư (LS) Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên mới đủ cơ sở xem xét xử lý hình sự. Tuy nhiên, “việc định giá hiện nay, xem chó là một loại thực phẩm, khoảng 30.000 - 50.000 đồng/kg, một con chó 10 kg chưa đến 500.000 đồng là không công bằng vì chó không chỉ là tài sản mà còn mang ý nghĩa về tinh thần rất lớn”, LS Tú, nhìn nhận và cho rằng, nên thay đổi quan điểm về định giá tài sản là vật nuôi, thú cưng, chim kiểng… để xử lý nghiêm, răn đe loại tội phạm này.
Theo LS Trương Anh Tú, nhiều gia đình nuôi chó cảnh hoặc sở hữu giống chó đắt tiền có giá trị hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Thế nên hệ thống pháp luật cần thiết thực, bổ sung quy định pháp lý giúp người dân chứng minh, khẳng định quyền sở hữu chó, có cơ chế định giá rõ ràng như là tài sản cá nhân bình đẳng như những đồ vật, phương tiện khác để phân xử các tình huống tranh chấp hoặc làm căn cứ khép tội, xử lý hình sự khi tài sản vật nuôi này bị mất trộm. “Trong trường hợp, chó có giấy tờ chứng nhận mua bán có thể xem đây là căn cứ xử lý hình sự mà không cần phải đưa ra định giá, giống như mất vàng bạc, kim cương, đồng hồ giá trị… Hoặc việc định giá phải xác định giá trị theo giá trị thị trường, thì may ra mới dẹp được nạn trộm chó liên tục xảy ra trong hàng chục năm nay và không hề suy giảm”, LS Tú bức xúc.
Đồng quan điểm trên, LS Nguyễn Tri Đức (Đoàn LS TP.HCM) cho hay: “Nhiều vật nuôi có giá trị gắn liền với giá trị tinh thần, công sức, chăm sóc nuôi dưỡng nhưng lại tham chiếu theo giá thị trường kiểu cân ký. Điều này xảy ra bất cập dẫn đến không đủ căn cứ để xử lý hình sự…”. Đồng thời, LS Đức cho rằng: “Nếu các cơ quan tố tụng vẫn áp dụng theo hướng giám định giá trị vật nuôi để làm căn cứ xử lý hình sự đối với hành vi trộm chó thì sẽ là kẽ hở cho loại hình tội phạm này tiếp tục tồn tại. Các cơ quan tố tụng cần có văn bản hướng dẫn quy định hoặc bổ sung luật hóa cụ thể về tội trộm vật nuôi như chó, mèo. Cần quy định cụ thể hơn để truy tố, xử lý nghiêm hành vi trộm chó, mèo theo đơn vị tính từng con vật”, LS Tri Đức nói.
Công an P.Linh Trung (TP.Thủ Đức) kiểm tra cơ sở vào sáng 4.5
ẢNH: TRẦN TIẾN
Ông Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, cho rằng với tình trạng mất an ninh trật tự về nạn trộm chó ở vùng ven như hiện nay thì các cơ quan chức năng địa phương cần tập trung rà soát địa bàn, chú ý các đối tượng thường xuyên mua bán, trộm chó để quản lý chặt chẽ. Trong quá trình tuần tra, phát hiện thì cần có biện pháp xử lý mạnh tay theo quy định pháp luật để giúp người dân yên tâm trong việc giữ gìn tài sản nói chung và vật nuôi nói riêng. Đối với quy định pháp luật về giá trị tài sản để xử lý hình sự đối với trộm chó, các ngành chức năng cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật để tăng mức răn đe. Bên cạnh đó, quá trình xử lý cũng có thể xem xét các yếu tố manh động của đối tượng trộm chó mà xem xét xử lý hình sự. “Nếu trộm một hai con thì chưa quy kết được do giá trị tài sản còn ít, nhưng nếu quay lại tấn công người truy đuổi hoặc chủ vật nuôi dẫn đến thương tích thì hoàn toàn có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Đức nêu quan điểm.
Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND Q.12, cho hay liên quan đến khu vực buôn bán thịt chó ở P.Trung Mỹ Tây, quận đã chỉ đạo tăng cường, kiểm tra, xử lý từ cách đây nhiều năm. Các ngành chức năng của quận vừa tuyên truyền, vừa tuần tra xử lý. Hồi tháng 4.2021, công an quận phối hợp với phường xử lý một vụ việc các đối tượng đang giết mổ chó với số lượng lớn (490 kg) và thu giữ nhiều dụng cụ bắt trộm chó trên địa bàn P.Trung Mỹ Tây. Ông Hiếu nói cái khó của địa phương là quy định pháp luật không cấm các lò mổ hoạt động, nếu đã coi thịt chó là thực phẩm thì sẽ áp dụng luật vệ sinh an toàn thực phẩm để xử lý các cơ sở vi phạm.
Sáng 4.5, nhận được tin trình báo của PV Thanh Niên về một lò mổ chó hoạt động bất minh, Công an P.Linh Trung (TP.Thủ Đức) kiểm tra lò mổ chó tại khu đất trống nằm gần đường Lê Văn Chí (P.Linh Trung) và phát hiện một người đàn ông đang giết mổ chó, phía trong có trang bị máy đánh lông, bình gas khò, lồng sắt… Tại đây, công an phát hiện có 3 con chó đã được giết mổ chuẩn bị đưa ra thị trường, một con chó còn sống. Chủ cơ sở khai mua số chó này trôi nổi trên thị trường. Sau đó, UBND P.Linh Trung lập biên bản về hành vi giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Báo Thanh niên (- PV Trần Tiến)
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50