06/29/2021 10:09:09 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Đây là thực trạng của các Thông tư số 26/2016/TT-BNN và Thông tư số 36/2018/TT-BNN đối với thuỷ sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) khi quy định về kiểm dịch đối với “sản phẩm động vật”, được giải thích và áp dụng theo hướng sản phẩm chế biến từ “sản phẩm động vật” hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” (kể cả loại bao gói sẵn) đều thuộc diện phải kiểm dịch động vật theo Luật Thú y, khiến Danh mục hàng hoá phải kiểm dịch thuỷ sản nhập khẩu tăng lên đáng kể.
Phúc đáp thông tin phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về thực trạng đã nêu, Cục Thú y – Bộ NN&PTNT cho rằng, về lĩnh vực kiểm dịch thủy sản, đơn vị cũng đã sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục... hành chính.
Đơn vị này cũng cho rằng, về Danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm dịch thủy sản: đã được cắt giảm 160 mã hàng hóa/tổng số 450 mã hàng hóa so với trước đây (tỷ lệ cắt giảm được là 36%); Không kiểm dịch nhập khẩu đối với sản phẩm động vật thủy sản đã chế biến chín, đóng bao kín khí, sử dụng để ăn ngay.
Các Thông tư của Bộ NN&PTNT đang khiến doanh nghiệp thủy sản gặp khó khi làm tăng Danh mục hàng hóa phải kiểm dịch - Ảnh minh họa
Về tần suất lấy mẫu: dựa trên cơ sở mức độ nguy cơ rủi ro, đối với sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ thấp (đã qua chế biến) cứ 5 lô hàng thì lấy mẫu 1 lô hàng để kiểm tra (tỷ lệ cắt giảm được là 80%); đối với sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ cao (sản phẩm ở dạng sơ chế, tươi sống, đông lạnh, ướp lạnh) cứ 03 lô hàng liên tiếp, nếu kết quả kiểm tra đạt yêu cầu sẽ áp dụng tần suất 5 lô hàng lấy mẫu của 1 lô hàng để kiểm tra (tỷ lệ cắt giảm được là 80%) và không thực hiện việc kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản đã chế biến chín, đóng bao bì kín khí, có nhãn mác theo quy định và sử dụng để ăn ngay.
Về chỉ tiêu kiểm tra: đối với Nhóm sản phẩm thủy sản tươi sống/đông lạnh/ướp lạnh đã cắt giảm 2/6 chỉ tiêu kiểm tra (tỷ lệ cắt giảm được là 33,33%); Đối với Nhóm sản phẩm thủy sản sơ chế đã cắt giảm 3/7chỉ tiêu kiểm tra (tỷ lệ cắt giảm được là 42,85 %); Đối với Nhóm sản phẩm thủy sản chế biến đã cắt giảm 4/8 chỉ tiêu kiểm tra (tỷ lệ cắt giảm được là 50%).
Thế nhưng, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu đưa ra một bảng so sánh giữa các hình thức kiểm tra ATTP và kiểm dịch thú y cho hàng thủy sản nhập khẩu thì không khó để thấy kiểm dịch thú y đang tạo gánh nặng về mặt thủ tục hành chính thay vì cắt giảm như Cục Thú y đã từng trả lời trước dư luận.
“Như đối với hạng mục nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu, nếu thực hiện kiểm tra ATTP (theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP) thì hàng hóa đều thực hiện miễn kiểm tra từ kiểm tra giảm, kiểm tra thông thường, đến kiểm tra chặt. Trong khi, kiểm dịch thú y (theo Thông tư số 26/2016/TT-BNN và Thông tư số 36/2018/TT-BNN đối với thuỷ sản) thì hàng hóa phải thực hiện, kiểm tra hồ sơ (100% lô hàng); kiểm tra bao gói, ghi nhãn, ngoại quan (100% lô hàng); lấy mẫu để kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh thú y (trường hợp nghi ngờ hoặc phát hiện hàng hóa không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y)”, đại diện VASEP phân tích.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký VASEP cũng chỉ ra một số điểm bất cập của Thông tư, như việc “vênh” giữa Thông tư với Nghị định hoặc Luật - Ảnh minh họa
Tại hội thảo trực tuyến "Chất lượng của thông tư và công văn: Góc nhìn từ doanh nghiệp" do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký VASEP cũng chỉ ra một số điểm bất cập của Thông tư, như việc “vênh” giữa Thông tư với Nghị định hoặc Luật.
Cụ thể, theo ông Nam, Thông tư 26/2016 và Thông tư 36/2018 của Bộ NN&PTNT quy định về kiểm dịch thuỷ sản nhập khẩu, là 2 Thông tư quy định kiểm tra các chỉ tiêu ATTP cho nhóm sản phẩm thuỷ sản dùng làm thực phẩm, thế nhưng quy định này không theo cơ chế và phương thức quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm.
“Chưa kể, việc mở rộng khái niệm “sản phẩm động vật” và không có sự phân biệt rõ khái niệm “sơ chế, chế biến” của các văn bản quy phạm này cũng là nguyên nhân quan trọng làm tăng diện hàng hóa phải kiểm dịch động vật, cản trở nỗ lực cắt giảm danh mục hàng hóa, tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành”, ông Nam cho hay.
Cùng với đó, ông Nam cũng chỉ ra tình trạng Thông tư “vênh” giữa các Bộ có cùng cơ chế kiểm soát như trường hợp của Thông tư 48/2013 của Bộ NN&PTNT và Thông tư 52/2015 của Bộ Y tế khi đều quy định về kiểm soát, kiểm tra an toàn thực phẩm sản phẩm thực phẩm xuất khẩu – nhưng phương thức quản lý rủi ro và kiểm tra lại khác nhau hoàn toàn.
Không chỉ tác động lên ngành thủy sản, quy định về kiểm dịch cũng gây ra những bất cập cho ngành sữa.
Trước đó, ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, đơn vị này cũng mới có kiến nghị gửi lên Chính phủ về việc, hiện một số sản phẩm đã qua xử lý nhiệt vẫn bị kiểm dịch như các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ đã đóng gói để bán lẻ và sản phẩm dinh dưỡng y tế, đồ uống chứa sữa tiệt trùng.
Cụ thể, theo ông Trung, các sản phẩm dinh dưỡng như sữa bột đã qua xử lý nhiệt và với tiêu chuẩn rất cao mà vẫn phải yêu cầu kiểm dịch là không hợp lý, một là bỏ các chỉ tiêu này trong quy định kiểm dịch hoặc Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế phải có quy định công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra, để doanh nghiệp chỉ phải đi kiểm tra một lần và một nơi.
Đáng nói, trước những bất cập đã nêu, cơ quan báo chí cũng như các Hiệp hội ngành nghề đã có kiến nghị gửi tới Bộ NN&PTNT, thế nhưng, thay vì có những động thái cụ thể vào cuộc, đơn vị này lại cố tình “ngó lơ”.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
(- PV Gia Nguyễn)
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50