Tránh thất thoát khi thu hồi, đấu giá đất hai bên đường mới

03/15/2021 09:00:19 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Việc UBND TP.HCM mới đây duyệt đề xuất thu hồi thêm đất ở hai bên công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh cơ sở pháp lý.

Vì lợi ích của xã hội là nên làm

Biện pháp xử lý giá trị đất đai tăng thêm tại các dự án phát triển hạ tầng là thu hồi diện tích đất liền kề công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá. Đó là một trong những nội dung của đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM mà UBND TP.HCM vừa phê duyệt. Vấn đề này được nhiều chuyên gia đồng tình ủng hộ.

Trao đổi với Lao Động, PGS-TS Trần Thị Minh Châu (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng việc thu hồi thêm đất ở hai bên công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá với mục đích phát triển vì lợi ích của xã hội là nên làm, rất công bằng thậm chí các tỉnh thành lớn cần phải quan tâm áp dụng.

Theo PGS-TS Châu, việc này thể hiện sự công bằng giữa người đi và người ở. Đặc biệt, về tính pháp lý không có vi phạm. Bởi lẽ, trong ba mục đích thu hồi đất thì có mục đích vì lợi ích kinh tế xã hội. Theo đó, ở đây mục đích này thể hiện quá rõ là thu tiền về ngân sách nhà nước. Còn về xã hội thì rất công bằng, nếu làm được như vậy rất khó để xảy ra khiếu kiện.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, về pháp lý việc thu hồi đất để đấu giá là rất chuẩn, không vi phạm. Bởi lẽ, theo ông Đính chủ trương để lấy đất đấu giá là phục vụ cho các đại dự án. “Vì cộng đồng, xây dựng 1 quy hoạch, 1 dự án tại đô thị để phát triển văn minh đô thị chứ không phải là 1 con đường riêng lẻ” - ông Đính nhấn mạnh.

Băn khoăn về quy trình đấu giá

Theo ông Đính, việc mở rộng, chỉnh trang hai bên dự án hạ tầng đã được đề xuất thực hiện từ khi Luật Quy hoạch đô thị có hiệu lực vào năm 2010. Tuy nhiên, TP.HCM chưa thực hiện được do không có nguồn lực để bồi thường. Đến giờ này, phải khẳng định rằng thà muộn còn hơn không. TP.HCM phải thực hiện giải pháp này để bảo đảm phân chia lại lợi ích từ việc tăng giá đất sau khi đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị cho chính những hộ diện giải tỏa và quan trọng hơn nữa là có tiền để đầu tư làm đường, xây cầu.

Việc thu hồi thêm đất ở hai bên công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá với mục đích phát triển vì lợi ích của xã hội là nên làm.Việc thu hồi thêm đất ở hai bên công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá với mục đích phát triển vì lợi ích của xã hội là nên làm. Ảnh Văn Đức.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam dẫn chứng khi tuyến đường Xã Đàn (Hà Nội) được xây dựng xong, giá đất trên tuyến đường Xã Đàn rất cao. Các hộ dân hai bên đường được hưởng các đầu tư về hạ tầng đó nhưng Nhà nước không thu được gì sau khi đầu tư. "Không những thế, hệ quả là không tạo ra được một đô thị đẹp, đồng bộ tương xứng với số tiền Nhà nước bỏ ra. Đây là những thiệt hại lớn của Nhà nước” - ông Đính nhấn mạnh.

Trong khi đó, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, đây là chính sách có thể mang lại lợi ích lớn ngân sách cho TP.HCM. Tuy nhiên, vị luật sư này băn khoăn khi thu hồi bán thì đấu giá thế nào, quy trình bán đấu giá ra sao để tránh bán thất thoát.

“Ngoài ra, tiền ngân sách này nộp vào ngân sách hết thì bồi thường cho người dân ra sao. Hay lại bồi thường theo giá Nhà nước ở mức thấp” - ông Tú nhấn mạnh.

Báo Lao động (- PV Cao Nguyên).

http://aodong.vn/bat-dong-san/tranh-that-thoat-khi-thu-hoi-dau-gia-dat-hai-ben-duong-moi-884366.ldo?fbclid=IwAR3vSdpkMCDjtcxQvDWipsi1ExTHMt2302ddPcf7SZeoEtoXAjbkp15wcUM

hotline 0848009668