Tư duy phản biện trong hoạt động của người hành nghề luật sư

09/13/2024 17:07:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

(LSVN) -  Bài viết phân tích bản chất của tư duy phản biện, sự cần thiết và tầm quan trọng của tư duy phản biện đối với hoạt động hành nghề của luật sư.

Ảnh minh hoạ.

Hoạt động của luật sư với tính cách một nghề, theo quy định tưởng như đơn giản, bởi ngoài những tiêu chuẩn về thái độ, ý thức chính trị như mọi công dân, hay nhân viên nhà nước, người luật sư chỉ cần có bằng cử nhân luật, có chứng chỉ hành nghề và đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, khi nghiên cứu, phân tích chu đáo và theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định và nhu cầu sống cho thấy, nếu luật sư chỉ có những “tiêu chuẩn cứng”(1) theo quy định, họ khó mà được xã hội tin tưởng, dựa vào để tìm sự hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Vậy ngoài tiêu chuẩn cứng như trên người luật sư cần hội đủ những tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu nào để hành nghề và có uy tín xã hội và mục đích của đời sống? Ngay trong quy định pháp lý trong Luật Luật sư đã mở ra nhận thức, rằng luật sư cần thêm những năng lực, tố chất cần thiết nếu họ muốn có vị trí trong đội ngũ những người bảo vệ khách hàng có bản lĩnh, uy tín và được sự tin tưởng. Khoản 4 Điều 5 Luật Luật sư hiện hành quy định luật sư có quyền “sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng”.

Vậy các biện pháp ở đây là gì? Sự linh hoạt, chọn lý lẽ đúng lúc, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh liệu có phải là biện pháp không? Câu trả lời là có. Vì biện pháp cũng tương đồng với giải pháp xử lý vụ việc một cách hiệu quả nhất có thể. Hơn nữa, ngoài những gì thuộc về biện pháp, pháp luật còn gợi ra một yếu tố liên quan đến phương thức tính toán chi phí vật chất của thân chủ trả cho luật sư bảo vệ họ. Mục c khoản 1 Điều 55 Luật Luật sư quy định căn cứ để tính thù lao thân chủ trả cho luật sư là “kinh nghiệm và uy tín” của họ. Kinh nghiệm và uy tín của luật sư thể hiện trong hành nghề của họ ra sao, là gì? Kinh nghiệm phải là có thời gian và số lượng vụ việc họ trải nghiệm. Uy tín là chất lượng và hiệu quả các vụ việc mà luật sư đã thể hiện có lợi cho thân chủ, được thân chủ mến mộ, tin tưởng, được lan tỏa trong xã hội.

Trong những mặt về năng lực tạo ra uy tín và kinh nghiệm, đối với luật sư họ phải thể hiện ra thành lời nói thông qua sự diễn đạt có tính vật chất, kèm theo các yếu tố thông tin khách quan, xác thực, các mặt hình thức, thần thái bề ngoài của họ.

Những gì người luật sư nói ra bằng lời trong các phiên tòa họ bảo vệ thân chủ, tác giả cho rằng đó là kết quả của hoạt động nhận thức sắc sảo, thể hiện ra cái gọi là “tư duy phản biện” của những luật sư có năng lực và kinh nghiệm. Lời nói (ngôn ngữ) là sự vật chất hóa, là công cụ của tư duy. Lời nói và suy nghĩ thể hiện như mặt hiện tượng và bản chất của nhận thức. Không có tư duy thì lời nói trở thành trống rỗng; không có lời nói thì tư duy chỉ là tự nhận thức, không có giá trị xã hội; không phản ánh mục đích của nhận thức. Tuy duy sắc sảo thông thường đã là giá trị. Nhưng tư duy phản biện rất cần thiết đối với công việc của luật sư.

Vậy tại sao tư duy phản biện là cần thiết cho những luật sư? Hãy phân tích việc hành nghề của họ trong các phiên tòa. Tại đó, luật sư là người bảo vệ cho thân chủ của mình khi thân chủ của họ bị bủa vậy trước những sự lên án (như của bên khởi kiện họ), sự quy kết, sự phán quyết bất lợi cho họ, cho dù đó là thẩm quyền và không sai quy định pháp luật. Muốn bênh vực cho thân chủ, luật sư ngoài việc tìm hiểu, thu thập thông tin, cẩn chuẩn bị đưa ra những lập luận phân tích, giải trình, biện luận hay phản bác bằng những lý lẽ và khả năng thuyết phục. Những cách như thế phần lớn dựa vào tư duy phản biện.

