05/29/2024 16:29:09 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
(LSVN) - Đi đôi với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, các loại tội phạm xâm phạm quyền sở hữu có xu hướng gia tăng. Phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội ngày càng tinh vi. Trong một thập kỷ trở lại đây, các vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan tới các dự án bất động sản được các cơ quan tố tụng phát hiện và xử lý tương đối nhiều. Các vụ án này thường có nhiều bị can, bị cáo và đông đảo bị hại. Tài sản bị các đối tượng chiếm đoạt là rất lớn, hành vi phạm tội của các bị can, bị cáo diễn ra trong một thời gian dài.
Ảnh minh họa.
Với tính chất nghiêm trọng, gây bức xúc cho đông đảo người dân, việc các cơ quan tiến hành tố tụng kịp thời thụ lý, giải quyết các vụ án đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình rất lớn của người dân. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, việc giải quyết các vụ án này vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, nhận định phân tích của các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) nhiều nơi, nhiều chỗ vừa không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, vừa thoát ly khoa học pháp lý về cấu thành tội phạm. Một trong những vấn đề bất cập đó là việc phân hóa, cá thể hóa trách nhiệm hình sự của bị can bị cáo bị quy kết tham gia vụ án với vai trò đồng phạm.
Là một Luật sư được trực tiếp tham gia một số vụ án theo mô-típ nói trên, bản thân nhận thấy rất cần có những ý kiến trao đổi, đóng góp, những buổi tổng kết thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử để giúp các CQTHTT khắc phục vấn đề bất cập kể trên. Trong phạm vi bài viết này, bản thân xin mạn phép luận bàn về vấn đề phân hoá trách nhiệm hình sự đối với các bị can, bị cáo bị quy kết đồng phạm giúp sức trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để làm minh chứng, tôi xin viện dẫn tóm tắt một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản được các CQTHTT TP. Hồ Chí Minh giải quyết gần đây. Trong vụ án này tôi tham gia với tư cách Luật sư bào chữa cho bị cáo Q. - Kế toán của Công ty R. do bị cáo quốc tịch Hàn Quốc có tên K.B.J thành lập. Mục đích của việc thành lập Công ty R. là huy động tài chính trái phép của những người có nhu cầu đầu tư và chiếm đoạt. Vụ án sau đó được cơ quan chức năng khởi tố điều tra và xét xử về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của K.B.J có vai trò chủ mưu và các đồng phạm giúp sức gồm nhân viên, người lao động của Công ty R. theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015. Kết quả xét xử sơ thẩm, các bị cáo bị tuyên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong đó với vai trò chủ mưu, bị cáo K.B.J bị tuyên án phạt tù chung thân, các bị cáo là đồng phạm giúp sức bị tuyên mức án tù có thời hạn từ 07 - 18 năm.
Tại phiên sơ thẩm, vấn đề phân hoá vai trò, tính chất, mức độ tham gia vụ án của các bị cáo là đồng phạm chiếm thời lượng chủ yếu trong phần tranh luận giữa những người bào chữa với đại diện Viện Kiểm sát. Dẫu vậy, qua phần nhận định của HĐXX trong Bản án sơ thẩm chưa cho thấy chưa có sự phân hoá một cách khoa học đối với các bị cáo giữ vai trò giúp sức trong vụ án này. Từ đó mức hình phạt dành cho các bị cáo bị quy kết đồng phạm chưa thật sự thỏa đáng.
Sau phiên tòa sơ thẩm, nhiều bị cáo bị quy kết tham gia vụ án với vai trò đồng phạm giúp sức đã kháng cáo bởi cho rằng mức hình phạt mà cấp sơ thẩm dành cho mình là quá nghiêm khắc, không tương xứng với mức độ tham gia của các bị cáo. Tại phần tranh luận của phiên toà phúc thẩm, người bào chữa đã nêu và phân tích về một số các vấn đề của vụ án chưa được Toà án cấp sơ thẩm xem xét, đánh giá một cách thấu đáo dẫn đến mức án được tuyên không thể hiện được sự phân hoá về vị trí, vai trò, mức độ tham gia vụ án của các bị cáo trong đó có bị cáo Q. Có thể kể đến vấn đề về thời điểm xác định thực hiện hành vi đồng phạm giúp sức. Cụ thể, HĐXX cấp sơ thẩm xác định thời điểm bị cáo Q giúp sức là từ khi bị cáo Q. ký Hợp đồng làm việc với Công ty R. Tuy nhiên cách xác định này không phù hợp với định nghĩa đồng phạm. Khoản 1 Điều 17 BLHS định nghĩa đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Như vậy, trong chế định đồng phạm, thời điểm quy kết đồng phạm phải là thời điểm người phạm tội biết và tiếp nhận ý chí của người chủ mưu, cầm đầu. Đối với trường hợp của bị cáo Q., quá trình phỏng vấn, tuyển dụng và thời gian đầu khi tiếp nhận vị trí công việc là kế toán Công ty R., bị cáo Q. hoàn toàn không biết được hành vi lừa đảo của bị cáo K.B.J. Do đó, việc Toà sơ thẩm xác định bị cáo Q. giúp sức ngay từ thời điểm được tuyển dụng là bất hợp lý.
