10/14/2024 11:33:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Luật Căn cước đã tạo ra bước tiến lớn trong bảo mật ngân hàng. Luật này không chỉ giúp giảm thiểu gian lận mà còn xây dựng một môi trường giao dịch an toàn và minh bạch hơn cho khách hàng.
VNeID là tài sản quý báu nhất trong hệ sinh thái số
Từ đầu năm 2024 đến nay, hàng loạt vụ mất tiền trong tài khoản ngân hàng đã khiến không ít khách hàng hoang mang và lo lắng. Dù các ngân hàng đã áp dụng nhiều biện pháp bảo mật khác nhau, vẫn có trường hợp khách hàng bị kẻ gian lợi dụng các kẽ hở bảo mật để chiếm đoạt tiền trong tài khoản mà không hề hay biết.
Tình trạng này cho thấy các phương thức bảo mật truyền thống đã không còn đủ sức bảo vệ toàn diện tài khoản ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh các giao dịch tài chính trực tuyến ngày càng phổ biến.
Để ứng phó với nguy cơ trên, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều Thông tư, Quyết định mới có liên quan thông tin sinh trắc học của người dân trong giao dịch thẻ, tài khoản và Thanh toán bằng phương tiện điện tử như Quyết định 2345, Thông tư 17 và Thông tư 18.
Theo đó ngân hàng phải thu thập, đối chiếu, kiểm tra thông tin sinh trắc học của khách hàng khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ căn cước hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử.
Cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, đến hết ngày 22/7/2024, đã có 26,3 triệu hồ sơ khách hàng được thu thập, đối chiếu thông tin sinh trắc học với căn cước công dân gắn chip.
Đồng thời, có 22 tổ chức tín dụng và 13 trung gian thanh toán đang triển khai ứng dụng VNeID cho 3 luồng quy trình nghiệp vụ chính, gồm mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán và đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế Tp.HCM
Trao đổi với Đời sống và Pháp luật, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế Tp.HCM cho rằng, VNeID là nơi tập trung nguồn dữ liệu rất lớn của dân cư Việt Nam, là tài sản quý báu nhất hiện nay trong hệ sinh thái số, được Bộ Công an bảo vệ chặt chẽ.
Việc xác thực thông tin của khách hàng qua VNeID sẽ giúp tăng cường tính bảo mật. Ngoài ra, nếu như trước đó sử dụng bao nhiêu tài khoản đều phải xác thực sinh trắc học thì việc thống nhất chỉ cần xác thực qua VNeID sẽ tiện lợi hơn nhiều.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho rằng, việc sử dụng ứng dụng VNeID đảm bảo thắt chặt thêm phần xác thực bằng khuôn mặt đã so khớp với khuôn mặt trên căn cước đảm bảo người giao dịch là chính chủ tài khoản ngân hàng.
Từ đó tạo nên những tác động tích cực với cả khách hàng và ngân hàng. Với khách hàng sẽ tránh được bị mạo danh, giả mạo chữ ký, còn ngân hàng sẽ giảm đi các tài khoản không chính chủ, tài khoản rác, được mở ra với ý đồ xấu nhằm trung chuyển các khoản tiền bẩn, tiền lừa đảo, nhờ việc phải có khuôn mặt đã được xác thực của chính chủ tài khoản khi giao dịch.
Ngân hàng vẫn phải đối mặt với một số thách thức trong việc triển khai xác thực điện tử qua VNeID.
Thay vì chỉ có thể phụ thuộc vào các công nghệ hay quy trình và con người như trước đây thì nay đã có thêm 1 nguồn đáng tin cậy là VNeID bổ trợ thêm. Nhờ vậy đảm bảo được các cơ sở dữ liệu về khách hàng của các ngân hàng sẽ thông suốt, đáng tin cậy hơn và đặc biệt mang tính chất đồng nhất so với trước đây. Đảm bảo thông tin của khách hàng đồng nhất không chỉ với lĩnh vực ngân hàng mà với cả các dịch vụ khác như thuế, viễn thông…
Đồng thời, việc chia sẻ các thông tin, cung cấp dịch vụ chéo từ đó cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn như cung cấp dịch vụ tài chính/phi tài chính giữa các doanh nghiệp hay trung gian thanh toán cũng được tối ưu hơn, tạo ra hệ sinh thái số phong phú hơn, là tiền đề để thúc đẩy kinh tế số cho quốc gia.
Chuẩn hóa thông tin trong giao dịch ngân hàng
Liên quan đến vấn đề định danh điện tử, ngày 25/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69, theo đó quy định tài khoản VNeID có giá trị tương đương với thẻ căn cước bản cứng.
