10/16/2024 09:38:20 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
1. Về tính pháp lý của tài sản mua bán
Đối với Hợp đồng mua bán tài sản (HĐMB), rủi ro pháp lý đầu tiên cần phải xem xét đến chính là tính pháp lý của tài sản được mua bán. Bởi vì, theo quy định của pháp luật hiện hành, không phải bất kỳ tài sản nào cũng được tự do mua bán mà không bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật có liên quan.
Theo đó, dựa trên tính chất pháp lý, việc phân loại tài sản là đối tượng của HĐMB hiện nay được chia làm 04 loại gồm: (i) Hàng hoá bị cấm kinh doanh, (ii) hàng hoá hạn chế kinh doanh, (iii) hàng hoá kinh doanh có điều kiện và (iv) hàng hoá tự do kinh doanh. Ví dụ, vũ khí quân dụng, các chất ma tuý; Vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ là hàng hoá hạn chế kinh doanh; Xăng, dầu, thuốc dùng cho người là hàng hoá kinh doanh có điều kiện… Về danh mục các loại hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện sẽ do Chính phủ ban hành tại các Phụ lục kèm theo các Nghị định cụ thể và Danh mục này có thể thay đổi theo thời gian, có thể được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Pháp luật quy định không được phép kinh doanh hàng hoá bị cấm kinh doanh (trừ một số trường hợp rất đặc thù). Đối với hàng hoá thuộc diện hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện, thì phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh hoặc trong quá trình hoạt động kinh doanh phải thực hiện đúng các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi các bên vi phạm các quy định trên, HĐMB có thể bị tuyên bố vô hiệu, dẫn đến các bên không đạt được mục đích mong muốn ban đầu. Ngoài ra, còn dẫn đến nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Đây là rủi ro pháp lý mà cả Bên mua và Bên bán đều có nguy cơ phải đối mặt. Do đó, việc phải xem xét, đánh giá, đối chiếu quy định của pháp luật, để xác định tài sản mà các bên dự định thực hiện việc mua bán có đáp ứng điều kiện được phép mua bán hay không là bước đầu tiên và hết sức quan trọng, nhằm đảm bảo tính an toàn về pháp lý đối với tất cả các bên.
Đối với tài sản được phép mua bán tự do hoặc tài sản đã đáp ứng được đủ điều kiện để mua bán thuộc danh mục hạn chế và kinh doanh có điều kiện, thì Bên mua phải kiểm tra “quyền được bán” của Bên bán. Theo quy định, Bên bán phải là chủ sở hữu của tài sản hoặc người được chủ sở hữu tài sản/người có quyền được bán uỷ quyền việc bán tài sản. Nói cách khác, tài sản bán phải thuộc sở hữu của người bán hoặc người có quyền bán. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp phát sinh tranh chấp liên quan đến “quyền được bán tài sản” của Bên bán, dẫn đến trường hợp hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu, buộc Bên mua phải hoàn trả lại tài sản cho người có quyền, dẫn đến mục đích mua tài sản không đạt được. Trong nhiều trường hợp, việc nhận lại được tiền đã thanh toán cũng rất gian nan, đôi khi “mất trắng” vì Bên bán trong hợp đồng đã “biến mất”.
Phổ biến nhất trong các trường hợp này là việc chủ sở hữu chỉ là một trong các đồng sở hữu tài sản nhưng là người đứng tên đại diện. Trong trường hợp này, pháp luật quy định việc mua bán phải được tất cả các đồng sở hữu đồng ý nhưng người bán đã tự ý bán tài sản khi chưa được các đồng sở hữu đồng ý và tham gia ký kết hợp đồng (hoặc uỷ quyền toàn bộ cho người đại diện).
Một trường hợp khá phổ biến khác là người bán không phải là chủ sở hữu nhưng được uỷ quyền quản lý, sử dụng tài sản nhưng người này đã “vượt quá phạm vi uỷ quyền” khi thực hiện quyền bán tài sản, trong khi phạm vi uỷ quyền không bao gồm quyền này.
