Ngân hàng sẽ là điểm nóng hút M&A

06/16/2017 22:28:32 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Việt Nam có nhiều ngân hàng nhỏ thanh khoản kém, đang đứng trước áp lực tái cơ cấu là một lý do khiến các chuyên gia dự báo năm 2012 nhà băng sẽ trở thành điểm nóng hút các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A).

Tại diễn đàn Mua bán sáp nhập và kết nối đầu tư năm 2012 ngày 7/6, chuyên gia cao cấp Tư vấn chiến lược và Vận hành Công ty Deloitte Consulting, Mohit Mehrotra cho rằng, các nhà băng yếu kém sẽ khó có thể cạnh tranh trong bối cảnh thị trường đang dần khốc liệt hơn. Đây cũng là lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều hơn đến các ngân hàng Việt Nam. Hoạt động M&A trong lĩnh vực này cũng xuất hiện nhiều hơn.

Theo ông Mohit Mehrotra, hầu như nhà băng nào cũng phải thay đổi cả quy mô và chất lượng để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Cơ hội M&A đến từ nhu cầu cải tổ và công cuộc tái cấu trúc này.

Phó tổng giám đốc Vietcombank Phạm Thanh Hà chia sẻ ngành ngân hàng Nhật Bản đang dần thu hẹp nên các tập đoàn tài chính nước này đang từng bước tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài thông qua hình thức M&A. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng của Việt Nam là một trong những lựa chọn của các nhà đầu tư Nhật. "Vì thế, trong thời gian tới việc tìm kiếm cơ hội đầu tư thông qua hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính sẽ gia tăng", ông Hà nhận xét.

Đồng quan điểm với các chuyên gia tài chính, Giám đốc đầu tư HDBank, Hạ Bá Trực cũng tin rằng chủ trương thực hiện đề án tái cấu trúc ngành ngân hàng sẽ từng bước thúc đẩy quá trình M&A trong lĩnh vực này.

Theo ông Trực, mua bán sáp nhập là chiến lược hiệu quả để gia tăng khách hàng, phát triển mạng lưới kinh doanh cũng như gia tăng thị phần cho ngân hàng. Các nhà băng nhỏ có thể sáp nhập lại để trở thành một nhà băng lớn. Song để thực hiện được điều này không hề đơn giản. Bởi lẽ, sau M&A phải tìm ra được các nhà lãnh đạo cho ngân hàng mới, đồng thời tránh sự xung đột về văn hóa. "Khi tiến hành sáp nhập phải chấp nhận thương đau trong ngắn hạn để thu được lợi ích dài hạn", ông nói.

Vụ trưởng Dự báo thống kê - tiền tệ (NHNN), Nguyễn Hữu Nghĩa nhận định: "Xu hướng M&A trong lĩnh vực ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang từng bước xử lý các ngân hàng yếu kém, thiếu thanh khoản nằm trong danh sách kiểm soát đặc biệt, nhưng chưa thể công bố danh sách".

Ông Nghĩa phân tích, vốn là vấn đề quan trọng trong việc thực hiện tái cấu trúc, nhưng không phải là tất cả mà quan trọng hơn vẫn là quản trị của các ngân hàng và ổn định tâm lý thị trường. Theo ông Nghĩa, sáp nhập, hợp nhất ngân hàng không hẳn là phép cộng mà cần có sự cải tổ và đẩy mạnh phát triển hậu M&A. Đó mới chính là tinh thần và ý nghĩa của việc thực hiện đề án tái cấu ngành ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước đang làm.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Đức Thúy nhận xét, M&A là một trong những giải pháp trong việc thực hiện đề án tái cấu trúc ngành mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện. Vì thế, tiềm năng cho hoạt động M&A trong lĩnh vực này rất lớn và sẽ còn sôi động trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Thúy, việc tái cơ cấu của ngành ngân hàng hiện chỉ mới ở giai đoạn sơ khai, chưa đi vào chiều sâu. Thời gian qua những khó khăn xuất phát từ ngân hàng nhỏ, yếu kém đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của ngành. Điều cần phải giải quyết trước tiên là sắp xếp lại nhóm ngân hàng này, kế tiếp là xử lý nợ xấu đang gia tăng.

"Ngân hàng chính là huyết mạch của nền kinh tế. Vì vậy quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là xử lý nợ xấu cần được sự đồng thuận cao trong xã hội và chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian", ông nhấn mạnh.

Tính đến tháng 4/2012, Việt Nam đã có 10 thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính được thực hiện. Trong đó, thương vụ Eximbank mua cổ phần của Sacombank trị giá 100 triệu USD được xem là tiêu biểu nhất. Năm ngoái có 42 thương vụ M&A trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Theo VnExpress.

hotline 0848009668