Trực tuyến: Khan hiếm vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam, tháo gỡ cách nào?

03/25/2021 11:58:23 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Cơ quan chức năng nói gì về những bất cập trong công tác quản lý, khai thác nguồn vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam?

Trực tuyến: Khan hiếm vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam, tháo gỡ cách nào? 1Buổi tọa đàm được tổ chức vào sáng nay (25/3/2021)

Sáng 25/3, Tọa đàm trực tuyến: “Khó khăn vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam: Thực trạng và giải pháp” được Báo Giao thông tổ chức tại tòa soạn số 2 Nguyễn Công Hoan, Hà Nội và Văn phòng đại diện phía Nam, 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP.Hồ Chí Minh.

Các khách mời sẽ cùng trao đổi, trả lời câu hỏi của độc giả để làm rõ thực trạng và các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam- một vấn đề đang được rất quan tâm hiện nay.

Trước đó, dư luận đã rất quan tâm đến loạt bài điều tra: “Trục lợi từ bán vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam” của Báo Giao thông, phản ánh về tình trạng 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang triển khai đồng loạt gặp phải tình trạng khó khăn về vật liệu thi công, đặc biệt là nguồn vật liệu đất đắp nền đường.

Thủ tướng Chính phủ sau đó đã có văn bản giao Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đánh giá và có giải pháp phù hợp

Các khách mời tham gia tọa đàm gồm:

Ông Lê Quyết TiếnPhó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT

Ông Lại Hồng ThanhPhó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản - Bộ TN&MT

Ông Hoàng Cao PhươngVụ trưởng Vụ Khoáng sản Tổng cục Tổng cục Địa chất và Khoáng sản - Bộ TN&MT

Ông Thái Duy SâmTổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam

Bà Vũ Thị Thanh Vân, Đại diện Ban QLDA Thăng Long

Ông Đỗ Quang Hưng, Đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh

Ông Vũ Thanh HùngTrưởng phòng Kinh tế và VLXD Sở Xây dựng Quảng Ninh

Đại diện Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Xuân HảiPhó Tổng giám đốc Tổng công ty Thăng Long

Đại diện nhà thầu thi công dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và Phan Thiết – Vĩnh Hảo

Ông Võ Hoàng AnhĐại diện Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI)

Luật sư Trương Anh TúChủ tịch TAT Law firm

Ông Hoàng Tuấn KhoátPhó Giám đốc Ban QLDA 7

Độc giả quan tâm có thể gửi câu hỏi về cho các khách mời qua hộp thư: bandoc@baogiaothong.vn hoặc gửi qua phần bình luận dưới bài viết này.

Trực tuyến: Khan hiếm vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam, tháo gỡ cách nào? 2

Các khách mời tham gia tọa đàm

Trước tiên, để rõ hơn tình trạng khó khăn về vật liệu tại các dự án cao tốc Bắc – Nam đang triển khai thi công hiện nay, xin ông Lê Quyết Tiến cho biết về nhu cầu sử dụng vật liệu tại các dự án cao tốc Bắc – Nam?

-Ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 bao gồm 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh với tổng chiều dài khoảng 653km.

Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, nhu cầu vật liệu đất đắp (sau khi đã điều phối vật liệu dọc tuyến) cho toàn bộ 11 dự án khoảng 52 triệu m3.

Trực tuyến: Khan hiếm vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam, tháo gỡ cách nào? 3

Ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT

Cụ thể, dự án Mai Sơn – QL45 nhu cầu 7 triệu m3, Nghi Sơn – Diễn Châu 4,5 triệu m3, Diễn Châu - Bãi Vọt 7,1 m3, Nha Trang Cam Lâm 5,3 triệu m3.

Hiện có 6/11 dự án đang triển khai. Trong đó, 3 dự án Cao Bồ- Mai Sơn, Cam Lộ- La Sơn và Cầu Mỹ Thuận 2 cơ bản hoàn thành phần đất đắp nên cơ bản không vướng các vấn đề liên quan đến vật liệu.

Ba dự án còn lại là Mai Sơn - QL45, Mỹ Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết- Dầu Giây bắt đầu xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu.