Bản chất của tư duy phản biện

Tư duy thuộc về ý thức, nhận thức, nhưng là nhận thức lý tính. Nó khác với nhận thức trực quan, bề ngoài về đối tượng (của nhận thức). Từ nhận thức trực quan cảm tính, bề ngoài, tư duy hướng tới việc tìm ra cái cốt lõi bản chất của sự vật, hiện tượng hay tình huống. Đó là sự suy ngẫm, suy xét, có tính gián tiếp, đi tìm bản chất sự vật, đề cập lộ trình từ trực quan đến sự khái quát, tìm ra cái chung, cái sâu sắc. Nó thuộc lao động trừu tượng. Trong thực tiễn đời sống và nhận thức của con người, sự đan xen giữa trực quan sinh động và tư duy trừu tượng là một phần của hoạt động nhận thức, phát triển tư duy và phát hiện những thay đổi, vận động của đời sống.

Hoạt động qua tư duy có mục đích làm sâu sắc hơn, tìm ra cái căn cốt của các hiện tượng đã tiếp xúc để nhận ra cái thuộc tính, cái liên hệ hữu cơ từ các hình ảnh hay cảm xúc. Thiếu tư duy, rất có thể dẫn tới sai lầm từ hiện tượng cảm tính. Do con người là các thực thể khác nhau về nhiều mặt, nên họ có khả năng và phương thức nhận thức không giống nhau. Vì thế có thể cùng văn cảnh, tình huống, cùng một hình ảnh, hình tượng nhưng nhận thức của mỗi người không giống nhau.

Có thực trạng như thế là do mỗi cá thể là một thực thể độc lập cao, có những yếu tố tương đồng và khác biệt. Chính sự khác biệt tạo ra những kết luận khác nhau của nhận thức ở mỗi cá nhân. Cái đó làm tăng thêm sự đa dạng sinh động trong đời sống. Vậy nên, cùng một tình huống, hoàn cảnh mà mỗi người hay mỗi nhóm người (như buộc tội và gỡ tội trong hoạt động tư pháp) có những cách nhìn, khả năng phân tích và kết luận khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Tính phong phú trong nhận thức và kết quả còn không phụ thuộc vào năng lực hay sự thông minh để cho rằng, càng thông minh thì nhận thức càng chính xác, nhất là trong các quan hệ trong xã hội. Khi nhận thức về những sự kiện xã hội, như cái tốt và cái xấu, một khi nó có liên hệ với những quan hệ khác nhau, cảm xúc, tính cách, nhất là phẩm hạnh có thể điều chỉnh điều hướng nhận thức, thậm chí bỏ qua chân lý để theo đuổi mục đích.

Do nhiều mối quan hệ xã hội nên sự nhận thức hay phân xử các vấn đề của xã hội, thường người ta thể hiện, hoặc là không đồng thuận trong nhận thức, nhưng lại không bày tỏ trong hành động. Hoặc là không đồng thuận trong nhận thức và thể hiện ra thành hành vi bằng ý kiến, lập luận trái với tiền đề. Đây chính là hình thái nhận thức thể hiện là phương thức của tư duy phản biện.

Từ nhận thức trên, tác giả quan niệm rằng, tư duy phản biện là hình thức nhận thức trên cơ sở sửa chữa quan điểm đã có trước, dựa trên chứng cứ hay lập luận logcic các mối liên hệ quan hệ sự vật hiện tượng để bảo vệ quan điểm. Tư duy phản biện thường được thực hiện bằng cách sử dụng các luận điểm logic và thông tin thực tế để chứng minh một quan điểm mới đưa ra, hoặc để bác bỏ hoặc chỉnh sửa một quan điểm hiện tại.

Như trên đã phân tích, tư duy bản biện (hay phản biện) là tư duy không đồng thuận với tư duy đưa ra (tiền đề) có liên quan đến đối tượng (người phản biện thuộc đối tượng, hoặc là một bên liên hệ). Người phản biện có hai biểu hiện khi họ đưa ý kiến: (i) họ có ý thức về ý kiến đưa ra có trách nhiệm, hay vì trách nhiệm; (ii) họ phải có căn cứ làm rõ ý kiến đưa ra của người khác là sai, tác động xấu đến công việc và đề xuất cần phải điều chỉnh hoặc thay đổi.

