06/28/2021 10:00:39 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Theo đó, thời gian qua, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã "tuýt còi", kiến nghị xử lý nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các bộ ngành, địa phương.
Cụ thể, năm 2018, cơ quan này đã kiến nghị xử lý 84 văn bản (27 văn bản cấp bộ và 57 văn bản cấp tỉnh); năm 2019 kiến nghị xử lý 165 văn bản (13 văn bản cấp bộ và 152 văn bản cấp tỉnh); năm 2020 kiến nghị xử lý 68 văn bản (6 văn bản cấp bộ và 62 văn bản cấp tỉnh)… có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật.
Văn bản pháp lý kém chất lượng, đang trở thành một trong những thực trạng đáng buồn - Ảnh minh họa
Và mới đây, tại hội thảo trực tuyến "Chất lượng của thông tư và công văn: Góc nhìn từ doanh nghiệp" ngày 25/6, do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, câu chuyện về thực trạng các văn bản quy phạm kém chất lượng lại một lần được nhắc tới khi nhiều văn bản vẫn gây khó, tạo rào cản phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Đầu tiên phải kể đến Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành từ 01/8/2021 hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và quản lý thuế với hộ kinh doanh. Trong đó, ngoài những khúc mắc khiến doanh nghiệp quan ngại thì những ví dụ hướng dẫn được đưa ra tại văn bản này có sự thiếu thống nhất với chính nội dung văn bản.
Thông tin với báo chí, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, qua kiểm tra bước đầu, đối chiếu với quy định liên quan của các Luật thuế, có thể nhận định nội dung tại ví dụ 1 thuộc khoản 3 Điều 7 và ví dụ 2 thuộc điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư số 40 không thống nhất với nội dung khác của chính Thông tư này. Đồng thời, nội dung hai ví dụ này cũng không phù hợp với quy định của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập cá nhân.
Theo đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có ý kiến với đại diện hai đơn vị là Tổng cục Thuế, Vụ Pháp chế của Bộ Tài chính tại cuộc họp diễn ra vào chiều 25/6 về việc nội dung không phù hợp đã nêu.
Thông tư số 40/2021/TT-BTC là một trong số các văn bản gây nhức nhối dư luận thời gian vừa qua - Ảnh minh họa
Cũng liên quan đến Thông tư số 40 của Bộ Tài chính, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), cũng đặt câu hỏi: Liệu có cần thiết hay không trong bối cảnh hiện nay, khi yêu cầu các sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn?
"Chúng ta đang khuyến khích phát triển sàn thương mại điện tử, nhưng thông tư này lại đưa ra quy định về thuế, cho thấy dường như cơ quan quản lý muốn quản, muốn thu nhiều hơn là tạo ra sân chơi tốt, hiệu quả cho các bên, người tiêu dùng. Cần thay đổi cách thức quản lý cho phù hợp với sự phát triển, hơn là sử dụng cách thức, công cụ cũ", bà Thảo đánh giá.
Đồng tình với quan điểm của bà Thảo, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử cũng cho rằng, tác động của Thông tư 40 rất rộng, liên quan nhiều bên, không riêng ban quản trị sàn.
Ông Dũng phân tích, sàn thương mại điện tử có sự tham gia của các Công ty đa quốc gia, xuyên biên giới, và các hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương, có sự chệnh lệch giữa các thành phần.
"Một số quốc gia tiên tiến quy định khai thuế tự động, công khai, cá nhân tự chấp hành. Còn ở Việt Nam, người kinh doanh không biết phải làm gì", ông Dũng nêu quan điểm.
Và mới đây, thông tin với báo chí, Tổng cục thuế cho biết, trước ngày 01/8 sẽ lấy ý kiến các sàn thương mại điện tử về việc kê khai, nộp thuế cho cá nhân kinh doanh qua sàn để "chuẩn hoá" dữ liệu kết nối thông tin.
Thông tư số 40/2021/TT-BTC chỉ là một trong những văn bản pháp lý khiến dư luận quan ngại về chất lượng trong thời gian vừa qua, thực tế, vẫn còn nhiều các văn bản khác đang tạo rào cản khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp khó trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo văn bản chỉ đạo số 514/TTg-PL ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Diễn đàn Doạnh nghiệp
(- PV Gia Nguyễn)
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50