Hoặc, Bên bán là chủ sở hữu tài sản sau khi được nhận thừa kế, nhận tặng cho, mua từ bên thứ ba. Tuy nhiên, quá trình dịch chuyển tài sản không đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, mặc dù thời điểm mua bán, Bên bán hoàn toàn có quyền bán tài sản và Bên mua có thể được xem là bên thứ ba ngay tình theo quy định của pháp luật. Mặc dù vậy, khi tranh chấp xảy ra, việc phải tham gia vào vụ án sẽ dẫn đến mất nhiều thời gian, công sức, chưa kể việc chứng minh Bên mua là người ngay tình trong trường hợp này cũng không phải là vấn đề dễ dàng. Vì vậy, việc nhận diện, phòng ngừa rủi ro bằng cách kiểm tra tính pháp lý về nguồn gốc tài sản mua bán trong trường hợp này là việc làm vô cùng cần thiết.
2. Về đồng tiền thanh toán, phương thức thanh toán
2.1. Về đồng tiền thanh toán
Hiện nay, vẫn còn nhiều người nhầm lẫn về việc được quyền tự do sử dụng ngoại hối để giao dịch, thanh toán… mà không chịu sự điều chỉnh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định việc sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam chịu sự điều chỉnh bởi Pháp lệnh ngoại hối 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2013 (Pháp lệnh ngoại hối) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể, ngoại hối bao gồm: (i) Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (ngoại tệ); (ii) Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác; (iii) Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác; (iv) Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; (v) Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế .
Theo đó, việc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam được quy định tại Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối như sau: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.
Như vậy, về nguyên tắc, việc sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam bị nghiêm cấm trừ các trường hợp được phép theo quy định. Hiện nay, các trường hợp được phép sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam được quy định tại Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2015, 2019). Do đó, trong HĐMB, các bên phải hết sức chú ý đến điều khoản thoả thuận về đồng tiền dùng để thanh toán. Nếu đối chiếu với quy định, trường hợp các bên không thuộc trường hợp được phép sử dụng ngoại hối, thì các bên phải thoả thuận thanh toán bằng VND. Tránh trường hợp Hợp đồng bị vô hiệu về điều khoản này và vi phạm quy định về quản lý ngoại hối, dẫn đến nguy cơ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại còn phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 43 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005).
2.2. Về phương thức thanh toán
Phương thức thanh toán hiện nay trong các HĐMB thường phổ biến nhất là thanh toán tiền mặt, chuyển khoản qua ngân hàng, bên cạnh đó còn một số phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, khi sử dụng phương thức thanh toán bằng tiền mặt, theo pháp luật hiện hành có những hạn chế nhất định. Cụ thể hiện nay, có các giao dịch doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) bao gồm:
(i) Giao dịch góp vốn, mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp. Trường hợp này chỉ được thanh toán bằng các hình thức: Thanh toán bằng Séc; Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền và các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành (Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC).
(ii) Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau. Trường hợp này chỉ được thanh toán bằng các hình thức: Thanh toán bằng Séc; Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền và các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành (khoản 2 Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP).
(iii) Giao dịch chứng khoán (Khoản 1 Điều 5 Nghị định 222/2013/NĐ-CP).
3. Về chất lượng hàng hoá
Rủi ro về chất lượng của hàng hoá là một trong những rủi ro rất lớn, buộc Bên mua phải hết sức cân nhắc, xem xét đánh giá về điều khoản này trước khi đặt bút ký HĐMB. Pháp luật cho phép các bên được quyền tự do thoả thuận về chất lượng hàng hoá là đối tượng của HĐMB. Việc giới hạn thoả thuận chỉ áp dụng đối với các hàng hoá là tài sản buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng đã được công bố hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lý do, đôi khi điều khoản thoả thuận về chất lượng hàng hoá chưa được Bên mua chú trọng, đầu tư kỹ lưỡng trong quá trình đàm phán hợp đồng. Dẫn đến, khi phát sinh tranh chấp, việc xác định hàng hoá mà Bên bán đã giao có đáp ứng hay chưa đáp ứng chất lượng, trong nhiều trường hợp rất khó xác định. Đặc biệt là đối với các loại hàng hoá là tài sản mà pháp luật không quy định bắt buộc phải công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng.
