Văn bản kém chất lượng - Bài 3: "Ám ảnh" công văn hướng dẫn

06/30/2021 10:15:14 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Không chỉ có thông tư "đá" luật, "vênh” nghị định, mà tình trạng nhiều văn bản tuy không phải là văn bản quy phạm pháp luật như công văn hướng dẫn của bộ, ngành, cũng đang "hành" doanh nghiệp.

Tại hội thảo trực tuyến Chất lượng Thông tư và công văn - góc nhìn từ doanh nghiệp, do Phòng Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức. Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế dẫn chứng, công văn số 8909 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hướng dẫn một số thủ tục về đầu tư, trong khi Nghị định 31 hướng dẫn Luật Đầu tư chưa được ban hành là “có vấn đề” về thẩm quyền, khiến một số địa phương lo ngại khi thực hiện gặp khó khăn, tạo hệ lụy lớn về mặt pháp lý, gây thiệt hại và rủi ro cho doanh nghiệp.

“Phổ biến hiện nay là tình trạng công văn trả lời nội dung về việc áp dụng pháp luật của doanh nghiệp không đi thẳng vào vấn đề mà trích dẫn các quy định pháp luật, khiến doanh nghiệp “muốn hiểu ra sao thì hiểu”, ông Tuấn cho biết.

Vẫn còn tình trạng các văn bản gây khó cho doanh nghiệp dù không phải là văn bản quy phạm pháp luật - Ảnh minh họa

Thực tế, thời gian vừa qua Diễn đàn Doanh nghiệp cũng liên tục nhận được những phản ánh liên quan về thực trạng tạo rào cản, gây khó cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái nguyên cho biết, thông báo mới của Tổng cục Thuế tại Hội nghị trực tuyến ngày 18/3/2021 đang khiến 7.800 doanh nghiệp trong tỉnh hoang mang khi đưa trường hợp “Công ty vay của ngân hàng thương mại với tỷ lệ trên 25% vốn chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn được xác định là các bên có quan hệ liên kết. Khi đó giao dịch phát sinh giữa 02 bên là giao dịch liên kết”.

Theo đơn vị này, khi khoản vay giữa doanh nghiệp và ngân hàng đáp ứng điều kiện tỷ lệ trên 25% vốn chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn, thì việc đưa loại giao dịch này vào đối tượng bị quản lý thuế giao dịch liên kết là rất bất cập bởi mục tiêu ban hành của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP (trước đây là Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Nghị định 68/2020/NĐ-CP) về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là để ngăn chặn tình trạng gian lận thuế. Tên ban đầu của Nghị định này là Nghị định quy định về quản lý giá chuyển nhượng của giao dịch liên kết, chống chuyển giá, chống thất thu Ngân sách Nhà nước.

Cũng theo đơn vị này, tờ trình của Nghị định 132 cũng chỉ tập trung vào mục tiêu chống chuyển giá nhằm giảm nghĩa vụ thuế của một số doanh nghiệp, đến khi Nghị định được ban hành, mục tiêu này được ghi nhận rất rõ tại Điều 3 - Nguyên tắc áp dụng.

Ngoài độ "cong - vênh" giữa các văn bản quy phạm thì doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn từ các công văn hướng dẫn - Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, quy định nêu tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP không phải là quy định mới, bởi từ Nghị định số 20/2017/NĐ-CP đã có quy định này, và đến nay, quy định trên đã thực hiện liên tục được gần 05 năm, qua 03 kỳ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp các năm 2017, 2018, 2019, chưa có doanh nghiệp nào và cũng chưa có cơ quan thuế nào xác định quan hệ cho vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp là giao dịch liên kết. Nhưng, chính cách giải thích này của Tổng cục Thuế tại Hội nghị trực tuyến ngày 18/3/2021, mới là mấu chốt của vấn đề và gây bất ngờ cho người nộp thuế.

Không chỉ riêng Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Công ty TNHH FOSECA Việt Nam (Công ty FOSECA)  có trụ sở tại số 18 đường 10, khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cũng rất ngỡ ngàng khi Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh thông báo doanh nghiệp không còn thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và phải thực hiện truy thu thuế với số tiền khoảng 25 tỷ đồng, tính tiền chậm nộp và xử phạt vi phạm hành chính về thuế, tổng số tiền doanh nghiệp phải nộp ước tính lên đến khoảng 50 tỷ đồng.

Trong khi đó, việc áp dụng ưu đãi của doanh nghiệp được Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh xác nhận, trả lời bằng Công văn số 2064/CT-TTHT ngày 06/11/2015, Công văn số 1446/CT-Ktr1 ngày 29/9/2016 xác nhận ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp tính từ kỳ thuế năm 2015 cho thời hạn còn lại do đáp ứng điều kiện dự án thành lập trong khu Công nghiệp theo đúng quy định pháp luật về thuế.

Những thực trạng đã nêu không chỉ gây khó khăn cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp mà còn cho thấy những bất cập trong quản lý Nhà nước, đặc biệt là sự thiếu thống nhất, sai mục tiêu chính sách đã đề ra trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Diễn đàn Doanh nghiệp

(- PV Gia Nguyễn)