Có nên giám sát điện tử với người chấp hành án treo?

10/29/2024 11:15:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Vừa qua, tại nội dung Tờ trình Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi (Dự thảo) cho thấy, Cơ quan soạn thảo đã đề xuất nhiều nội dung quy định mới rất đáng chú ý. Một trong các nội dung nổi bật, thu hút được sự quan tâm của xã hội là vấn đề về giám sát điện tử bằng cách đeo thiết bị giám sát điện tử đối với những người chấp hành án treo. 

Theo nội dung Dự thảo, người chấp hành án treo thuộc diện phải giám sát điện tử chỉ trừ những trường hợp như bị bệnh nặng, đang cấp cứu, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng... Cũng theo nội dung tại Dự thảo, thời gian giám sát điện tử đối với người chấp hành án treo bằng thời gian thử thách theo quyết định của Tòa án, tức từ 01 – 05 năm theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp những người này đi khỏi nơi cư trú mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc có hành vi phá hủy, tháo rời khỏi cơ thể, làm mất tính năng, tác dụng của thiết bị giám sát điện tử sẽ có cảnh báo. Nếu có căn cứ xác định không thuộc trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì bị lập biên bản vi phạm và được xác định là vi phạm nghĩa vụ lần thứ nhất. 

Như tại Tờ trình Dự thảo đã thể hiện, đề xuất trên nhằm để đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng; đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong công tác thi hành án hình sự và khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2019, góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh, hiện nay, tình trạng người chấp hành án tại cộng đồng bỏ trốn, vi phạm nghĩa vụ, vi phạm pháp luật hành chính, hình sự, chủ yếu tập trung vào nhóm: (1) Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, (2) Người chấp hành án treo, (3) Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ…

Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát điện tử đối với các đối tượng hiện nay như tại Dự thảo còn quá rộng, chưa thể hiện được sự phân hoá, tính cấp thiết, tính phù hợp đối với từng nhóm chủ thể nhất định. Chẳng hạn, đối với nhóm chủ thể được đề xuất áp dụng biện pháp giám sát điện tử là những người đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, là phù hợp và thiết thực. Bởi lẽ, hiện nay, theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, biện pháp tạm giam có thể áp dụng đối với cả 04 loại tội phạm gồm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng (Khoản 1 Điều 119) và tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng nếu thuộc các trường hợp luật định (Khoản 2 Điều 119). 

Như vậy, nhóm các bị can, bị cáo có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam là rất lớn. Thực trạng này có thể dẫn đến nhiều hệ quả phát sinh như việc quá tải của hệ thống cơ sở giam giữ về cơ sở vật chất, vấn đề nguồn nhân lực, vật lực, tài lực để duy trì hoạt động của hệ thống… Ngoài ra còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do đi lại, tự do thân thể của những người bị áp dụng biện pháp này. Do đó, việc cân nhắc để sử dụng thiết bị giám sát điện tử thay thế cho biện pháp tạm giam là việc đáng để cân nhắc, không chỉ có lợi cho hoạt động quản lý, giám sát của cơ quan chức năng, mà ở một góc độ nào đó còn thể hiện được chính sách nhân đạo của hệ thống pháp luật nước ta.

Luật sư Trương Ngọc Liêu - TAT Law Firm

Tuy nhiên, đối với nhóm đối tượng là những người đang chấp hành án treo, việc áp dụng biện pháp giám sát điện tử cần phải có sự phân hoá, chọn lọc, Bởi vì:

Thứ nhất, về điều kiện để được hưởng án treo hiện nay phải tuân thủ quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi năm 2017) và được hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP (đã được sửa đổi bởi Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP) của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. 

Theo đó, bị cáo chỉ được áp dụng án treo để thay thế cho việc phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về mức tối đa về thời hạn hình phạt tù đã tuyên không quá 03 năm, kèm theo đó là hàng loạt các điều kiện yêu cầu về vấn đề nhân thân, nơi cư trú, làm việc, tình tiết giảm nhẹ, khả năng cải tạo, sự ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội… và phải không thuộc trường hợp không được hưởng án treo. 

Như vậy, có thể thấy hiện nay điều kiện để được hưởng án treo là vô cùng nghiêm ngặt. Việc tiếp tục áp dụng thêm biện pháp giám sát điện tử đối với nhóm này, đặc biệt là những người chấp hành án treo có nhân thân tốt, chấp hành tốt quy định của pháp luật trong thời gian thử thách là không thực sự cần thiết.

Thứ hai, nội dung Tờ trình Dự thảo cho thấy hiện nay tỉ lệ người chấp hành án treo bỏ trốn, vi phạm nghĩa vụ, vi phạm pháp luật hành chính, hình sự còn nhiều. Tuy nhiên, thống kê chưa làm rõ các trường hợp này tập trung vào nhóm các loại tội phạm nào. Ví dụ đối với tội xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ; tội phạm xâm phạm danh dự, nhân phẩm; tội phạm xâm phạm quyền sở hữu hay xâm phạm về trật tự quản lý kinh tế… có tỉ lệ bỏ trốn, vi phạm nghĩa vụ, vi phạm pháp luật là bao nhiêu. 

Do đó, đề xuất áp dụng biện pháp giám sát điện tử đối với tất cả các trường hợp chấp hành án treo là vô tình đánh đồng về ý thức chấp hành án treo của các nhóm tội phạm khác nhau là như nhau.

Thứ ba, một trong các mục đích của đề xuất tại Dự thảo là nhằm đảm bảo việc giáo dục, tái hoà nhập cộng đồng của những người này được tốt hơn. Tuy nhiên, mục đích này chỉ thực sự đạt được, nếu thiết bị điện tử đeo vào người chấp hành án treo chỉ thuần tuý là thiết bị giám sát phục vụ cho cơ quan chức năng, người có thẩm quyền. 

Do đó, việc lựa chọn thiết bị giám sát điện tử nào, cách thức gắn lên cơ thể, kích thước… cũng cần phải có sự chọn lọc để đáp ứng mục đích giám sát của cơ quan chức năng, thay vì trở thành công cụ, phương tiện để bất kỳ ai cũng có thể nhận diện nơi có những người chấp hành án treo thông qua thiết bị này. Từ đó, gây trở ngại rất lớn về mặt tâm lý, có thể là sự mặc cảm, dẫn đến họ khó hoà mình vào cuộc sống, khó tái hoà nhập cộng đồng.

Như vậy, đối với những người đang chấp hành án treo, việc quyết định có áp dụng biện pháp giám sát điện tử đối với những người này hay không, nếu có thì áp dụng đối với những trường hợp nào, theo tôi cần phải có sự phân tích, đánh giá một cách thấu đáo, toàn diện, nhiều khía cạnh, phải hết sức cân nhắc, có sự chọn lọc và chỉ áp dụng đối với các trường hợp thật cần thiết, thay vì bao gồm tất cả như đề xuất tại Dự thảo. Có như thế mới đảm bảo được mục đích, tính hiệu quả của quy định pháp luật và tính nhân đạo trong chính sách pháp luật của nhà nước.


 

hotline 0848009668