Thêm vào đó, từ ngày 1/7/2024, Luật Căn cước năm 2023 chính thức có hiệu lực với một số điểm thay đổi quan trọng như mở rộng khái niệm "căn cước" để bao gồm cả định danh điện tử, tích hợp thêm nhiều thông tin cá nhân vào căn cước, và cho phép người dân sử dụng căn cước điện tử thay thế căn cước vật lý trong nhiều giao dịch đã phần nào tác động đến các dịch vụ ngân hàng.
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch công ty TAT Law Firm.
Trao đổi với Đời sống và Pháp luật, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch công ty TAT Law Firm đánh giá, Luật Căn cước sửa đổi sẽ giúp hạn chế tình trạng sử dụng giấy tờ giả trong các giao dịch ngân hàng. Việc xác thực thông tin khách hàng thông qua căn cước điện tử giúp các ngân hàng dễ dàng kiểm tra tính xác thực của thông tin, giảm nguy cơ gian lận.
Các ngân hàng sẽ không cần sao lưu, lưu trữ nhiều giấy tờ vật lý như trước, từ đó tăng hiệu quả và giảm thiểu rủi ro bảo mật. Điều này giúp tạo ra một môi trường giao dịch an toàn, minh bạch hơn.
Ngoài ra, Luật Căn cước mới cũng quy định, Chứng minh nhân dân (CMND) còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến ngày 31/12/2024. Nhiều ngân hàng đã và đang dần dừng chấp nhận CMND và yêu cầu khách hàng cập nhật thông tin với căn cước mới.
Đơn cử, tại TPBank, từ 1/1/2025, khách hàng không được sử dụng CMND trong các giao dịch với ngân hàng. Trường hợp TPBank phát hiện giấy tờ tùy thân của khách hàng hết hiệu lực, hoặc có thay đổi nhưng khách hàng không cập nhật bổ sung giấy tờ tùy thân mới, ngân hàng được quyền từ chối giao dịch khách hàng cho đến khi khách hàng hoàn thành cập nhật theo quy định.
Hay Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng ra thông báo: “Tất cả các khách hàng đang giao dịch tại quầy, kênh ATM/CRM, kênh trực tuyến của ACB cần sử dụng giấy tờ tùy thân còn hiệu lực theo quy định của pháp luật trong suốt quá trình giao dịch tại ACB. Do đó, từ 1/1/2025, ACB tạm ngưng giao dịch đối với khách hàng có giấy tờ tùy thân hết hiệu lực”.
Luật sư Trương Anh Tú cho biết, việc chuyển đổi từ CMND sang căn cước chắc chắn sẽ có tác động đến hoạt động giao dịch ngân hàng. Tuy nhiên, điều này sẽ giúp chuẩn hóa thông tin, giảm thiểu nhầm lẫn và lỗi trong quá trình xác thực.
Trong ngắn hạn, có thể khách hàng sẽ gặp một số khó khăn khi ngân hàng yêu cầu cập nhật thông tin mới, nhưng về lâu dài, việc này sẽ mang lại lợi ích lớn trong việc quản lý thông tin cá nhân và bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Ngân hàng cũng cần có lộ trình hỗ trợ khách hàng chuyển đổi một cách thuận lợi, đảm bảo không gây ra gián đoạn trong các giao dịch.
Theo ông Trần Hoàng Thắng - Giám đốc PTSP Huy động vốn Khối dịch vụ Ngân hàng Bán lẻ Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank), Luật Căn cước công dân sửa đổi đánh dấu một bước tiến lớn trong việc hợp pháp hóa và tiêu chuẩn hóa định danh điện tử (eKYC) tại Việt Nam, đặc biệt đối với các tổ chức ngân hàng.
VNeID là nơi tập trung nguồn dữ liệu rất lớn của dân cư Việt Nam.
PGBank đã triển khai hệ thống xác thực căn cước gắn chip với Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dân cư và căn cước công dân (Trung tâm RAR – Bộ Công An) tại Quầy giao dịch từ rất sớm. Ngân hàng đã triển khai xây dựng hệ thống tháng 10/2023, kết nối xác thực căn cước với RAR từ tháng 3/2024 và trên kênh di động từ tháng 7/2024.
Trong quá trình triển khai, PGBank nhận thấy, Luật này đã tác động trực tiếp đến quy trình và hoạt động của hệ thống ngân hàng trong các khía cạnh: đơn giản hóa quy trình xác thực danh tính; tăng cường bảo mật và chống gian lận; tiện lợi cho khách hàng trong giao dịch tài chính; đồng bộ hóa dữ liệu với các cơ quan Nhà nước và tăng cường tuân thủ pháp luật quốc tế.
