Nên làm từ thiện thế nào để không sai luật?

10/18/2021 11:56:30 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Trước việc một số người nổi tiếng bị tố cáo thiếu minh bạch trong giải ngân tiền từ thiện quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung, vậy làm từ thiện như thế nào mới đúng luật?

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty Luật TAT Law Firm, cho biết pháp luật không cấm người dân làm từ thiện nhưng không phải ai cũng có quyền "kêu gọi, tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng". Bởi theo điều 5, Nghị định 64/2008, các Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện; Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ các cấp; cơ quan thông tin đại chúng hoặc các tổ chức, đơn vị được cấp phép mới có quyền tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ.

Theo Nghị định 64/2008, cá nhân "không phải đối tượng được kêu gọi, vận động người khác đưa tiền, hàng cho mình đi làm từ thiện". Tuy nhiên, ngoài quyền làm từ thiện bằng tiền của mình, họ vẫn được "nhận ủy quyền" khi cầm tiền, hàng hóa của người khác đi cứu trợ. Ví dụ, một người đi làm từ thiện và người khác biết việc này đã đưa thêm tiền, hàng hóa để ủng hộ, nhờ đưa cho các hoàn cảnh khó khăn.

Lúc này, người làm từ thiện có thể coi là bên trung gian vận chuyển, giao tài sản. Theo Bộ luật Dân sự, họ có nghĩa vụ thực hiện đúng cam kết; chịu trách nhiệm nếu xảy ra sai phạm, thất thoát trong quá trình giao nhận.

Ai trục lợi, ăn chặn tiền từ thiện sẽ bị xử lý về các hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với tình tiết tăng nặng là lợi dụng "thiên tai, dịch bệnh hoặc những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt để phạm tội".

Người dân vùng lũ Quảng Trị nhận quà ủng hộ, năm 2020. Ảnh: Song Minh.

Người dân vùng lũ Quảng Trị nhận quà ủng hộ, năm 2020. Ảnh: Song Minh.

Với người làm từ thiện chân chính, luật sư Tú khuyên chú ý những điều sau để tránh rơi vào trường hợp "tình ngay lý gian" và những rắc rối không ngờ tới sau này.

- Nên thông báo công khai đi từ thiện ở đâu? Tiêu chí giúp đỡ thế nào và phân loại mức hỗ trợ?

Bạn càng minh bạch, càng chi tiết càng tốt, không nên "ngẫu hứng" và đánh giá cảm tính. Chẳng hạn, người bị sập nhà hoặc mất trắng hoa màu sẽ nhận hỗ trợ thế nào? Những gia đình chỉ bị ngập sẽ nhận bao nhiêu?...

- Chi đúng mục đích, đúng người bị thiệt hại, cần giúp đỡ.

- Chi phí đi từ thiện cũng là vấn đề cần thỏa thuận trước. Bạn đi từ thiện bằng tiền của mình thì tuỳ ý sử dụng song nếu được "uỷ quyền" thì khác. Với số tiền lớn, thời gian trao tặng cho nhiều người sẽ mất nhiều thời gian nên cần thêm nhiều người, cùng chi phí sinh hoạt, lưu trú.

Với hàng hóa, bạn cần minh bạch tiền thuê vận chuyển hết bao nhiêu, ai chi? Tuy nhiên theo quy định hiện hành, người làm từ thiện "không được tự ý lấy tiền của người ủng hộ để thuê xe; chi ăn ở cho mình".

- Việc ủng hộ từ thiện phải kịp thời, không quá 20 ngày từ khi kết thúc nhận ủng hộ, theo Nghị định 64/2008.

Khi gặp tình huống bất khả kháng phải trao chậm hơn, người đi từ thiện cần giải trình, nêu rõ số lãi nếu có trong thời gian này và phương án giải quyết số tiền đó.

- Cần ghi rõ số tiền được trao cho từng người khó khăn kèm địa chỉ, số điện thoại và xin chữ ký xác nhận. Việc này có thể khiến cá nhân được ủng hộ e ngại nhưng "mất lòng trước, được lòng sau", khi có nghi ngờ trục lợi sẽ không phải đi tìm từng người để xác minh.

Ngoài ra, bên đi trao nên báo cáo, đề nghị chính quyền địa phương chứng kiến, xác nhận.

Theo luật sư, làm từ thiện xuất phát từ cái tâm nhưng đôi khi "làm tốt, mục đích tốt chưa chắc nhận kết quả tốt" nên phải chắc chắn mọi giấy tờ, chứng cứ.

Theo Vnexpress

(- PV Song Minh)

https://vnexpress.net/nen-lam-tu-thien-the-nao-de-khong-sai-luat-4372850.html

hotline 0848009668