Nếu không nhanh chóng cấp phép lại cho các mỏ đã hết hạn thì nguy cơ thiếu vật liệu là điều hiện hữu.

Theo quy luật cung cầu, trước khi triển khai dự án, nhu cầu không có, giá vật liệu theo địa phương công bố. Khi có dự án, nhu cầu lớn, dẫn đến khan hiếm nên xảy ra hiện tượng đẩy giá vật liệu lên cao.

Theo tôi, buổi toạ đàm này là rất cần thiết để rộng đường dư luận, các cơ quan đơn vị nắm được thực trạng và đặc biệt là có sự hỗ trợ của địa phương nhằm hoàn thành tiến độ dự án theo yêu cầu.

Theo số liệu khảo sát mỏ vật liệu của các đơn vị Tư vấn thiết kế, tổng số lượng mỏ cung cấp cho 11 dự án khoảng 143 mỏ. Trong đó bao gồm 81 mỏ đang khai thác (tổng trữ lượng khoảng 63,2 triệu m3), 12 mỏ đã hết thời hạn khai thác đang chờ gia hạn (tổng trữ lượng 28,8 triệu m3) và 82 mỏ trong quy hoạch nhưng chưa cấp phép khai thác (tổng trữ lượng khoảng 101,3 triệu m3), đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu vật liệu đất đắp cho toàn bộ 11 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Thưa bà Vũ Thị Thanh Vân, bà có thể thông tin về nhu cầu sử dụng vật liệu tại dự án cao tốc Mai Sơn – QL45 và Phan Thiết – Dầu Giây?

Bà Vũ Thị Thanh Vân - Đại diện Ban QLDA Thăng Long: Ban QLDA Thăng Long được giao làm chủ đầu tư hai dự án cao tốc, gồm: Dự án Mai Sơn - QL 45 cần 7 triệu m3 đất và dự án Phan Thiết - Dầu Giây cần 5 triệu m3 vật liệu. Khi lập dự toán mời thầu thì Ban và bên tư vấn đã khảo sát thực trạng ở địa phương, trong bước này đã có mỏ được cấp phép, một số mỏ được quy hoạch theo quy định.

Trực tuyến: Khan hiếm vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam, tháo gỡ cách nào? 4

Bà Vũ Thị Thanh Vân, Đại diện Ban QLDA Thăng Long

Chúng tôi cũng có tham khảo giá vật liệu đất đắp do địa phương công bố. Tuy nhiên hiện còn tỉnh Thanh Hóa đến nay chưa có báo giá.

Theo quy tắc và tham khảo giá tại khu vực lân cận và so sánh, chúng tôi đã chọn giá tối ưu. Tuy nhiên hiện trong quá trình triển khai, vật liệu đội giá lên nhiều so với thời điểm khảo sát.

Ngay khi nhận được phản hồi, Ban đã làm việc với địa phương để tháo gỡ. Chúng tôi mong địa phương phê duyệt các mỏ đã quy hoạch và có biện pháp quản lý giá nguyên vật liệu.

Thưa ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban QLDA 7, thực trạng nguồn cung vật liệu đối với các dự án do Ban triển khai hjiện ra sao?

Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban QLDA 7: Trong quá trình triển khai dự án, đơn vị có làm việc với các chủ mỏ về rà soát lại chất lượng, lắp đặt thêm thiết bị công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm. Riêng đối nguồn vật liệu cát xây dựng, chúng tôi có nhu cầu 0,6 triệu m3, là nguồn lấy từ sông Dinh, Ninh Thuận. Sắp tới đây khi triển khai dự án thành phần đoạn Cao Lâm – Vĩnh Hảo thì khả năng nguồn cát bê tông sẽ có thể tăng giá và tăng giá một cách đột biến.

Hiện nhu cầu toàn dự án cần 8 triệu m3 vật liệu. Trong khi đó, thực trạng hiện nay các mỏ đã được cấp phép khai thác chỉ được khoảng hơn 1 triệu m3. Như vậy nguồn cung cấp đang thiếu nghiêm trọng. Hiện nay địa phương đang tổ chức đấu giá và khả năng sắp tới đây các mỏ đáp ứng được nhu cầu của dự án khoảng hơn 4 triệu m3 nếu tính cả 3 nguồn: các mỏ đã có đủ giấy phép khai thác, các mỏ đã chuẩn bị hoàn thiện giấy phép khai thác và các mỏ mới đấu giá.