Do đó, liên quan đến điều khoản về chất lượng hàng hoá. Bên mua phải nằm lòng nguyên tắc, thoả thuận càng chi tiết, càng rõ ràng về tiêu chuẩn chất lượng càng tốt. Đối với các hàng hoá thuộc diện phải công bố tiêu chuẩn chất lượng thì cần đưa cụ thể bộ tiêu chuẩn chất lượng nào được áp dụng để xác định về tiêu chuẩn chất lượng. Trường hợp đối tượng của HĐMB là hàng hoá không thuộc trường hợp bắt buộc công bố tiêu chuẩn thì Bên mua phải tự mình đề ra một bộ tiêu chí dùng để xác định chất lượng, bộ tiêu chí này nên được xây dựng theo nguyên tắc càng chi tiết, càng dễ áp dụng càng tốt. Bộ tiêu chuẩn này cần được các bên ký kết và xác nhận dưới dạng Phụ lục kèm theo Hợp đồng và là một phần không tách rồi của Hợp đồng. Việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi tiêu chí về chất lượng phải được các bên cùng nhau thoả thuận, đồng ý ký kết bằng văn bản. Tránh trường hợp điều khoản thoả thuận về chất lượng mang tính chung chung, khó áp dụng, gây bất lợi cho Bên mua khi có tranh chấp xảy ra.
4. Về “thời điểm chịu rủi ro”
Về thời điểm chịu rủi ro, nếu các bên không có thoả thuận nào khác, thì theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản trước khi tài sản được giao cho Bên mua, Bên mua chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản. Đối với tài sản buộc phải phải đăng ký quyền sở hữu, thì Bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, Bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký.
Trên thực tế, việc giao nhận tài sản không phải lúc nào diễn ra một cách tức thời, trong phạm vi địa lý hạn hẹp. Việc các bên có thể ký HĐMB tài sản và thực hiện việc giao nhận tài sản trong khoảng thời gian dài, ở khoảng cách địa lý xa, có thể là ở các tỉnh thành khác nhau trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc thậm chí là mua bán hàng hoá quốc tế, việc mua bán, giao nhận ở các quốc gia khác nhau. Trong trường hợp này, việc giao nhận tài sản thường phải thông qua đơn vị trung gian là các công ty kinh doanh dịch vụ vận tải, logistic. Do đó, nếu Bên bán không đàm phán, thoả thuận kỹ liên quan đến điều khoản để xác định thời điểm chuyển rủi ro, thì toàn bộ các rủi ro phát sinh từ lúc giao tài sản cho công ty vận chuyển đến trước thời điểm Bên mua nhận được tài sản đều thuộc Bên bán. Đây là vấn đề vô cùng bất lợi cho Bên bán, mặc dù Bên mua có thể ký hợp đồng với đơn vị vận chuyển kèm theo đó là các điều khoản ràng buộc trách nhiệm của đơn vị này nếu như có bất kỳ thiệt hại nào xảy ra đối với tài sản mua bán. Tuy nhiên, đó là vấn đề của Bên bán, một khi thiệt hại xảy ra, Bên bán phải chịu trách nhiệm với Bên mua nếu việc giao tài sản bị chậm trễ, tài sản bị mất mát, hư hỏng, giảm sút chất lượng, giá trị…
Do đó, nhằm hạn chế rủi ro, Bên bán cần đàm phán thoả thuận để xác lập thời điểm chuyển giao rủi ro “sớm hơn” thời điểm Bên mua nhận được tài sản. Thời điểm lý tưởng nhất, sớm nhất là kể từ thời điểm Bên bán đã giao tài sản cho bên vận chuyển như thời điểm xuất kho, thời điểm bên vận chuyển tiếp nhận tài sản. Thời điểm muộn hơn là thời điểm mà bên vận chuyển đã nhận bàn giao xong tài sản. Hạn chế tối đa việc thoả thuận thời điểm chuyển rủi ro là thời điểm Bên mua nhận được tài sản hoặc không có điều khoản thoả thuận về thời điểm này đều gây bất lợi cho Bên bán.
5. Về điều khoản dung sai về khối lượng, số lượng
Đối với tài sản trong HĐMB với số lượng lớn, việc xác định về khối lượng, số lượng tài sản thường được các bên thoả thuận sai số (+, -) theo tỷ lệ phần trăm (%) hoặc một con số tuyệt đối cụ thể. Điều khoản thoả thuận này đồng nghĩa với việc Bên bán giao tài sản với khối lượng, số lượng trong biên độ dao động cho phép thì được xác định là đã giao đủ tài sản. Thoạt nhìn, điều khoản (+,-) này có vẻ như công bằng đối với cả Bên bán và Bên mua. Tuy nhiên, đây là điều khoản có lợi hơn cho Bên bán, bởi vì thực tế việc Bên bán giao dư số lượng, khối lượng là rất hiếm, trường hợp giao thiếu sẽ phổ biến hơn. Vì vậy, trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng, Bên mua phải rất lưu tâm đến điều khoản về dung sai này. Theo đó, để bảo vệ quyền lợi của mình, Bên mua phải thu hẹp con số (+, -) đến mức tối thiểu nhất có thể, tránh trường hợp thuận theo đề xuất của Bên bán mà con số này bị đẩy lên rất cao, dẫn đến số lượng, khối lượng tài sản nhận được thấp hơn mong muốn nhưng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán đầy đủ.