Người phản biện đúng nghĩa, hầu hết là người sống có trách nhiệm, có bản lĩnh. Họ có thể vì bản thân, nhưng trên tinh thần của sự công bằng, hoặc có thể không liên quan (thậm chí có thể bất lợi cho họ), nhưng họ có ý thức bảo vệ cái đúng. Đó là khác biệt giữa người có năng lực phản biện và những kẻ ngụy biện.

Phản biện không có nghĩa là luôn luôn đúng. Người phản biện thường là người có trách nhiệm. Nhưng họ không phải lúc nào cũng là người khôn ngoan vượt trội (so với người đưa ra ý kiến tiền đề, ban đầu). Tuy nhiên, trong tổ chức có ai đó có ý thức phản biện, thì chắc chắn sự lành mạnh của tổ chức có được trên nền tảng sự thật. Vì xã hội nói chung luôn xuất hiện sự khác biệt về nhận thức, dẫn đến xuất hiện sự phản biện như mặt đối lập để phát triển. Trong các thiết chế, tổ chức sinh hoạt cộng đồng hay địa phương cũng như thế.

Tư duy phản biện như đã phân tích, thể hiện một số đặc trưng khác biệt. Tư duy phản biện, ngoài hình thái của nhận thức, luôn hướng tới sự khác biệt, thậm chí đối lập về ý tưởng với tư duy tiền đề. Khác biệt phải lớn, hoặc tới mức đối lập. Nếu khác biệt nhỏ chỉ cần điều chỉnh nhỏ, thì ý thức đó chưa đạt tới sự phản biện. Tư duy phản biện dựa trên những nguyên lý khách quan, hoặc quy tắc, quy trình của chủ thể xây dựng ý tưởng phản biện. Tư duy phản biện mang tính xã hội sâu sắc, nghĩa là tư duy phản biện thể hiện mặt trách nhiệm xã hội của chủ thể. Đó là sự nhận thức tích cực, sự không chấp nhận các phương án không hướng tới sự hoàn thiện. Tư duy phản biện xuất hiện trong tất cả các kết cấu xã hội. Tư duy phản biện có yếu tố thể chế. Vì thế, nhận thức là đúng so với hình thái xã hội này, nhưng nó có thể không đúng đối với hình thái khác. Tư duy phản biện chịu sự chi phối của sự phát triển của xã hội, của cơ chế vận hành xã hội (có những nhận thức là đúng trong cơ chế bao cấp, nhưng nó sẽ bị phủ định trong cơ chế thị trường).

Sự cần thiết của tư duy phản biện đối với người hành nghề luật sư

Tư duy phản biện là công cụ và chức năng của người bênh vực, biện hộ (trong đó có những luật sư). Trong xã hội dân chủ, nhận thức và phát ngôn của các cá nhân cần tuân thủ những quy tắc và định chế xã hội một cách văn minh, lịch sự và đúng pháp luật. Điều đó cũng không ngoại lệ đối với hình thức tư duy phản biện. Phản biện, nghĩa là làm cho ý kiến ban đầu (như tiền đề) không đứng vững như mong muốn của chủ thể, mà phải điều chỉnh sửa chữa, thậm chí là phủ định sự tồn tại. Đó là mục đích của ý kiến (hay người) phản biện. Tuy nhiên, ý kiến phản biện có thỏa mãn người phản biện hay không tùy thuộc vào các căn cứ khoa học vật chất và khả năng lập luận, sự đề kháng của phía bên kia cũng dựa trên khuôn khổ pháp luật hiện hành (khi đó).

Phản biện có vận động một chiều theo chủ thể hay không; chẳng hạn, có phải chỉ có bên gỡ tội cần phản biện, còn bên buộc tội không cần phản biện? Nếu xét quan niệm về phản biện như trên đã nêu, thì bên nào ý kiến thỏa mãn các thuộc tính trong định nghĩa phản biện, thì đó chính là bên phản biện, không phân biệt. Từ đó có thể thấy phản biện chỉ có trong quan hệ, ứng phó thể hiện tính bác bỏ của bên này đối với bên kia. Nó chỉ dừng lại khi một bên chấp nhận chân lý phản biện của đối phương. Phân tích như thế để thấy tính phong phú của nhận thức thông qua hình thức của tranh luận phản biện. Trong bài viết này chỉ đề cập tới vai trò của người gỡ tội trong tư pháp trong các phiên xét xử. Chế định bào chữa khi xét xử của tòa án là một dấu mốc quan trọng của quá trình hoàn thiện nhà nước dân chủ, pháp quyền được Hồ Chủ tịch đặc biệt chú trọng ngay từ khi mới thành lập Nhà nước dân chủ cộng hòa(2). Những người biện hộ cho thân chủ cho dù trong hay bên ngoài phiên xét xử đều cần tư duy phản biện sắc sảo, mới hy vọng đáp ứng sự hài lòng của người đã đặt niềm tin. Nhận thức của mỗi người gắn với công việc mà họ mưu sinh. Ưu thế của nhóm người này về nhận thức so với nhóm người khác làm cho họ phải dựa vào nhau để tồn tại. Đứng trước phiên xét xử, bất kỳ ai ở vị trí bên bị, đều cần tới sự trợ giúp của người có năng lực nhận thức và năng lực lập luận bảo vệ thân chủ. Vậy để có tư duy phản biện đáp ứng mục đích, mục tiêu của chủ thể cũng như người dựa vào (hay thuê), người phản biện cần tích lũy nhiều yếu tố (tố chất ), trong đó có tư duy phản biện.