Trực tuyến: Khan hiếm vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam, tháo gỡ cách nào? 5

Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc Ban QLDA 7

Theo tính toán thì thời gian hoàn thiện cấp phép một mỏ khoảng 6 – 8 tháng. Trong khi đó tiến độ chúng tôi vạch ra từ nay đến cuối năm 2021 phải hoàn thiện toàn bộ tuyến đường với tổng nhu cầu khoảng 8 triệu m3 vật liệu. Vì thế, khả năng bị chậm tiến độ rất lớn nếu không có giải pháp căn cơ.

Theo tính toán, với bình quân 8 triệu m3 trong thời gian còn lại thì mỗi tháng cần 90.000 m3, cá biệt có những tháng cao điểm phải cần 2 triệu m3 đất. Một ngày phải có 150 - 300 xe/mỏ, khoảng 2 – 5 phút có 1 xe xuất phát từ mỏ, do đó trên lý thuyết là hoàn toàn phá sản nếu không đa dạng hóa được nguồn cung ứng.

Trước thực trạng này chúng tôi đã làm việc và kiến nghị địa phương, là đối với những mỏ hiện nay đã khai thác thì xem xét cấp phép và nâng công suất các mỏ. Những mỏ đang hoàn thiện thủ tục cấp phép thì xem xét rút ngắn quy trình, nếu vượt thẩm quyền thì địa phương phải có kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan xem xét tháo gỡ.

Ngoài ra, với những mỏ mới đấu giá cũng phải tiếp tục rút ngắn và đặc biệt đối với những mỏ chúng tôi đã kiến nghị bổ sung vào quy hoạch thì có thể tỉnh xem xét và kiến nghị áp dụng cấp phép khai thác không thông qua đấu giá theo Nghị định 158.

Khó khăn rất nhiều, nhưng điều cốt lõi cần phải đa dạng hóa nguồn cung ứng mới đảm bảo tiến độ dự án.

Đối với các dự án mà Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đang quản lý thì sao, thưa ông Đỗ Quang Hưng?

Ông Đỗ Quang Hưng – Đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh: Tại dự án cao tốc phía Đông, chúng tôi đang quản lý hai dự án Cam Lộ - La Sơn và Nha Trang - Cam Lâm. Hiện cả hai dự án đang triển khai thi công.

Theo tính toán, dự án Cam Lộ - La Sơn cần 1,8 triệu m3 vật liệu, trong đó các mỏ đã có giấy phép đang khai thác cung cấp hơn 400 nghìn m3. Như vậy, dự án thiếu khoảng 1,3 triệu m3.

Vướng mắc nhất với 1,3 triệu m3 này hiện nay là thủ tục cấp phép khai thác mỏ rất chặt chẽ. Ban đã phối hợp với địa phương khai thác hai mỏ nhưng việc cấp phép vẫn chậm nên ảnh hưởng công tác triển khai, thi công. Dự án đang sử dụng đất nhưng khi hết thì có lẽ phải chờ khoảng 6 tháng sau, tiến độ sẽ chậm.

Hai là dự án Nha Trang - Cam Lâm đang triển khai, tư vấn đang tính toán nhu cầu cần 5,5 triệu m3, các mỏ đang khai thác cấp được 2,49 m3 và thiếu khoảng 3 triệu m3. Dự án này chưa triển khai nhưng khi thực hiện chắc chắn sẽ thiếu.

Về giá, ban đầu cũng bị đội. Khi chúng tôi làm việc với địa phương thì địa phương cũng có biện pháp bình ổn nên giá cũng giảm dần. Theo quan điểm của Ban thì vướng nhất của dự án Nha Trang - Cam Lâm là thủ tục cấp phép của tất cả các địa phương kéo dài, quy trình chặt. Vì vậy chúng tôi rất mong có cơ chế đẩy nhanh quy trình cấp phép này.

