Sau Bitcoin, LUNA, vì sao người Việt vẫn đâm đầu vào sàn FTX?

12/02/2022 10:42:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX tiếp tục là một bài học đắt giá để cảnh tỉnh những nhà đầu tư mạo hiểm, đặc biệt là với những tài sản đầy rủi ro.

Sau Bitcoin, LUNA, vì sao người Việt vẫn đâm đầu vào sàn FTX?

Hơn 1 triệu người trên thế giới đã trở thành chủ nợ bất đắc dĩ sau khi sàn giao dịch tiền điện tử FTX phá sản. ảnh: TTXVN

Bỏng tay vì gắp phải than hồng

Trao đổi với Lao Động, luật sư Đặng Xuân Cường - Công ty luật Trương Anh Tú chỉ ra hai nguyên do chính khiến sàn giao dịch tiền điện tử dù đầy rủi ro nhưng lại có sức hút kỳ lạ.

Đầu tiên là sự thuận tiện khi giao dịch trên các sàn. Người dùng chỉ cần lập tài khoản với thủ tục đơn giản là có thể mua bán. Tiếp đó lòng tham trước lợi nhuận hấp dẫn. Sự biến động của các đồng tiền số trong thời gian ngắn có thể kiếm lời nhanh.

Tuy nhiên lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro tương xứng. Sụp đổ của sàn giao dịch FTX mới đây có thể sẽ chôn vùi toàn bộ tài sản của những người tham gia. Luật sư Đặng Xuân Cường đánh giá khả năng rút vốn của nhà đầu tư Việt hiện đang rất thấp.

Thứ nhất, công ty quản lý sàn FTX là một công ty ngoài lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, việc mở thủ tục phá sản cũng như diễn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam và cơ quan tài phán cũng là cơ quan của quốc tế. Rất khó để nhà đầu tư có tài khoản tại sàn này nộp đơn từ tới cơ quan tài phán. 

Thứ hai, các nhà đầu tư Việt Nam lập tài khoản trên FTX là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Khi FTX mở thủ tục phá sản thì thứ tự ưu tiên phải sau các tổ chức lớn, các khoản nợ khác theo quy định của thủ tục phá sản. Nhà đầu tư cá nhân không được đảm bảo nên thứ tự ưu tiên rất thấp.

Thứ ba, tiền kỹ thuật số chưa được công nhận tại Việt Nam. Các giao dịch liên quan đến tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bị coi là bất hợp pháp. Do vậy, khi nhà đầu tư Việt Nam bị mắc kẹt trên các sàn này thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền không có trách nhiệm và nghĩa vụ hỗ trợ công dân trong thu hồi lại tài sản.

Luật sư Đặng Xuân Cường lưu ý các nhà đầu tư nên hết sức cân nhắc khi tham gia vào kênh đầu tư mạo hiểm như tiền điện tử. Đồ hoạ: Đức Mạnh

Luật sư Đặng Xuân Cường lưu ý các nhà đầu tư nên hết sức cân nhắc khi tham gia vào kênh đầu tư mạo hiểm như tiền điện tử. Ảnh: Đức Mạnh 

Đầu tư luôn cần kiến thức

Chia sẻ trong chương trình Tài chính thông minh trên Báo Lao Động, GS.TS Andreas Stoffers - Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann tại Việt Nam - khuyên mỗi người có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách học và hiểu rõ những nơi mình đang đổ tiền vào. Cũng đừng quên đầu tư vào chính bản thân mình bởi kiến thức có thể giúp bạn mang về lợi nhuận cao hơn.

Ông nhấn mạnh rằng chuẩn bị một quỹ khẩn cấp là rất quan trọng. Nếu có quỹ này, bạn sẽ không lo phải bán các khoản đầu tư của mình với giá bèo bọt.

Mỗi người cũng nên hiểu rõ về khẩu vị rủi ro của mình để lựa chọn kênh đầu tư phù hợp. Mức độ chấp nhận rủi ro càng lớn thì danh mục càng chứa nhiều cổ phiếu, ít trái phiếu và các loại chứng khoán thu nhập cố định. Ngược lại, nếu chấp nhận rủi ro vừa phải thì sẽ cần một danh mục đầu tư thật thận trọng.

Tiền điện tử là một kênh đầu tư mạo hiểm và đặc biệt chưa được pháp luật Việt Nam công nhận nên không được khuyến khích phân bổ.

Chuyên gia từ Chứng khoán VNDirect gợi ý có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư và phân chia theo 3 loại tài sản: Tài sản phòng vệ (gồm tài sản đảm bảo thanh toán ngắn hạn, bảo hiểm), tài sản tích sản hưu trí và tài sản đầu tư (dòng thu nhập thụ động và đầu tư chủ động để đảm bảo danh mục tránh được rủi ro).

Theo báo Lao động

- PV Đức Mạnh

https://laodong.vn/kinh-doanh/sau-bitcoin-luna-vi-sao-nguoi-viet-van-dam-dau-vao-san-ftx-1119821.ldo?fbclid=IwAR198431-VkY3AdQRW0kcKVXOw-4N-g1XUf8J5Yg3JHGOsNgLYZHaHs_HQQ