Vụ đoàn "quái xế" tông chết cô gái khi đứng chờ đèn đỏ: Trách nhiệm pháp lý và giải pháp ngăn chặn

11/05/2024 16:38:41 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

(LSVN) - Trước tình hình gia tăng tai nạn giao thông do thanh thiếu niên gây ra, Luật sư cho rằng cần có sự phối hợp giữa chính sách pháp luật và công tác giáo dục. Pháp luật cần có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của người giám hộ trong việc giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện.

Mới đây, Công an quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, đã khởi tố vụ án, tạm giữ 10 nghi phạm để điều tra về vụ tai nạn khiến một người tử vong ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu.

Theo Công an quận Hoàn Kiếm, khoảng 00h15 ngày 03/11, chị N.H.Q. (27 tuổi) đang điều khiển xe máy dừng trước vạch để chờ đèn đỏ ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, hướng từ ga Hà Nội đi Bệnh viện 108. Cùng lúc, một đoàn 20-30 xe máy đi ngược chiều trên phố Trần Hưng Đạo lao tới với tốc độ nhanh.

Trong đó N.H.N. (sinh năm 2005) lái xe Vision màu xám chở theo N.P.A. (sinh năm 2005) đi với tốc độ nhanh, không chú ý quan sát nên đã tông phải chị N.H.Q. làm chị Q. ngã ra đường.

Sau đó N.T.M.K. lái xe chở theo L.Đ.C. (sinh năm 2008) chạy theo đoàn đã tông tiếp vào chị Q. Cú tông khiến chị Q. chết tại chỗ. Sau tai nạn, nhóm "quái xế" bỏ trốn khỏi hiện trường.

Vụ đoàn 'quái xế' tông chết cô gái khi dừng đèn đỏ gây xôn xao dư luận.

Vụ đoàn 'quái xế' tông chết cô gái khi dừng đèn đỏ gây xôn xao dư luận.

Trách nhiệm pháp lý khi giao xe cho người chưa đủ 18 tuổi

Vụ tai nạn nghiêm trọng khiến dư luận bức xúc, với một số đối tượng tham gia đua xe trái phép dưới 18 tuổi, sự việc này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm pháp lý của người giao xe và mức xử phạt đối với người chưa đủ tuổi.

Luật sư Đặng Xuân Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cho biết theo Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người chưa đủ tuổi gây hậu quả nghiêm trọng như thương tích hay tử vong, người giao xe có thể đối mặt với mức án tù cao nhất lên đến 7 năm.

Điều 264. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng”.

Ngoài ra, trách nhiệm dân sự cũng đặt ra với người giao xe, họ phải bồi thường cho nạn nhân và gia đình nạn nhân các chi phí điều trị, tổn thất về tinh thần và những thiệt hại khác.

Việc giao xe cho người chưa đủ tuổi không chỉ vi phạm quy định của pháp luật mà còn gây nguy hiểm cho chính người điều khiển và cả cộng đồng, vì vậy rất cần thiết phải tuân thủ các quy định pháp luật về điều kiện lái xe.

Người dưới 18 tuổi tham gia đua xe trái phép

Liên quan đến hành vi tham gia đua xe trái phép đối với người dưới 18 tuổi, Luật sư Đặng Xuân Cường đánh giá, đua xe trái phép là hành vi bị cấm. Theo quy định tại theo Điều 266 Bộ luật Hình sự, người tham gia đua xe có thể bị xử lý hình sự với mức án từ 03 đến 10 năm tù nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Đối với hành vi tổ chức đua xe trái phép sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 265 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. 

"Cần lưu ý rằng, các đối tượng đều là trẻ vị thành niên, việc xử lý người chưa thành niên vẫn hướng đến tính nhân văn và giáo dục, nhằm giúp các em hiểu rõ hậu quả hành vi và có cơ hội sửa sai. Do đó, đối với người dưới 18 tuổi, pháp luật quy định mức phạt sẽ được giảm nhẹ. Theo Điều 91 Bộ luật Hình sự, người từ 16 đến dưới 18 tuổi chịu mức phạt tối đa bằng 3/4 mức án của người trưởng thành. Từ đó cho thấy, việc tăng cường giáo dục về luật giao thông và sự nghiêm túc khi tham gia giao thông là rất quan trọng để các em có nhận thức đúng đắn", Luật sư nói. 