Dự án Cam Lộ - La Sơn cũng chỉ 2 - 3 tháng nữa khi đất tận dụng hết cũng sẽ thiếu vật liệu, có thể giá vật liệu cũng sẽ bị đẩy lên cao.

Một bạn đọc vừa gửi câu hỏi dành cho ông Võ Hoàng Anh – đại diện TEDI: Theo số liệu được các đơn vị tư vấn cung cấp, rõ ràng, trữ lượng các mỏ vật liệu được quy hoạch tại các địa phương hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu phụ vụ thi công cao tốc các dự án cao tốc Bắc – Nam. Vậy tại sao khi các dự án bắt tay vào triển khai thi công lại xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu như hiện nay? Phải chăng số liệu của các đơn vị tư vấn đưa ra không chính xác?

Ông Võ Hoàng Anh, đại diện Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI): Trước khi trả lời câu hỏi của bạn đọc, cho phép tôi nêu một số quan điểm liên quan: Vấn đề khan hiếm vật liệu nếu không có giải pháp căn cơ thì không chỉ riêng dự án cao tốc Bắc - Nam, mà tất cả các dự án trọng điểm khác cũng sẽ vướng vào tình trạng khó khăn này.

Trực tuyến: Khan hiếm vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam, tháo gỡ cách nào? 6

Ông Võ Hoàng Anh, đại diện Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI)

Về quy trình khảo sát thiết kế, phải khẳng định không riêng chúng tôi mà các đơn vị khác cũng đã làm đúng trách nhiệm đảm bảo tính khả thi để triển khai dự án.

Tuy nhiên thực tế không giống như lúc chuẩn bị. Nhiệm vụ khảo sát về vị trí chất lượng, trữ lượng, khối lượng tại các dự án từ cơ quan quản lý của Bộ tới ban quản lý dự án, chủ đầu tư đã thẩm định rất kỹ, khẳng định không thiếu vật để thi công dự án Bắc - Nam và các dự án khác.

Bởi đất nước ta ¾ là đồi núi phân bố khắp chiều dài đất nước, không thể thiếu được vật liệu. Nhưng tại sao lại đang thiếu cục bộ? Ở đây liên quan đến vấn đề quản lý, thực thi.

Việc thiếu hụt ở một số mỏ vật liệu đang khai thác là sự thực. Nguyên nhân là do nhu cầu lớn, trong khi thời gian thực hiện ngắn. Ở đây đòi hỏi phải có giải pháp ở tầm vĩ mô. Tiến độ đắp nền chỉ trong 3- 4 tháng, rất gấp, trong khi quy trình cấp phép mỏ ít nhất phải mất 6 tháng tới hơn 1 năm. Bản thân các nhà thầu có lẽ cũng chưa lường được, vì thế cần phải có tiếng nói mạnh mẽ.

Khi đấu thầu, các nhà thầu đi khảo sát thực tế thì nguồn cung ứng vật liệu diễn ra bình thường. Bản thân chủ mỏ, địa phương cũng chưa lường được việc dự án cần cả triệu m3 mới đủ cung ứng, tức là khoảng 200-300 nghìn khối/ngày.

Có thể khẳng định, về phần khảo sát trữ lượng, chất lượng là đảm bảo và việc khan hiếm vật liệu chỉ thiếu cục bộ chứ không phải diện rộng.

Thời gian vừa qua, tìm hiểu của Báo Giao thông các nhà thầu thi công tại các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, để có vật liệu thi công, cụ thể ở đây là nguồn đất đắp, nhiều nhà thầu đã phải mua đất với mức giá cao gấp 2 – 3 lần so với mức giá trong hồ sơ mời thầu được xây dựng trên cơ sở cập nhật từ thông báo giá của chính quyền các địa phương ban hành. Là một trong những nhà thầu tham gia thi công dự án, ông Nguyễn Xuân Hải có thể chia sẻ về những bất cập về nguồn vật liệu hiện nay?

Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thăng Long: Đối với 2 dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, ngay sau khi trúng thầu, có quyết định khởi công, nhà thầu đã phải huy động nhân lực và thiết bị sẵn sàng đáp ứng tiến độ.

