04/01/2022 10:53:56 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
LSVNO - Ngày 29/11 vừa qua, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã tiến hành khám xét nơi ở của Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á Nguyễn Vân Giang và khởi tố v...
LSVNO - Ngày 29/11 vừa qua, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã tiến hành khám xét nơi ở của Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á Nguyễn Vân Giang và khởi tố với tội danh “Thao túng giá chứng khoán” theo quy định tại Điều 181c, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Chiều 30/11, cổng thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết cơ quan này vừa nhận được thông báo của Công an thành phố Hà Nội về việc khởi tố vụ án hình sự thao túng giá chứng khoán đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị (mã cổ phiếu: CDO).
Cụ thể qua quá trình điều tra, căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được, ngày 22/11, Cơ quan an ninh điều tra - công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Vân Giang (sinh năm 1981, trú tại 145 Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) về tội thao túng giá chứng khoán.
Cùng với sự ra đời của kinh tế thị trường, thị trường chứng khoán, trước đòi hỏi của tiến trình phát triển kinh tế xã hội, nên Tội “Thao túng giá chứng khoán” được bổ sung vào Bộ luật Hình sự từ năm 2009, nên mới có ký hiệu “181c” lạ như vậy. Trên thực tế rất ít trường hợp bị khởi tố về tội danh này, đây là lần thứ 2 tội danh thao túng giá chứng khoán bị khởi tố.
Trước đó ngày 30/12/2011, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Dược Viễn Đông bị kết án 4 năm tù về tội thao túng giá chứng khoán. Mặc dù tội danh này không mới theo quy định của Bộ luật hình sự nhưng lại rất mới trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, thực tế các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh chứng khoán đã và đang diễn ra âm thầm, riêng năm 2014 đã có 124 quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm hoạt động chứng khoán. Việc khởi tố điều tra về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” đối với Nguyễn Vân Giang là dấu hiệu cho thấy hoạt động vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán đang ngày càng diễn biến phức tạp.
Ngoài thủ đoạn thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán, hành vi thao vi thao túng giá chứng khoán, những kẻ trục lợi bất hợp pháp từ hoạt động kinh doanh chứng khoán còn tung tin giả trên Internet về một hoặc một số công ty niêm yết nhằm gây tin tưởng hoặc mất lòng tin của nhà đầu tư, tạo tình huống giả tạo nhằm mua hoặc bán cổ phiếu trục lợi; phát tán qua mạng thông tin sai lệch về chính sách kinh tế của Nhà nước để gây bất ổn trên thị trường chứng khoán nhằm mua - bán cổ phiếu trục lợi….
Những hành vi trên đã thu về những khoản lợi bất chính khổng lồ, gây thiệt hại cho những người đầu tư và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự minh bạch trong hoạt động chứng khoán.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (đang có hiệu lực) thì quy định trong lĩnh vực chứng khoán còn hạn chế, chưa theo kịp được sự thay đổi phát triển của ngành này. Mặt khác, hiện nay, các trường hợp không có khoản thu lời hay không xác định được thiệt hại thì mới chỉ bị xử phạt hành chính bằng tiền, không thể xử lý hình sự do đó không đủ tính răn đe đối với hành vi này.
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) được bổ sung thêm các tội: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Điều 209); Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 210); Tội thao túng thị trường chứng khoán (Điều 211); Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212). Kèm theo đó, trường hợp có khoản thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự, điều này sẽ tạo ra hành lang pháp lý để tiến hành xử lý hình sự các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.
Riêng đối với tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, so với Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, Bộ luật Hình sự năm 2015 có một nội dung quan trọng là bổ sung thêm căn cứ xác định tội phạm. Nếu theo luật hiện hành, một trong các căn cứ xác định tội phạm là phải “gây hậu quả nghiêm trọng” thì trong Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung thêm căn cứ “thu lợi bất chính”. Sở dĩ có việc bổ sung thêm căn cứ xác định tội phạm này là do đặc thù của thị trường chứng khoán, với hành vi thao túng giá chứng khoán, rất khó xác định được thiệt hại. Chính vì vậy, mặc dù Uỷ ban Chứng khoán đã tiến hành xử phạt hàng loạt các tổ chức cá nhân có hành vi thao túng giá chứng khoán, cá biệt mức phạt lên đến 705 triệu đồng nhưng lại không thể truy tố, xử lý hình sự đối với các trường hợp này bởi hầu như không thể xác định những nhà đầu tư nào bị thiệt hại do hành vi thao túng giá chứng khoán.
Do đó với sự thay đổi của Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực vào ngày 01/01/2018) kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong việc xử lý, ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động chứng khoán, tạo ra sự minh bạch trong hoạt động này. Trong thời gian tới, chắc chắn, những hành vi gian dối, trục lợi trong hoạt động chứng khoán sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng.
Luật sư Trương Anh Tú
(Chủ tịch TAT Law Firm)
Tạp chí Luật sư Việt Nam.
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50