Cần quy định rõ ràng về trách nhiệm giao xe cho người chưa đủ tuổi

Trước tình hình gia tăng tai nạn giao thông do thanh thiếu niên gây ra, cho thấy việc giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật và kỹ năng tham gia giao thông cho giới trẻ là hết sức cấp thiết. Theo Luật sư Cường, các giải pháp nên tập trung vào việc tuyên truyền, giáo dục và tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đối với lứa tuổi thanh thiếu niên.

Cụ thể, Luật sư Đặng Xuân Cường kiến nghị các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tăng cường vai trò của giáo dục và tuyên truyền. Theo đó, gia đình và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục an toàn giao thông, giúp các em hiểu rõ về trách nhiệm khi tham gia giao thông. Các chương trình giáo dục về luật giao thông, hậu quả của hành vi đua xe trái phép và ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng nên được lồng ghép vào giảng dạy từ sớm.

Thứ hai, cần đưa nội dung giáo dục giao thông vào trường học. Theo đó, cần xem xét bổ sung chương trình giáo dục luật giao thông trong các trường phổ thông để học sinh được hiểu về pháp luật giao thông ngay từ sớm. Việc giáo dục sẽ giúp các em hình thành nhận thức đúng đắn và trách nhiệm khi điều khiển phương tiện.

Thứ ba, thực hiện các chương trình truyền thông trực quan. Các cơ quan chức năng có thể kết hợp với nhà trường, truyền thông xã hội để truyền tải thông điệp, sử dụng các câu chuyện thực tế về hậu quả của tai nạn giao thông, từ đó giúp nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên về rủi ro và hệ lụy của hành vi vi phạm giao thông.

Thứ tư, để giảm thiểu tình trạng đua xe trái phép và tai nạn giao thông ở thanh thiếu niên, cần có sự phối hợp giữa chính sách pháp luật và công tác giáo dục. Pháp luật cần có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của người giám hộ trong việc giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện.

Đồng thời, cần tổ chức nhiều hơn các chương trình hướng dẫn, giáo dục giao thông trong cộng đồng và nhà trường. Trách nhiệm không chỉ thuộc về người điều khiển phương tiện mà còn là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng. Khi nhận thức của toàn xã hội được nâng cao, ý thức tự giác chấp hành luật giao thông của thanh thiếu niên sẽ được cải thiện, từ đó giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Đề xuất tịch thu xe khi người điều khiển lạng lách, đánh võng

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe của Bộ Công an.

Theo đó, tại khoản 10 Điều 7 dự thảo Nghị định quy định tịch thu phương tiện đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;

- Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh.

Ngoài việc bị tịch thu phương tiện, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm quy định trên còn bị trừ điểm Giấy phép lái xe 12 điểm.

Theo lý giải của cơ quan đưa ra các đề xuất, những nội dung nêu trên là chế tài tăng mức độ xử phạt vi phạm nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông. Mục đích tiếp theo là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông văn minh. Những vi phạm nêu trên cũng là hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông. Do đó, kiến nghị tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao là hoàn toàn cần thiết, phù hợp.

Cục Cảnh sát giao thông cũng cho biết, thời gian qua vấn nạn đua xe và cổ vũ đua xe trái phép diễn ra phức tạp. Lãnh đạo Bộ Công an luôn chỉ đạo xử lý nghiêm minh nhất đối với hành vi vi phạm này. Riêng với công tác phòng chống đua xe trái phép, Bộ Công an yêu cầu thực hiện quyết liệt việc khẩn trương điều tra, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra truy tố, xét xử kịp thời các đối tượng tổ chức, gây rối trật tự công cộng.

Theo Tạp chí LSVN

 (- PV Duy Anh)

Link:https://lsvn.vn/vu-doan-quai-xe-tong-chet-co-gai-khi-dung-cho-den-do-trach-nhiem-phap-ly-va-giai-phap-ngan-chan-a149414.html

 

hotline 0848009668