Người dân cần cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo, giả mạo tinh vi trên không gian mạng

11/25/2022 09:40:03 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Theo thông tin từ ngành công an, hiện nay tình trạng giả mạo, lừa đảo trên không gian mạng ngày càng diễn biến tinh vi gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người dân.

Giả mạo, lừa đảo tinh vi trên không gian mạng

Mới đây, Công an TP Hà Nội cho biết đã nhận được nhiều đơn thư phản ánh các hoạt động giao dịch chứng khoán trên không gian mạng có dấu hiệu giả mạo website các công ty chứng khoán để giao dịch. 

Theo đó, nhiều người nhận được đường dẫn website, app giao dịch quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của các đối tượng trên mạng xã hội (chưa xác định được nhân thân) để giao dịch mua bán chứng khoán, thực chất có mục đích huy động vốn của các nhà đầu tư rồi chiếm đoạt tiền.

Cụ thể phương thức lừa đảo là các đối tượng hướng dẫn, đề nghị cá nhân truy cập vào các đường link để thực hiện các dịch vụ chuyển tiền nhiều ngân hàng. Khi cá nhân truy cập vào đường link sẽ mở ra giao diện giả mạo giống với giao diện của tổ chức, các công ty chứng khoán hợp pháp để mua bán các mã chứng khoán. Thế nhưng, sau khi chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng chỉ định, cá nhân không rút được tiền từ tài khoản đã đăng ký trên trang giả mạo và bị mất tiền.

Cũng liên quan tới tình trạng giả mạo trên mạng, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, thời gian qua, lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao phát hiện gần 400 trang mạng, tài khoản mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok, Instagram…) giả mạo, sử dụng tên, hình ảnh, ký hiệu, biểu tượng của lực lượng công an để gây án. Các đối tượng đã lợi dụng các trang mạng xã hội giả mạo để thực hiện ý đồ xấu, thực hiện hành vi phạm tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản; bôi nhọ danh dự Đảng, Nhà nước, lực lượng Công an nhân dân…

Một số thủ đoạn điển hình của các đối tượng lập tài khoản, trang mạng xã hội giả mạo ngành công an là:

Giả mạo trang của ngành công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; thu thập thông tin cá nhân người dân trái phép như thông tin căn cước công dân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng;

Mạo danh cơ quan, đơn vị công an để mua bán trang phục Công an nhân dân, công cụ hỗ trợ, thiết bị phòng cháy, chữa cháy không đủ tiêu chuẩn; quảng cáo hàng cấm, hàng giả, hàng nhái;

Lợi dụng uy tín của lực lượng công an để chia sẻ bài viết từ trang thông tin điện tử không phép nhằm thu lời từ quảng cáo;

Phát tán thông tin “giật tít, câu like”; sử dụng ngôn từ, hình ảnh phản cảm, lan truyền thông tin xấu độc, sai sự thật trên không gian mạng, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.

rang mạng xã hội dùng hình ảnh của lực lượng công an.

Xử lý các hành vi phạm luật trên không gian mạng

Trao đổi với PV Infonet về vấn đề lừa đảo, giả mạo trên không gian mạng, luật sư Thủy Linh - Công ty luật TAT Law firm cho biết: “Những hành vi được liệt kê bên trên có đặng điểm chung là những hành vi đưa ra thông tin gian dối thực hiện qua mạng máy tính, internet ở các mức độ khác nhau nhằm khiến người sử dụng mạng tin và thực hiện theo mục đích của những đối tượng xấu. 

Các hành vi gian dối này đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở các mức độ khác nhau, hướng tới xâm phạm nhiều khách thể được pháp luật bảo vệ như: quyền sở hữu tài sản, uy tín danh dự của các cơ quan, tổ chức, nhà nước,…”.

Luật sư Thủy Linh trao đổi với PV Infonet về vụ việc.

“Để đấu tranh phòng chống với những hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện trên không gian mạng, các nhà làm luật đã dự liệu và kịp thời ban hành những văn bản quy phạm pháp luật đi kèm các chế tài xử phạt.

Các văn bản pháp luật điều chỉnh liên quan tới không gian mạng có thể kể đến như: Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/1/2022).

Khi các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng có mức độ được xác định là tới mức nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự với những tội danh tiêu biểu như: Tội lừa đảo chiến đoạt tài sản theo Điều 174; Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290; Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331...", luật sư Thủy Linh cho biết.

Ngoài ra, theo luật sư Thủy Linh, để tránh khỏi 'bẫy' lừa đảo trên mạng, người dân cần tỉnh táo, nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo mà cơ quan chức năng đã cảnh báo. Người dân không vội tin theo các thông tin chưa kiểm chứng lan truyền trên mạng, thay vào đó cần tìm đến những thông tin trên các trang chính thống của cơ quan báo chí, cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước.

Theo Infonet

- PV Hải Ngọc

https://infonet.vietnamnet.vn/nguoi-dan-can-canh-giac-truoc-cac-thu-doan-lua-dao-gia-mao-tinh-vi-tren-mang-5007979.html?fbclid=IwAR0wh09NN_hSjFJo3n_qUDWpV9FQD089MqyaKIBtjtB2LT9APT9WtO863W4

hotline 0848009668