Tuy nhiên, ông Thắng cho biết, ngân hàng vẫn phải đối mặt với một số thách thức trong việc triển khai hệ thống xác thực điện tử qua VNeID và các công nghệ định danh khác.
Cụ thể, một số khách hàng, đặc biệt là người cao tuổi hoặc người dân ở khu vực nông thôn, có thể gặp khó khăn trong việc sử dụng các dịch vụ định danh điện tử do hạn chế về tiếp cận công nghệ, thiếu thông tin về eKYC hoặc VNeID. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của hệ thống xác thực điện tử đối với một bộ phận khách hàng.
Ngoài ra, trong quá trình chuyển đổi từ quy trình truyền thống sang eKYC cần bổ sung nhiều thủ tục quy định và nguồn lực của ngân hàng để tìm hiểu đáp ứng các quy định pháp lý hiện hành và các hướng dẫn mới của Ngân hàng Nhà nước.
Thêm vào đó, việc triển khai hệ thống eKYC và định danh điện tử không chỉ đòi hỏi đầu tư lớn ban đầu, mà còn yêu cầu chi phí duy trì và nâng cấp liên tục đầu tư vào phần cứng, phần mềm và đào tạo nhân viên để có thể vận hành hiệu quả.
Một số khách hàng có thể lo ngại về việc bảo mật thông tin cá nhân khi sử dụng hệ thống định danh điện tử, có thể ảnh hưởng đến việc chấp nhận sử dụng các công nghệ mới này. Mặc dù VNeID và các công nghệ định danh điện tử mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống ngân hàng, việc triển khai vẫn gặp phải nhiều thách thức liên quan đến cơ sở hạ tầng, bảo mật, chi phí và sự chấp nhận từ phía khách hàng.
Tương tự PGBank, Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cũng cho biết, trong thời gian đầu triển khai, không chỉ TPBank mà hầu hết các ngân hàng đều gặp một số khó khăn trong việc duy trì hệ thống ổn định, do trong những ngày đầu tiên hiệu lực thì tải tăng cao do có quá nhiều lượng khách hàng truy cập thực hiện các việc cập nhật cùng một lúc.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).
Ngoài ra, chi phí đầu tư hạ tầng, giải pháp kỹ thuật từ việc đầu tư nội bộ đến việc chi cho các nhà cung cấp công nghệ, đối tác giải pháp cũng là một khoản đầu tư lớn với các ngân hàng. Đồng thời, việc truyền thông, hướng dẫn khách hàng cũng gặp khó khăn trong giai đoạn đầu khi phải giải thích cho khách hàng về việc tại sao cần thực hiện những quy định này.
Ngoài ra, việc các cột mốc hiệu lực của các Thông tư, Quy định khá sát nhau cũng đòi hỏi các ngân hàng cần tập trung nguồn lực đảm bảo giao dịch thông suốt để đáp ứng các quy định.
Về mặt pháp lý, theo Luật sư Trương Anh Tú, hiện tại, việc áp dụng Luật Căn cước vào xác thực điện tử vẫn cần sự đồng bộ từ nhiều quy định pháp luật khác, như Luật Giao dịch điện tử, Luật Ngân hàng, và các quy định về bảo mật thông tin cá nhân.
Ông Tú nhận định, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn chưa hoàn toàn đồng bộ và nhất quán, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai xác thực danh tính số trong ngân hàng. Chẳng hạn, các quy định về lưu trữ và bảo vệ dữ liệu cá nhân còn nhiều điểm chưa rõ ràng, gây khó khăn cho việc ứng dụng công nghệ số trong xác thực và quản lý thông tin khách hàng.
Đồng thời, cơ chế bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư cần được nâng cao để đảm bảo rằng việc sử dụng căn cước điện tử không làm lộ lọt thông tin nhạy cảm của khách hàng.
Theo ông Tú, để khắc phục những vấn đề này, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý và ngân hàng trong việc xây dựng cơ chế xác thực đồng bộ, bảo vệ dữ liệu cá nhân một cách hiệu quả, và đảm bảo tính toàn vẹn, chính xác của thông tin được xác thực. Chỉ khi đó, Luật Căn cước mới thực sự phát huy được hết tiềm năng của mình trong việc cải thiện quy trình xác thực thông tin tại ngân hàng và các lĩnh vực khác.
Theo Người Đưa Tin
(- PV Thu Hương)
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50