Trực tuyến: Khan hiếm vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam, tháo gỡ cách nào? 7

Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thăng Long

Trong quá trình đấu thầu, dù đã đi khảo sát đánh giá trữ lượng nhưng thực tế trữ lượng không đúng với trữ lượng còn lại ghi trên giấy phép khai thác của mỏ. Cụ thể dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tổng nhu cầu đất đắp 1,8 triệu m3, dự kiến phải mua ngoài 1,2 triệu m3. Tuy nhiên khi đánh giá lại phải đi mua tới 1,5 triệu m3 đất đắp. Tại huyện Tuy Phong, Bình Thuận chỉ có 2 mỏ khai thác đá, gần như không còn đất đắp. Tình trạng này đã đẩy giá thành vật liệu cung cấp cho dự án rất cao, như Báo Giao thông phản ánh, nhiều nơi tăng gấp 3 lần còn không có mà mua!

Đặc biệt tại Đồng Nai, gói thầu số 4 được quy hoạch cho 3 mỏ nhưng gần như chưa được cấp phép khai thác hoặc mỏ đang khai thác thì lại sắp hết hạn.

Tình trạng thiếu hụt vật liệu như vậy ảnh hưởng tới tiến độ dự án ra sao, nhà thầu có nhận được hỗ trợ từ phía chính quyền và cơ quan quản lý?

Ông Nguyễn Xuân Hải: Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 7 gần như tháng nào cũng họp kiểm điểm tiến độ để tìm mọi giải pháp tháo gỡ. Cuối tháng 12/2020 và đầu tháng 3/2021, đoàn công tác Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai để tháo gỡ. Hai tỉnh đã tổ chức khảo sát lại thực tế trữ lượng các mỏ, tuy nhiên tới thời điểm này vẫn chưa tháo gỡ được khâu cấp phép và gia hạn khai thác mỏ.

Với tình trạng chênh lệch giá vật liệu như vậy thì việc thanh quyết toán dự án sau này sẽ như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Hải: Hợp đồng cao tốc Bắc - Nam là hợp đồng có điều chỉnh giá, trong đó có nhóm vật liệu đất đắp. Tuy nhiên, dù có được điều chỉnh cũng không thể đảm bảo cân bằng giữa giá thực tế và giá điều chỉnh, gây thiệt hại lớn cho nhà thầu thi công.

Về hiện tượng chủ mỏ bắt tay nâng giá trục lợi, ông có thêm ý kiến gì không?

Ông Nguyễn Xuân Hải: Tôi không có ý kiến gì về vấn đề này.

Xin hỏi đại diện nhà thầu thi công dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và Phan Thiết – Vĩnh Hảo, tại các dự án này, nguồn cung vật liệu hiện ra sao, giá cả thế nào?

Đại diện nhà thầu thi công dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và Phan Thiết – Vĩnh Hảo: Tại dự án của chúng tôi, hiện còn 1,8 triệu m3 nữa chưa biết tìm ở đâu. Hiện nguồn vật liệu này hoàn toàn phụ thuộc đất bên ngoài. Hiện nay tại Đồng Nai ngoài các mỏ vật liệu đã thực hiện theo quy hoạch và hồ sơ mời thầu chúng tôi cũng tìm kiếm các mỏ khác nhưng chỉ ký được duy nhất 1 mỏ, còn thiếu hơn 1 triệu m3 chưa biết tìm đâu.

Hiện nay với các mỏ đang quy hoạch trên các khu vực gói thầu thì có 4 mỏ đã được giao cho người dân, nếu tổ chức đấu giá theo đúng Luật khoáng sản, phải thu hồi toàn bộ đất đó thì không làm được. Đó là mỏ theo quy hoạch và hồ sơ mời thầu thì hoàn toàn bế tắc.

Như vậy nếu tháng 6 này, nếu không bù đắp được 80% thì nguy cơ vỡ trận rất cao, không còn cách nào tháo gỡ. Chúng tôi đã báo cáo Ban QLDA Thăng Long và Bộ GTVT, đó là khó khăn quá lớn của nhà thầu.

Thiệt hại cho chúng tôi rất lớn. Hàng trăm đầu thiết bị, hàng trăm con người, hết tháng 3 hết đất điều phối thì chỉ nằm chờ và chưa biết chờ tới khi nào có thể thi công tiếp.