Vấn đề khung năng lực để có tư duy phản biện, đối với công việc trợ giúp bảo vệ pháp luật cho khách hàng nói chung, những người làm việc này, nhất là theo đuổi nó như một nghề mang tính chuyên nghiệp, họ cần tích lũy những yếu tố có tính chất kiến thức, sự trải nghiệm, tình cảm con người và lương tâm nghề nghiệp. Trợ giúp, tư vấn pháp lý hay biện hộ, bảo vệ pháp luật trước phiên xét xử (dân sự hay hình sự) đều có điểm chung bản chất và sự khác biệt về năng lực. Điểm chung là người nhận trách nhiệm bảo vệ khách hàng hay trợ giúp pháp lý đều cần dựa trên sự hiểu biết pháp luật, hướng dẫn khách hàng tránh sai sót, sai phạm. Như thế, có thể chỉ cần hiểu biết cơ bản pháp luật và kinh nghiệm vừa phải có thể thức hiện được việc trợ giúp, đáp ứng nhu cầu cơ bản, không phức tạp và vừa đủ theo yêu cầu. Điểm khác biệt là, trong các tình huống pháp lý phức tạp, đòi hỏi xử lý tình huống hay quan hệ liên quan đến các yếu tố lịch sử, cơ chế, thể chế và các cải cách pháp lý qua các giai đoạn khác nhau, nhất là các tình huống có xung đột lợi ích, xuất hiện các hành vi nguy hiểm… thì người trợ giúp, bảo vệ quyền lợi cho thân chủ cần tới nhiều nhóm năng lực sâu hơn, rộng hơn cùng với sự trải nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp. Chúng như các yếu tố khung năng lực của một nhóm vị trí việc làm. Đó là: trình độ nghiệp vụ luật học; hiểu biết quan hệ pháp lý cơ bản theo các quan hệ (hành chính, kinh tế, dân sự hình sự) và chuyên sâu một lĩnh vực theo đuổi phụng sự cho khách hàng; có tri thức cần thiết về tâm lý học, tâm sinh lý cá nhân để xử lý các tình huống ý thức tâm lý nhóm tác động đến quan hệ có xung đột (tác động của các nhóm hành vi dân sự, hình sự, lợi ích kinh tế…); có kỹ năng phân tích tình huống và đưa ra các kết luận phù hợp; có kinh nghiệm tìm hiểu, khai thác và xử lý thông tin đối tượng, đối tác phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý ở mức độ khác nhau; có kỹ năng và kinh nghiệm đối thoại, đối chất; có quan hệ xã hội dựa trên uy tín, nhu cầu, khả năng thu hút…; có tư duy nhạy bén, nhất là tư duy phản biện; năng lực xếp đặt, kế hoạch hóa công tác và quản trị bản thân; tích lũy các phẩm chất cá nhân tích cực.

Có tác giả nghiên cứu, khảo sát, tham khảo đưa ra sự phân nhóm thành các yếu tố: chủ thể có năng lực; chủ thể yêu mến; chủ thể đáp ứng nhu cầu xã hội ( hay những gì xã hội cần). Hoặc họ cho rằng các yếu tố cần và đủ tạo ra nhóm năng lực thể hiện ra và năng lực tích lũy tiềm ẩn theo cơ chế tảng băng trôi có phần nổi, bề mặt và phần chìm, tiềm ẩn (thậm chí là ẩn dấu chủ ý, làm cho đối tác không nhận thức được họ còn tri thức, kỹ năng gì chưa thể hiện ra).