6. Về nghĩa vụ hướng dẫn sử dụng, nghĩa vụ bảo hành
Đối với nghĩa vụ cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng, đây là rủi ro mà Bên bán phải dự liệu, lưu ý khi tiến hành đàm phán ký kết hợp đồng. Bởi pháp luật quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó, thuộc về Bên bán. Vì vậy, nếu Bên bán không chủ động thực hiện hoặc sau khi có yêu cầu của Bên mua thì Bên mua được quyền yêu cầu Bên bán thực hiện trong một thời hạn hợp lý. Nếu Bên bán vi phạm, dẫn đến Bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì Bên mua lúc này sẽ đối diện với nguy cơ rủi ro về việc bị Bên bán hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trên thực tế, vì nhiều lý do, có thể vì chủ quan hoặc do giữa Bên mua và Bên bán đã tồn tại mối quan hệ làm ăn lâu dài, dẫn đến việc Bên bán bỏ qua bước cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng tài sản mua bán bằng một điều khoản trong hợp đồng. Việc làm này là vô cùng rủi ro, đẩy Bên bán đối mặt với nhiều hệ quả pháp lý như đã nêu. Do đó, nhằm đảm bảo được an toàn, trong HĐMB, Bên bán nên có điều khoản quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin, hướng dẫn sử dụng tài sản, trong đó, nội dung điều khoản nên thoả thuận theo hướng, “Mọi thông tin về tài sản, hướng dẫn sử dụng tài sản đã được Bên bán cung cấp tại bảng mô tả thông tin sản phẩm và sách hướng dẫn sử dụng. Bên mua chỉ được quyền yêu cầu Bên bán trực tiếp mô tả thông tin, hướng dẫn sử dụng trong thời hạn….(ngày) kể từ ngày nhận tài sản. Mọi yêu cầu phát sinh sau khoảng thời gian này, không làm phát sinh nghĩa vụ cung cấp thông tin, hướng dẫn sử dụng của Bên bán và loại bỏ mọi nghĩa vụ pháp lý liên quan của Bên bán”.
Đối với rủi ro về nghĩa vụ bảo hành, đây là rủi ro mà Bên bán cần phải lưu ý, bởi bảo hành là nghĩa vụ của Bên bán theo quy định của pháp luật hoặc do các bên thoả thuận. Một trong những điều khoản quan trọng liên quan đến vấn đề bảo hành là điều khoản về thời hạn bảo hành và điều kiện thực hiện việc bảo hành.
Theo đó, Bên bán phải đảm bảo rằng điều khoản này được đàm phán và ký kết theo hướng giới hạn về thời hạn bảo hành và phạm vi bảo hành ở mức phù hợp nhất. Tránh trường hợp thời hạn bảo hành theo thoả thuận quá dài, dẫn đến rủi ro phát sinh nghĩa vụ bảo hành tăng lên do chất lượng, đặc tính kỹ thuật của tài sản đã giảm sút nhiều. Bên bán cũng cần lưu ý về việc giới hạn phạm vi trách nhiệm liên quan đến nghĩa vụ bảo hành như nghĩa vụ sửa chữa, giảm giá, đổi lại tải sản hoặc nhận lại tài sản và hoàn tiền cho Bên mua, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại... Tất cả các nghĩa vụ này phải được liệt kê chi tiết về trường hợp áp dụng, điều kiện áp dụng, vấn đề lỗi của Bên mua, thủ tục mà Bên mua yêu cầu Bên bán thực hiện nghĩa vụ bảo hành… bằng một điều khoản về nghĩa vụ bảo hành trong hợp đồng hoặc phụ lục kèm theo như một phần không thể thiếu của hợp đồng.
Luật sư Trương Ngọc Liêu
TAT Law Firm
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50