Đồng Nai đã xin phép các bộ ngành rút ngắn thời gian cấp phép mỏ vật liệu. Hiện nay, quy trình cấp phép nhanh là 6-8 tháng một giấy phép, có cái 2 năm mới cấp xong một mỏ nên tiến độ không đáp ứng được.

Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị cho tận thu đất dọc tuyến đạt yêu cầu tại các gò đồi cao của dân để cho phép khai thác bán cho nhà thầu thi công. Hiện văn bản số 290 Đồng Nai gửi Thủ tướng Chính phủ chưa được giải quyết. Nếu vậy, không biết đến bao giờ vì nó liên quan tới nhiều bộ ngành.

Ngoài ra, các dự án khác tại Bình Thuận nhu cầu 3,2 triệu m3, thì mới ký được với một mỏ 100 ngàn khối. Các mỏ có khó khăn, chúng tôi họp với chủ tịch tỉnh và có ý kiến về việc các mỏ không hợp tác với nhà thầu, không cấp hồ sơ pháp lý để chúng tôi trình với chủ đầu tư. Khi có ý kiến của tỉnh thì mới có một vài mỏ hợp tác. Vậy làm sao thương thảo được.

Hiện nay tại Bình Thuận, qua khảo sát, các mỏ nhiều, đã khai thác hàng chục năm nhưng trữ lượng vẫn lấy như con số ghi khi được cấp phép nên thực tế thì không còn đất khai thác.

Các gói thầu tại Bình Thuận có đấu thấu được mỏ đất gần, nhưng sau 4 tháng chưa tiến triển trong cấp phép. Đó là bất cập trong cấp phép khai thác mỏ. Chúng tôi cứ nghĩ là thuận lợi nhưng sự thực không phải vậy. Chúng tôi làm việc với tỉnh, 6 tháng sau đấu thầu nếu không cấp phép thì mới hủy đấu thầu. Nhưng hủy đấu thầu thì không biết bao giờ mới đấu thầu lại được.

Hiện tượng khan hiếm vật liệu có phải là hiện tượng bất thường?

Trước đây chưa có Luật Khoáng sản thì việc cung cấp đất cho dự án tương đối thuận lợi, nhưng nay các địa phương vướng cấp phép mỏ.

Chúng tôi có tham khảo, như Quảng Ninh có cách làm hay, tại Vân Đồn, Móng Cái các mỏ cấp phép và chỉ bán cho dự án đó. Sau khi hết dự án thì địa phương thu hồi. Chúng tôi đã đề xuất phương án này với dự án Phan Thiết nhưng chưa được chấp nhận.

Theo ông có tình trạng bắt tay nâng giá vật liệu hay không?

Ít nhiều có việc đó, nói thật là công trường chưa mở, mỏ được bán cho dân với mức giá vừa phải, nhưng khi đại công trưởng mở ra thì là cơ hội lớn cho họ làm ăn. Việc bắt tay, nâng giá là có...

Theo phản ánh của các nhà thầu, thực tế các địa phương không thiếu mỏ vật liệu. Hiện theo quy định, Chính phủ giao cho chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm cấp phép mỏ. Tuy nhiên, nhiều địa phương hiện nay chủ yếu cấp cho tư nhân khai thác nên mỗi chủ mỏ bán với một giá khác nhau. Thậm chí có tình trạng bắt tay nhau găm hàng đẩy giá cao, khiến các nhà thầu phải mua với giá cao hơn rất nhiều so với hồ sơ mời thầu khiến họ thiệt hại rất lớn. Xin hỏi đại diện Sở TN&MT Thanh Hoá, nhiều nhà thầu dự án Mai Sơn - QL45 cho rằng khó khăn về nguồn vật liệu ở Thanh Hoá. Tỉnh đã có giải pháp gì?

Đại diện Sở TN&MT Thanh Hoá: Về tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua Thanh Hoá có 3 dự án: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu.