Về tính mục đích của tư duy phản biện. Trong hoạt động bảo vệ pháp luật, trước phiên xét xử hay tranh chấp dân sự, tính mục đích của tư duy phản biện là làm sao vô hiệu hóa những khẳng định bất lợi cho thân chủ từ phía bên kia. Trong phản biện, ngoài tính hợp pháp, tính hợp lý, còn có tính nghệ thuật tạo sự hấp dẫn đến thừa nhận sự đúng đắn của bên kia. Đó chính là kỹ năng như một phần của quá trình hoàn thiện của tư duy phản biện. Trong khi phản biện, chủ thể còn thể hiện ra tính xuất thần của sự hùng biện. Hùng biện tạo sự thuyết phục và năng lực lấn lướt, phản biện hỗ trợ tính đúng đắn pháp lý khi vận dụng những quy định có lợi cho thân chủ.

Mục đích của tư duy phản biện là mang lại sự tích cực cho thân chủ về nhiều mặt, chứ không chỉ là lợi ích kinh tế hay vật chất. Tuy vậy, phản biện cũng cần kỹ năng của sự đàm phán. Nguyên tắc tốt nhất của đàm phán là giữ được sự cân bằng (win - win nghĩa là cùng thắng), không theo đuổi cứng nhắc sự thắng thế tuyệt đối. Khi tạo tâm lý “thất bại toàn diện” cho đối phương thì chẳng khác nào đẩy họ đến đường cùng, cũng có nghĩa tạo sự phản ứng tuyệt đối. Khi đó rất có thể vị thế sẽ đổi chiều từ thắng thế trở thành thụ động. Tính mục đích của tư duy phản biện là mang lại lợi ích cho thân chủ. Nhưng lợi ích đó cũng có nhiều thang bậc, tầng nấc khác nhau. Người biện hộ muốn mang đến sự thành công cho thân chủ (lợi ích vật chất, cơ hội tốt đẹp hay lương tâm danh dự…), ngoài sự am hiểu pháp luật, am tường xã hội, có kiến thức về lịch sử vấn đề liên quan đến tình huống pháp lý, họ còn cần tới những yếu tố nhân thân tích cực mà một người tử tế phải hội đủ. Đó là sự nhiệt tình, dấn thân nghề nghiệp, thấu hiểu khách hàng, nhất là nhóm khách hàng yếu thế.   Điều đó giải thích tại sao pháp luật về luật sư quy định quan hệ kinh tế vật chất, hay thành quả lao động mà người luật sư được trả công có nêu ra phẩm chất con người và tính chuyên môn nghề nghiệp, rằng mức thù lao người luật sư được trả công ngoài sự thỏa thuận (mang tính tùy nghi ở cả hai phía), còn dựa vào tiêu chí rất căn bản, là kinh nghiệm và uy tín. Kinh nghiệm thì làm nhiều, lao động nhiều sẽ tích lũy được. Nhưng tại sao có người nhiều kinh nghiệm lại vẫn thiếu công việc? Đó là sự đo lường giá trị xã hội của họ chưa đủ cho những người cần có thể gửi gắm sự thành bại cho họ.

Giá trị đo lường đó, chính là uy tín xã hội, là tính dám chịu trách nhiệm (đối với bản thân, với pháp luật và người họ đứng ra bênh vực) của những người bảo vệ lẽ công bằng trong xã hội. Phẩm chất và nhân cách cá nhân là cái trừu tượng, cái lắng đọng xã hội mà mỗi cá nhân có được do sự cảm thụ bằng tình cảm từ cộng đồng xã hội khó mà đong đếm. Nó chỉ có thể lý giải theo quan điểm về ở đời và tình người(3). Tư duy phản biện như đã phân tích là rất quan trọng đối với những người trợ giúp pháp lý cho mỗi cá nhân trong giao tiếp nói chung, cho giới luật sư nói riêng. Nhưng như thế là chỉ nêu ra có tính cụ thể hóa, cá biệt hóa để phân tích, ngoài những phẩm chất khác, là các yếu tố tạo sự tổng hòa trong một cá thể, một cá nhân trong xã hội.

= = = = = = = = =

(1)     Tham khảo Điều 10 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012.

(2)     Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa quy định những bị can có thể nhờ một công dân không phải là luật sư bào chữa cho, trước các tòa án thường và tòa án đặc biệt xử việc tiểu hình và đại hình.

(3)     Hồ Chí Minh, Nhà nước và pháp luật, NXB Pháp lý, Hà Nội, 1985, tr. 87.

GS.TS.NGƯT NGUYỄN HỮU KHIỂN

Theo Tạp chí LSVN.

hotline 0848009668