Một vấn đề bất cập khác của vụ án đó là khi xác định mức độ tham gia vụ án, HĐXX cấp sơ thẩm gộp chung tất cả các thiệt hại xảy ra đối với cả khoảng thời gian mà bị cáo Q không còn làm việc cho Công ty R. (trước khi được tuyển dụng và sau khi đã nghỉ việc) và quy kết các bị cáo đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung với tổng số thiệt hại của vụ án. Đối với bất cập này, các Luật sư cũng đã lập luận, phân tích để chỉ ra rằng cách xác định này hoàn toàn không phù hợp với nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự tại Điều 58 BLHS đó là khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.
Điều đáng chú ý, quan điểm trên của Luật sư đã nhận được sự đồng thuận của đại diện VKS tại phiên toà phúc thẩm. Theo đó, phát biểu về đường lối giải quyết vụ án, đại diện Viện Kiểm sát đã cho rằng việc cấp sơ thẩm tuyên kết hợp các hành vi giúp sức chiếm đoạt số tiền 77 tỉ là không có căn cứ. Bởi vì, quá trình làm việc tại Công ty R., bị cáo Q. chỉ có 10 tháng làm việc. Trong đó có 03 tháng thử việc, 07 tháng chính thức, thuộc giai đoạn sau của quá trình phạm tội… Lẽ ra cấp sơ thẩm phải làm rõ bị cáo Q đã có những hành vi cụ thể gì để giúp sức cho bị cáo K.B.J và cũng phải làm rõ số tiền tương ứng với hành vi cụ thể của từng bị cáo. Từ đó làm cơ sở để cá thể hóa trách nhiệm hình sự, đảm bảo các biện pháp cưỡng chế, trong đó hình phạt đối với người phạm tội một cách chính xác, công bằng, hợp lý, khách quan và đúng pháp luật. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm quy kết mỗi bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền chiếm đoạt là 77 tỉ của toàn bộ vụ án, dẫn đến việc quyết định hình phạt đối với bị cáo là không khách quan, không chính xác, đặc biệt là đối với bị cáo Q. Việc xác định số tiền chiếm đoạt của từng bị cáo lại rất chung chung và quy kết bị cáo có tham gia bất kể công đoạn nào thì đều phải chịu chung hậu quả, sau đó sử dụng tình tiết giảm nhẹ làm cơ sở phân hóa trách nhiệm là không đầy đủ và toàn diện.
Như vậy, ngay cả quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát là cơ quan giữ vai trò buộc tội cũng đồng nhất với quan điểm của các Luật sư bào chữa về vấn đề phân hoá trách nhiệm của các đồng phạm giúp sức. Vậy, nhưng cả hai cấp xét xử đều không chấp thuận là một điều hết sức đáng suy ngẫm khi nhận định, phân tích của HĐXX có xu hướng thoát ly hẳn với khoa học luật hình sự về đồng phạm.
Do đó, để đảm bảo tính hợp pháp và thống nhất, thiết nghĩ Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần sớm có văn bản hướng dẫn chuyên ngành về đường lối xét xử, giải quyết các vụ án có tính chất tương tự như vụ án trên. Theo đó, bắt buộc Thẩm phán xét xử các vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” phải có sự phân hoá về tính chất, vai trò, mức độ giúp sức của từng đồng phạm trên tinh thần quy định của Điều 58 BLHS. Nội dung hướng dẫn cần nêu rõ về cách xác định tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Căn cứ vào thời gian làm việc, nội dung công việc, vị trí nắm giữ, số lượng hợp đồng đã ký, số tiền thu lợi bất chính… của từng bị cáo được xác định giữ vai trò là đồng phạm giúp sức, để từ đó chỉ buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự, dân sự tương ứng với con số thiệt hại tính toán chi tiết.
Luật sư ĐẶNG XUÂN CƯỜNG
TAT LAW FIRM
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50