Dự án Mai Sơn – QL45 đã khởi công, đến nay có khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là vật liệu san lấp. Theo tính toán của Ban QLDA Thăng Long là cần hơn 6 triệu m3 đất cho dự án này. Tuy nhiên, hiện các mỏ đã cấp phép trên địa bàn chỉ có công suất 1,9 triệu m3/năm. Do đó, nếu chỉ dựa vào các mỏ cấp phép thì thiếu hụt rất nghiêm trọng.

Giải pháp Sở TN&MT tỉnh đưa ra là thông tin đến các chủ mỏ, đề nghị chủ mỏ đã được cấp phép gửi hồ sơ lên Sở TN&MT để được xem xét nâng công suất. Còn những mỏ nằm trong quy hoạch đã phê duyệt sẽ ưu tiên đẩy nhanh tốc độ cấp phép.

Chúng tôi đã phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra các mỏ mà Ban QLDA Thăng Long đề xuất, gồm 16 mỏ nằm dọc tuyến để đề xuất không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, quy trình cấp phép vẫn có thể kéo dài 6 – 8 tháng. Đây là vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Về giá vật liệu, có ý kiến cho rằng trước đây khảo sát giá thấp, giờ cao hơn. Ở địa phương, giá vật liệu do Sở Xây dựng và Sở Tài chính quản lý. Hàng quý, hai Sở này đều có thông báo giá, chúng ta có thể lấy giá đó để lập dự toán.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các Sở ban ngành để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng cho dự án cao tốc Bắc - Nam. Bộ GTVT, Bộ TN&MT đã có rất nhiều chỉ đạo. Chiều nay, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng họp với tỉnh Thanh Hoá để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn nguyên vật liệu.

Như ông vừa nói, thủ tục cấp phép mỏ rất lâu? Vì sao như vậy?

Thủ tục cấp phép mỏ khoáng sản phải theo quy định, phải phù hợp với quy hoạch chung… Trình tự chỉ có thể ngắn hơn ở công đoạn thăm dò.

Nhưng thực tế ở Thanh Hoá, dọc tuyến dự án cao tốc Bắc - Nam đã có 30 mỏ đất được cấp phép, công suất hiện chưa đáp ứng, nhưng các nhà thầu có đề xuất nâng công suất khai thác. Thủ tục nâng công suất chỉ mất 30- 45 ngày. Theo thông tin của chúng tôi các mỏ này đều có trữ lượng lớn, đảm bảo nâng công suất.

Ngoài ra, các chủ đầu tư và đơn vị thi công cứ nói khan hiếm vật liệu. Nhưng gần đây nhất ngày 19/3, chúng tôi đi khảo sát mỏ dọc tuyến. Các chủ mỏ cho biết không nhận được đề xuất của nhà thầu thi công. Không hiểu do vướng mắc ở đâu mà nhà thầu chưa làm việc với chủ mỏ để lấy nguyên liệu.

Vậy có tình trạng nhà thầu phải mua vật liệu cho dự án cao gấp 2 – 3 lần bình thường ở Thanh Hoá không? Nếu giá vật liệu bị đẩy lên thì trách nhiệm chính thuộc về đơn vị nào?

Trình tự cấp phép của Thanh Hoá cũng giống như các tỉnh khác thôi. Thủ tục như nhau. Việc quản lý giá, là theo Luật Giá, khoáng sản vật liệu xây dựng không không thuộc danh sách bình ổn giá. Chúng tôi khi nhận thông tin thì có đề xuất tỉnh kiểm soát giá, không để nâng giá để ảnh hưởng dự án trọng điểm của cả nước.

Thực tế chúng tôi đã yêu cầu chủ mỏ báo cáo hoạt động hàng tháng, chủ mỏ báo cáo lại là giá chưa vượt quá giá trong bảng giá là 49 nghìn/m3. Chủ mỏ ở Thanh Hoá mới bán giá 25 – 30 nghìn/m3. Nhà thầu thi công nói giá 70 nghìn/m3 không hiểu là ở vùng nào, chứ ở Thanh Hoá vùng nào chất lượng rất tốt chỉ có 35 nghìn/m3.

Trong khi các dự án cao tốc Bắc Nam đang gặp nhiều khó với tình trạng khan hiếm và đội giá vật liệu do các địa phương trao quyền khai thác các mỏ tài nguyên cho tư nhân để các chủ mỏ thao túng giá, tỉnh Quảng Ninh lại có cách làm rất khác khi cấp thẳng mỏ vật liệu cho chủ đầu tư dự án, không phải qua đấu giá. Việc này vừa đáp ứng đủ nguồn cung vật liệu cho công trình, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, không bị đội giá vô tội vạ. Xin hỏi ông Vũ Thanh Hùng, vì sao Quảng Ninh lại có cách làm trái ngược với các địa phương khác như vậy, việc này mang lại hiệu quả ra sao, thưa ông?

Ông Vũ Thanh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế và VLXD Sở Xây dựng Quảng Ninh: Trên địa bàn Quảng Ninh, hàng năm nhu cầu vật liệu xây dựng lên đến 130 triệu m3/năm. Nhưng ở Quảng Ninh, trữ lượng đất đá san lấp rất lớn. Bãi thải ngành than hàng năm đổ thải 150 triệu tấn. Chúng tôi đang báo cáo lấy khối lượng này làm vật liệu san lấp. Ngoài ra, chúng tôi có nhiều đồi núi và đang khai thác với trữ lượng 500 triệu m3.

Năm 2019, Quảng Ninh có quy định riêng là tất cả mỏ cấp trực tiếp cho chủ đầu tư để khai thác mà không cấp qua đơn vị trung gian. Vì thế mà không có tình trạng nâng giá.

Bộ TN&MT đã hướng dẫn chúng tôi đề nghị thực hiện theo đúng quy định của Luật Khoáng sản. Chúng tôi đã đưa tất cả vị trí mỏ vào quy hoạch, khoanh khu vực đấu giá và không đấu giá. Cả hệ thống chính trị của Quảng Ninh đều vào cuộc, thủ tục ở Quảng Ninh nhanh hơn các tỉnh khác.

Như dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, nhu cầu hơn 1 triệu m3 vật liệu xây dựng. Chúng tôi cấp phép khai thác cho 20 vị trí mỏ. Khi phê duyệt dự án, chúng tôi triển khai song song thủ tục cấp phép mỏ nên đáp ứng tiến độ,

Chúng tôi cũng có khó khăn trong thủ tục. Mà thủ tục theo Luật Khoáng sản, nếu lần lượt thì phải mất 6 tháng trong khi khai thác thì chỉ 1 – 2 tháng đã xong. Nhân có anh Lại Hồng Thanh ở đây, đề nghị anh chia sẻ với địa phương về câu chuyện giảm thủ tục hành chính. Chúng tôi thấy việc khai thác mỏ đất thì đơn giản, thời gian thi công nhanh, mong anh có hướng dẫn để địa phương đẩy nhanh tiến độ,

Về giá, như các ý kiến vừa nêu, khi nhu cầu tăng cao mà cung không đáp ứng đủ, có công bố giá của Sở Xây dựng nhưng người ta không bán theo giá công bố, thì hiện không có cơ chế nào bắt người ta bán theo giá công bố.

Để đáp ứng giá theo thị trường theo tôi, vấn đề là đảm bảo nguồn cung.

Về cơ sở pháp lý, khi Quảng Ninh triển khai có khó khăn gì không, thưa ông?

Thời điểm đầu chúng tôi giao trực tiếp cho chủ đầu tư, không giao cho tư nhân, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã trao đổi là không đúng Luật Khoáng sản. Bộ TN&MT sau đó có văn bản hướng dẫn khai thác đất phải theo Luật Khoáng sản.

Từ đó đến giờ chúng tôi triển khai đúng như thế, cấp cho chủ đầu tư và cả tư nhân. Với dự án lớn, chúng tôi giao chủ đầu tư phải khảo sát vị trí mỏ.

Theo Báo giao thông.

http://toa-dam-truc-tuyen-ve-vat-lieu-lam-cao-toc-bac-nam-d500284.html?fbclid=IwAR2A7KpfT1Punz3eDJfmNwDAnaeWhJhTqvIOWj4PIP-AmggvMC8G5r0Ya74

Gửi bình luận:

hotline 0848009668